Bộ trưởng Thăng: 'Chấm dứt việc đường vừa làm xong đã hỏng'

Thứ sáu - 08/03/2013 06:14 712 0
Thừa nhận ngành giao thông có nhiều lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng như đầu tư xây dựng cơ bản, đăng kiểm, sát hạch lái xe, Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng cho rằng, cần kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng này.

Sáng 8/3, tại hội nghị triển khai công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng năm 2013, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, chủ đề của ngành giao thông năm 2013 là nâng cao trách nhiệm người thực thi công vụ, do vậy sẽ xây dựng lực lượng thanh tra đủ chất và lượng, đảm bảo trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức.

Tinh thần trách nhiệm giải quyết các vụ việc tiêu cực sẽ phải thực hiện trong toàn ngành từ Bộ trưởng đến các Thứ trưởng, lãnh đạo các đơn vị, mà không đẩy hết cho thanh tra. "Chúng ta cần có trách nhiệm với nhiệm vụ được giao, trách nhiệm của mình lại đẩy lên Chính phủ hay các bộ ngành khác là không được. Chúng ta phải xác định mỗi mét đường, mét cầu ở các địa phương đều có trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, để thực hiện cho tốt", Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Thực thi phải nghiêm túc, không chung chi thì mới giữ được đường". Ảnh: ĐL

Người đứng đầu ngành giao thông cũng thừa nhận công tác đầu tư xây dựng cơ bản, đăng kiểm, sát hạch lái xe... luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng nên công tác phòng, chống rất quan trọng. Chất lượng công trình là vấn đề mà Quốc hội và nhân dân rất quan tâm, do vậy phải chấm dứt tình trạng công trình vừa làm xong hoặc vừa hết bảo hành đã hỏng.

Bộ trưởng lấy ví dụ, dự án mở rộng Quốc lộ 1 qua tỉnh Hà Nam mới làm xong mặt đường đã rạn rứt. Ông đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nam quy trách nhiệm cá nhân để xử lý. Sắp tới, với dự án mở rộng Quốc lộ 1A, không thể để tái diễn vụ việc tương tự. Trong các dự án, tuổi thọ công trình bao nhiêu năm thì phải đảm bảo đúng, tập trung tiến độ song không bỏ qua chất lượng.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cũng chỉ đạo tập trung kiểm tra công tác sát hạch, cấp giấy phép lái xe, kinh doanh vận tải bằng xe khách... cũng như bảo vệ đường sá bằng cách ngăn chặn xe quá tải, thực hiện nghiêm bảo trì đường bộ. Đây là cách lấy lại lòng tin của người dân, chứng minh cho người dân biết là đường sá sẽ êm thuận hơn sau khi nộp phí bảo trì đường bộ.

Theo Bộ trưởng Thăng, rạng sáng nay có vụ hai xe khách đâm trực diện làm 11 người chết, hôm trước nữa có vụ một xe container đâm chết 2 nữ sinh. Số người chết do tai nạn giao thông trong 2 tháng đầu năm đã tăng 18%, cho thấy phải xem xét lại công tác sát hạch, cấp giấy phép, nâng cao đạo đức của lái xe, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên đường và khai thác thiết bị hành trình.

"Nhiều người nhắn tin cho tôi rằng, sẵn sàng nộp phí nếu phí bảo trì dành để đầu tư sửa chữa đường minh bạch, hiệu quả. Chúng ta phải giữ được hạ tầng hiện có bằng cách kiểm tra xe quá tải. Phải phạt nghiêm các xe này, thực thi phải nghiêm túc, không chung chi thì mới giữ được đường", Bộ trưởng bày tỏ.

Trước đó, một số lãnh đạo Thanh tra giao thông các tỉnh thành đã nêu vấn đề nổi cộm trong quá trình thanh kiểm tra. Theo đại diện Thanh tra giao thông Đà Nẵng, các đơn vị kinh doanh vận tải đang lắp đặt thiết bị giám sát hành trình một cách đối phó, có thiết bị song không kết nối mạng, không có đủ dữ liệu theo quy định. Ngoài ra, việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác xử lý vi phạm chưa được tốt, từ đó dễ dẫn đến tiêu cực.

Còn đại diện Thanh tra giao thông TP HCM cho hay, xe chở quá tải, quá khổ hoạt động ngày càng nhiều, năm 1012, lực lượng thanh tra đã xử lý hơn 12.400 trường hợp xe quá khổ, tăng 61 vụ so với năm trước. Trong khi đó, do không có địa điểm rộng nên việc xử lý xe quá tải khó khăn, chưa buộc các xe hạ tải sau khi phát hiện vi phạm. Năm 2013, ngành giao thông đã xử lý 35.000 trường hợp chở quá tải, quá khổ, đón trả khách sai quy định bị xử phạt, với số tiền hơn 34 tỷ đồng.

Tác giả: Đoàn Loan

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây