Bé 12 tuổi chăm ông mù lòa

Thứ ba - 14/05/2013 00:16 902 0
Bố mất sớm, mẹ đi làm thuê, Trịnh Thị Hằng (12 tuổi, Yên Định, Thanh Hóa) vừa đi học, vừa chăm em trai 4 tuổi và ông nội bị mù lòa.

Căn nhà xập xệ nằm cuối xóm Phát Thôn 3, xã Yên Lạc, là nơi trú ngụ của ông lão mù Trịnh Trung Lơ (82 tuổi) và hai đứa cháu Trịnh Thị Hằng, Trịnh Trung Đạt.

Vừa đi thi về, không kịp nghỉ ngơi, Hằng tất tả nhóm bếp chuẩn bị bữa cơm chiều. Cô bé có đôi mắt to tròn, nước da bánh mật thổi phù phù cho rơm mau bén lửa, rồi giải thích phải nấu cơm sớm vì dưới bếp không có điện, trời tối sẽ không nhìn thấy gì.

Đưa tay quạt tan khói bếp, Hằng khoe được mẹ dậy nấu cơm từ hồi học lớp 2. Trước cơm hay bị sống, có khi bị khê, nhưng giờ thì ngon lành rồi. “Răng ông em yếu lắm. Cơm phải nấu nhão một chút để cho ông và em Đạt còn ăn được”, Hằng cười tươi, khoe má lúm đồng tiền.

Đã hai năm nay, Hằng vừa đi học, vừa chăm ông, chăm em. Ảnh: Hoàng Phương.

Sáng nào Hằng cũng dậy từ 5h, quét dọn nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn sáng cho ông và em trai. Bữa sáng của ba ông cháu thường là mì tôm, có khi là cơm nguội rang. Ông già yếu, em còn nhỏ, cô bé 12 tuổi đảm đương hết mọi việc trong nhà, từ chợ búa, cơm nước, giặt giũ đến chăm ông.

Tối đến, khi ông đi nằm nghỉ, hai chị em dắt nhau sang bà ngoại học bài. Cô chị bước vào năm cuối tiểu học nên phải nhờ các dì kèm cặp. Em Đạt mới đi mẫu giáo, tiếp thu khá nhanh, thuộc lòng bảng chữ cái và đếm số rất thành thạo.

Học xong, hai chị em dắt nhau về với ông. Thi thoảng người dì đưa đón, có hôm hai đứa trẻ tự soi đèn pin rồi chở nhau về. Thấy cháu đi lại vất vả, bà ngoại thương tình bảo ngủ lại rồi sáng mai đi học nhưng cô bé không chịu. Hằng không dám để ông ngủ một mình vì sợ ông xảy ra chuyện.

Ông Lơ than thở: “Tôi già yếu rồi, chẳng sống được bao lâu nữa. Nhưng con bé vẫn sợ tôi chết, bỏ chị em nó đi như bố nó cách đây hai năm”. Nhắc đến người con trai vắn số, ông lại khóc rưng rức như đứa trẻ.

Do ở quê không có việc, vợ chồng anh Trịnh Trung Sơn (bố mẹ Hằng) bàn nhau lên Cao Bằng làm phụ hồ, kiếm ít vốn để sửa lại nhà. Năm 2011, anh Sơn bị ngã giàn giáo từ độ cao 4 m rồi qua đời. Ngày nhận hung tin, ông Lơ ngất lịm. Lúc tỉnh dậy thì thấy con trai nằm trên băng ca trắng toát, phải thở bằng bình ôxi.

Bé Đạt khi ấy mới 2 tuổi, cầm tay ông nội lắc lắc: “Ông ơi, bố Sơn ngủ mà cháu gọi mãi bố chẳng dậy”. Rồi nó trèo lên giường nằm cạnh và nắm tay bố. Lời con trẻ ngây thơ nhưng như dao cắt vào lòng người lớn. Từ đó, hàng xóm cho bánh trái gì, thằng bé đều mang về để lên bàn thờ cúng bố xong rồi mới ăn.

Đã hai năm từ khi bố qua đời, căn nhà nhỏ không được sửa sang thêm, cứ ngày một tồi tàn. Cái chuồng gà đang xây cũng đành bỏ dở. Mẹ em, chị Đào Thị Chung đi phụ hồ ngoài Hà Nội, tới mùa cấy gặt mới tranh thủ về, rồi lại tất tả ra đi. Vất vả bươn chải, chị đau ốm liên miên. Tiền công chỉ đủ trả tiền thuốc, thỉnh thoảng dành dụm chút ít gửi về cho hai con đóng học.

Bữa cơm chiều chỉ có rau luộc chấm nước mắm, nhưng ba ông cháu ngồi ăn vui vẻ. Hằng liên tục gắp rau, rồi chan nước canh vào bát cho ông dễ nuốt. Vườn rau lang xanh mướt phía sau nhà là thành quả của hai ông cháu. Hằng cuốc đất phồng rộp hai tay, ông nội đằng sau bòn từng viên đất nhỏ rồi hướng dẫn cháu gái xếp dây khoai lang vào rãnh.

Hai chị em nhặt rau chuẩn bị bữa cơm chiều. Ảnh: Hoàng Phương.

Ngoài mảnh vườn nhỏ, hai chị em còn chăm đàn gà hơn chục con. Hằng tâm sự: “Khi nào gà lớn, chờ mẹ đi Hà Nội về sẽ làm thịt ăn”. Thỉnh thoảng bà ngoại ở gần đó tiếp tế cho hai chị em quả trứng, con cá khô. Nhà bà ngoại nghèo, các dì còn đi học. Bà còn chăm sóc ông bị tâm thần do hậu quả chiến tranh nên cũng không lo được cho các cháu.

Bận rộn chăm ông, chăm em nhưng Hằng học khá. Từ lớp 1 đến nay, năm nào em cũng giành giấy khen của trường Tiểu học Yên Lạc, mới đây còn nhận học bổng dành cho học sinh nghèo vượt khó. Cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai nhận xét: “Nếu có người kèm cặp thì Hằng còn học tốt hơn vì em rất thông minh và nghị lực”.

Còn Hằng cười buồn bảo mỗi lần mẹ về đều dặn dò hai chị em chăm ông cho tốt, mẹ đi làm cố gắng nuôi con ăn học thành người. Nhưng ông già yếu rồi, mẹ thì bệnh tật, không biết sau này học lên cấp hai, cấp ba, mẹ còn đủ sức nuôi không?

Thắp cho bố nén hương để kịp giờ sang bà ngoại học bài, cô bé nhắc lại kỷ niệm cả nhà đi thị trấn chơi, được bố mua quần áo đẹp, được chụp ảnh. Bố em còn hứa kỳ tới con gái được học sinh giỏi sẽ mua tặng quần áo mới. “Nhưng giờ bố đi xa rồi, con không cần quần áo mới, con chỉ cần bố mẹ ở cạnh thôi”. Nghe cháu gái khóc, bên băng ghế dài đã cũ, ông già mù lặng lẽ khóc theo.

Theo trưởng thôn Lê Văn Nhâm, gia đình ông Lơ thuộc diện nghèo nhất xóm. Hằng và Đạt được hưởng 180 nghìn đồng một tháng dành cho trẻ mồ côi. Ông Lơ được trợ cấp dành cho người tàn tật, nhưng số tiền đó không đủ trang trải cuộc sống của ba ông cháu và tiền cho hai chị em ăn học.

Hoàng Phương

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây