'Cần xem lại quyết định cấm đốt pháo'

Thứ tư - 29/05/2013 23:47 1.008 0
"Tôi hoan nghênh chủ trương cho phép pháo hỏa thuật chỉ có ánh sáng, hiệu ứng âm thanh. Đến lúc nào đó kể cả pháo nổ cũng nên như vậy, nhưng chúng ta phải quản lý tốt", nhà sử học Dương Trung Quốc nêu quan điểm.

Chia sẻ với VnExpress bên lề Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc cho biết, đốt pháo không phải là truyền thống riêng của Việt Nam, cũng không phải của châu Á mà của rất nhiều cộng đồng cư dân thế giới. Truyền thống này bắt đầu từ những quan niệm về tâm linh, đời sống; từ mối liên tưởng giữa sức mạnh của thiên nhiên, như tiếng sấm, được phản ánh vào tâm thức của con người. Mỗi quốc gia, mỗi vùng văn hóa có biểu hiện khác nhau và trong xã hội truyền thống đó là một phần của đời sống, không chỉ thể hiện trong dịp lễ tết mà còn thấy trong nhiều nghi thức, lễ hội.

- Ông suy nghĩ gì khi biết thông tin từ Tết Nguyên đán 2014 có thể được đốt pháo không tiếng nổ?

- Tôi hoan nghênh chủ trương có thể cho phép đốt pháo hỏa thuật (chỉ có ánh sáng, hiệu ứng âm thanh) và nghĩ rằng đến lúc nào đó kể cả pháo nổ cũng nên như vậy. Nhưng điều kiện là chúng ta phải quản lý tốt. Một số nước từng cấm và sau đó người ta nới lỏng dần ra. Nếu trở lại được tiếng pháo của văn hóa thì đó là điều hết sức đáng mừng.

Tôi chỉ băn khoăn là trong cơ chế thị trường người ta sẽ tìm đến cái lợi ích, người sản xuất, buôn bán pháo vì hiệu quả kinh tế mà có thể làm những quả pháo không có chất lượng, pháo độc hại nguy hiểm, gây ô nhiễm môi trường.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: "Nếu trở lại được tiếng pháo của văn hóa thì đó là điều hết sức đáng mừng". Ảnh: Hoàng Hà.

- Rất nhiều ý kiến phản đối vì lo ngại không quản lý, nhất là trong hoàn cảnh nhiều chính sách của nhà nước bị lợi dụng, biến tướng, ông nghĩ sao về điều này?

- Trước đây, Chính phủ quyết định cấm pháo, tôi cho là đúng đắn vì ta không còn quản lý pháo như một sản phẩm văn hóa. Pháo lúc đó chủ yếu là mặt hàng thương mại mà ta không quản lý được việc sản xuất, sử dụng. Việc sản xuất, sử dụng hết sức bừa bãi, gây những hậu quả hết sức tai hại như cháy nổ, chết người. Tôi đã chứng kiến thời kỳ đó có những bánh pháo làm bằng thuốc nổ mà chắc chắn có thể gây hỏa hoạn cho cả khu dân cư.

Tuy nhiên, phân tích kỹ việc cấm ấy không phải do tự thân quả pháo mà là quản lý kém và ý thức người dân kém. Cho nên nếu việc quản lý tốt hơn, ý thức người dân được tăng cường hơn thì việc trở lại những sinh hoạt vốn có trong đời sống xã hội tôi cho là tích cực. Cái khó là nhà quản lý phải cân đong, đo đếm được chuyện này và có lộ trình, đặc biệt phải quản lý chặt chẽ.

- Nhiều người mạnh dạn đề xuất cho đốt cả pháo nổ, theo ông lúc này đã phải là thời điểm thích hợp?

- Trở lại giá trị văn hóa thì vấn đề quản lý phải đặt lên hàng đầu. Quản lý nhà nước là quan trọng nhất, sau đó là ý thức người dân. Người dân thèm khát một tiếng pháo văn hóa thì họ cũng cần biết đấu tranh chống lại tiếng pháo vô văn hóa. Muốn cái đó thì quản lý tốt với những chế tài rất nghiêm việc sản xuất lậu. Một giải pháp tôi rất hoan nghênh, đó là để đảm bảo chất lượng pháo thì chỉ giao một số cơ sở sản xuất của nhà nước, quân đội có trách nhiệm, công nghệ cao, quản lý sản xuất.

Còn nếu sau này những làng pháo nổi tiếng như Bình Đà khôi phục lại dưới sự quản lý chặt và tạo hành lang pháp lý, mang lại lợi ích cho người sản xuất, có trách nhiệm với người sử dụng thì tôi cho là bình thường. Tôi dự lễ hội rước pháo ở Đồng Kỵ (Bắc Ninh) thấy người dân tuân thủ rất nghiêm, vác quả pháo không nổ, chứng tỏ họ vẫn giữ truyền thống và hy vọng một ngày nào đó tiếng pháo lại nổ. Một truyền thống hết sức văn hóa và là điều đáng suy nghĩ, làm sao cho ngày đó đến gần, nhưng rõ ràng phải đảm bảo an toàn.

- Cảm xúc của ông vào thời điểm giao thừa khi đã vắng tiếng pháo nổ?

- Cuộc đời cái gì rồi dần cũng quen đi, nhưng những năm đầu tiên thì bức xúc lắm. Là người ít nhiều quan tâm tới văn hóa, tôi nghĩ tới một ngày nào đó tiếng pháo sẽ trở lại trong đời sống văn hóa Việt Nam. Đó là mong muốn tốt đẹp, là một đòi hỏi nhưng cũng là vấn đề dân trí. Và người dân phải ý thức được chuyện đó, cùng nhau chia sẻ, cùng nhau đóng góp thì mới thành công được.

Tôi nhớ ngày xưa, khi còn nhỏ, cái xác pháo đẹp lắm. Mùi thuốc pháo thơm lắm. Bởi vì lúc đó người ta chủ yếu làm bằng than của rễ xoan và một chút diêm sinh. Vỏ pháo lúc nổ xé ra thì đẹp như cánh hoa đào. Nhưng sau này, người ta chỉ cần tiếng nổ, nổ càng to càng tốt. Và nhất là tâm lý người Việt thì thích cạnh tranh nhau dẫn đến nguy hiểm, sự vô ý thức như ném pháo.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Việt Trường: "Đề xuất cho đốt pháo vào thời điểm này là quá sớm. Chúng ta thực hiện Chỉ thị 406 năm 1994 của Thủ tướng từ cách đây gần 20 năm và để đạt được hiệu quả như hiện giờ, tôi cho đó là một chính sách thành công điển hình dù việc này động chạm đến một tập tục, truyền thống lâu đời của người dân Việt Nam.

Trong thời gian gần đây, do công tác quản lý có hơi lơi lỏng thì dịp Tết đã thấy lại cảnh đốt pháo công khai, phổ biến ở Hải Dương và một số tỉnh như năm vừa rồi. Tôi rất e ngại việc này, nếu pháo làm ra đúng như Bộ Quốc phòng thông tin là chỉ tạo hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, không có tiếng nổ… thì xã hội sẽ quay lại với không khí, thói quen đốt pháo, việc này sẽ lợi bất cập hại.

Đợi đến khi trình độ phát triển chung của dân trí đạt được mức độ nhất định, tôi ví dụ, từ lĩnh vực khác để quy chiếu sang, bao giờ mà 2h sáng người điều khiển phương tiện giao thông ở Việt Nam vẫn dừng trước đèn đỏ, lúc không hề có cảnh sát giao thông, chỉ một mình lưu thông trên đường lái xe vẫn tự dừng lại thì có thể cho đốt pháo lại.

Trong tình hình tội phạm sử dụng vũ khí nóng, các loại chất nổ để tiến hành các hoạt động tội phạm, rồi khủng bố tuy chưa thấy xuất hiện ở Việt Nam nhưng cũng phải đề phòng. Giờ ta không cẩn thận thì sự an toàn của người dân thêm một yếu tố nữa không được đảm bảo".

Tác giả: Nguyễn Hưng

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây