"Gia tài của bố", bức thư thứ 9 Tôn Hiếu Anh viết nhân ngày giỗ PGS Tôn Thất Bách đăng trên facebook hôm 26/3 khiến đồng nghiệp, học trò, bạn bè của gia đình Tôn Thất, đều xúc động. Những dòng chia sẻ của con trai PGS nhận được tình cảm yêu mến, kính trọng của cộng đồng.
Hiếu Anh chia sẻ, anh viết bức thư trước 0h ngày 25/3 như lời tâm sự, thủ thỉ của cậu con trai lâu ngày chưa được gặp bố và cả sự tiếc nuối vì không theo được ngành y giống ông nội, bố và mẹ. "Bố biết không, 9 năm đã qua, mỗi dịp 20/11, Tết âm lịch, giỗ bố 26/3, giỗ ông 7/5, nhà mình vẫn chật kín người. Các lớp học trò của bố nay đã trưởng thành. Họ dẫn học trò tới thắp hương và giảng giải về thành tựu khoa học của ông và bố. Tự hào lắm!", Hiếu Anh viết.
Trong thư, Hiếu Anh khẳng định gia tài bố để lại không phải tiền hay kiến thức y khoa mà là những người bạn của bố, ngôi nhà ở Lương Sơn, nơi chứa bao tình cảm của gia đình và email đầu tiên cũng là cuối cùng hai bố con viết cho nhau. Sự quan tâm hay cái cách luôn để riêng một chén rượu của những người bạn dành cho bố khiến Hiếu Anh hiểu được sự tồn tại của tình bạn chân chính trong cuộc sống này, giúp anh nhận ra mình "quá ư hời hợt", "không biết cách chơi với bạn như bố đã làm".
PGS Tôn Thất Bách và con trai Tôn Hiếu Anh. |
Hàng năm, chỉ đến ngày giỗ, Hiếu Anh mới dám cho phép mình giãi bày cảm xúc trong bức thư gửi bố. Với anh, mỗi lần nhắc đến bố là thêm một lần gợi lại cảm giác "chết lặng" như lúc nghe tin ông mất. Những năm đầu khi bố mới qua đời, Hiếu Anh thường viết thư tay hoặc email rồi gửi vào hòm thư của PGS Bách.
Ngày ông mất, 26/3/2004, Hiếu Anh đang du học ở Anh. 8h sáng giờ Việt Nam và khi đó là đêm ở Anh, Hiếu Anh vui mừng nhận được email đầu tiên bố viết và lập tức viết thư trả lời, nhưng "bố đã không kịp đọc". "Tại sao hôm qua còn nhận được email của bố mà hôm nay cơ sự lại thế này? Không hề bối rối mà bình tĩnh đến lạ thường. Đến tận bây giờ mình mới hiểu đó là cảm xúc chết, chết lặng trong lòng. Không một giọt nước mắt. Máy bay hạ cánh gặp 3 người đi đón và cảm nhận cái vòng tay ấm áp, chia sẻ. Vỡ tan, vẫn không hề tin và ước ao về đến nhà thấy mọi chuyện vẫn bình thường", trích blog của Hiếu Anh hôm biết tin bố qua đời.
Theo Hiếu Anh, bố đã nhìn được hồi kết của mình nên dặn hết những gì cần thiết, đã email cho con ngay đêm trước khi đi công tác, ôm chú Thạch khóc, gọi cho mẹ thăm hỏi như thường lệ, dặn con gái phải chăm lo cho mẹ và kịp chia sẻ ý đồ xây dựng Bệnh viện Việt Đức với chú Thạch cụ thể.
Trong ký ức của Hiếu Anh, bố nghiêm khắc nhưng hài hước và tình cảm. Ngày nhỏ, anh và chị gái thường ao ước đến Tết để cả gia đình sum họp, được nhìn bố gói bánh chưng, mổ gà rồi cùng đón khoảnh khắc giao thừa. Hàng ngày, bố mẹ bận công việc trong viện nên chỉ có hai chị em ở nhà chăm nhau, chỉ có bữa tối là thời gian cả nhà gặp nhau. Bữa tối cũng là nỗi ám ảnh của Hiếu Anh vì "nghe chuyện bệnh nhân, ca mổ, bệnh viện, chuyện chuyên môn" và bị bố mắng.
Việc này diễn ra liên tục trong nhiều năm tạo cho chị em Hiếu Anh phản xạ là tìm mọi cách để vắng mặt vào bữa ăn hoặc ăn trước rồi về phòng đóng cửa kín mít. "Ngày Tết không mắng" là món quà của bố dành cho chị em anh. Trong những ngày ấy, Hiếu Anh tha hồ ngủ ở nhà hoặc đủ can đảm ngồi gần bố một lát.
Con trai PGS Bách tâm sự, chưa bao giờ anh ở gần bố được 2 phút và luôn đứng cách ông khoảng cách an toàn là 5 mét. Sau này khi anh trưởng thành, PGS Bách mới chia sẻ với con trai nỗi ân hận vì đã làm các con sợ khiến bố con xa cách.
Bức thư gửi bố của Tôn Hiếu Anh |
Thời thơ bé thì mong đến Tết nhưng kể từ khi bố mất, Hiếu Anh sợ Tết, không đón giao thừa cũng như bỏ qua thói quen đi chơi năm mới. Anh kể, mỗi người trong nhà đều có những ký ức về bố nhưng không bao giờ dám kể ra, tránh gặp nhau trong những ngày Tết vì sẽ làm người khác buồn. "Bây giờ mẹ cũng chưa dám xem album ảnh hay sờ vào đồ đạc của bố. Còn tôi sợ ngửi mùi không khí của Tết, sợ gặp những người bạn của bố", Hiếu Anh cho hay.
Mặc dù hay bị bố mắng nhưng Hiếu Anh luôn cảm nhận được sự quan tâm, theo sát của ông dành cho mình. Năm mới sang Anh, lúc đi học về, Hiếu Anh nhận được điện thoại của bố từ Việt Nam thông báo "Giao thừa rồi con ạ". Những lần hai bố con cùng nhau hút thuốc, tâm sự, luôn là kỷ niệm đẹp trong ký ức Hiếu Anh.
Anh bảo, trong vô số lần bị ăn đòn có một lần "bị oan" vì bố hiểu nhầm lấy đá ném chị gái. Cái tát giáng trời của bố tới giờ Hiếu Anh vẫn nhớ và thỉnh thoảng nhắn tin "khoe" chị gái. Mỗi lần nhớ đến bố, chị em Hiếu Anh lại cùng ôn lại kỷ niệm.
Đến giờ, người nhà bệnh nhân hay những người được PGS Bách cứu sống vẫn thường qua lại thăm hỏi và thắp hương cho ông ngày giỗ. Hiếu Anh bảo, không ít người trong số đó giờ trở thành thân thiết với gia đình anh. Trong những câu chuyện bệnh nhân kể, Hiếu Anh biết bố thường giúp đỡ họ về tài chính hoặc động viên về tinh thần.
37 tuổi, Hiếu Anh đang làm biên tập viên thời trang ở đài truyền hình và chưa có dự định kết hôn. Hiện anh sống cùng mẹ ở ngôi nhà trên phố Lê Thánh Tông (Hà Nội). Không theo ngành y mà học về thời trang, Hiếu Anh vẫn tự hào vì "dẫu không thể nào so được với ông và bố, nhưng con đang tập đứng vững trên đôi chân của mình, bằng năng lực thực sự, để không trở thành kẻ vô dụng, ăn bám xã hội".
Cố PGS Y học Tôn Thất Bách (1946-2004) là Viện sĩ Viện Hàn lâm ngoại khoa Pháp; Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học New York; tiến sĩ danh dự ĐH Lille - Pháp; tiến sĩ danh dự ĐH Odessa - Ukraina; nhà giáo nhân dân; thành viên Hội ngoại khoa quốc tế. Ông từng giữ các chức vụ Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức; Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội; đại biểu Quốc hội các khoá IX, X và XI; Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội khoá XI; chuyên gia đầu ngành về tim mạch của Việt Nam. Ông là con trai của giáo sư Tôn Thất Tùng, một trong những người vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên. |
Tác giả: Bình Minh
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc