Tiếng trống trường

Thứ năm - 18/11/2010 05:06 3.010 0

Minh họa: Duy Hải

Minh họa: Duy Hải
Cô Ba lom khom đẩy củi vào bếp lửa đang cháy bùng cho ấm nước mau sôi. Trước sân trường, các thầy cô đang vui vẻ nhận những bông hoa tươi thắm, với những lời chúc mừng của học sinh kèm quà cáp phụ huynh ưu ái mến tặng.

Năm nào cũng vậy, đến ngày này cô Ba không phải đánh trống, đem sổ đến các lớp, nhưng phải lo bận sau bếp nấu nước, pha trà, tàn buổi lễ lại phải dọn dẹp đến mướt mồ hôi để rồi sau đó lặng lẽ một mình trong căn phòng nhỏ...

Gần hai mươi năm, cô thay cha mình cầm dùi đánh trống cho nhà trường, sáng chiều đến giờ tiếng trống lại vang lên theo nhịp gõ của tay cô. Học trò gọi cô bằng cô Ba và luôn lễ phép cúi đầu chào mỗi khi gặp cô.

Không biết bao nhiêu tâm hồn trẻ thơ dần lớn lên trong ngôi trường này, lần lượt đến rồi đi, chẳng mấy đứa nhớ về trường cũ. Nhớ ngày đầu tiên chúng đến lớp ngơ ngác lạ lẫm, có đứa òa khóc lên khi rời khỏi tay dắt của mẹ. Bao nhiêu chuyện vui buồn cô không sao nhớ hết... Nhưng có một chuyện mãi đến bây giờ cô vẫn không quên. Đó là chuyện một con bé lớp năm có mái tóc con trai nghịch ngợm đã dùng com-pa khắc tên mình trên mặt trống khi ngày nghỉ hè sắp đến. Cô Ba giận không kềm được đã khẻ mạnh vào tay nó, nó òa khóc gào lên một cách hỗn hào: ''Cô Ba mắt lé''. Mọi người thảng thốt nhìn cô. Cô Ba đứng tựa vào tường, nghe tim mình đau nhói lên. Nhưng khi thầy giám thị định cho con bé quỳ gối và viết thư gửi về nhà, cô Ba đã ngăn lại: ''Thôi chuyện của tôi không đáng gì, tôi lé thì nó nói lé. Nó chỉ có lỗi làm hư mặt trống, không giữ gìn của công mà thôi''. Nhưng từ đó ngoài nỗi buồn lẻ loi cô Ba còn thêm nỗi mặc cảm về ngoại hình của mình. Cô lấy công việc làm vui.

Hằng năm nhà trường đều tổ chức ngày tết thầy cô, ai cũng có hoa, quà học sinh tặng, cô Ba mang bánh nước lên phòng họp, không ai ngó ngàng gì tới. Ban đầu cô thấy buồn thấy tủi nhưng việc ấy cứ diễn ra hết năm này đến năm khác, cô biết rằng thầy giám thị cũng chẳng có lấy một bông hồng nào của học trò trao tặng. Không hiểu thầy có buồn chăng, chỉ nghe tiếng huýt sáo của thầy cứ vang lên liên tục ở phòng riêng.

- Cô Ba ơi nước sôi chưa?

Cô Ba vội đáp:

- Sôi rồi, tí nữa tôi mang lên!

Cô Ba trở lại bếp lom khom thổi lửa, một cô bé có hai bím tóc dài, nước da ngâm ngâm, mủm mỉm dễ thương, ôm gói quà và ba bông hồng tươi roi rói. Cô Ba gạt mồ hôi trán bảo:

- Cô giáo của con không có đây, con ra đằng trước tìm, ở đây khói bụi dơ lắm!

Cô bé vẫn đứng đó, mắt đen láy nhìn cô, môi mấp máy định nói gì đó. Cô Ba ngờ ngợ, con bé này cô thấy quen lắm. Nhưng rồi cô nghĩ học trò trường mình không quen sao được, quay ra lo công việc của mình.

- Thưa cô - Giọng con bé vang lên rành rọt - Hôm nay là ngày Nhà giáo Việt Nam, con tặng cô món quà và chúc cô vui vẻ, khỏe mạnh.

Con bé này từ đâu đến vậy? Mình chẳng giống giáo viên nào trong trường, sao nó lầm mình với người khác? Nghĩ vậy cô lên tiếng:

- Con lầm rồi, cô chỉ là người đánh trống, không phải là cô giáo của con...

Nhưng con bé vẫn nói:

- Dạ con không lầm, con có tặng quà cho cô chủ nhiệm rồi, phần này mẹ bảo tặng cô Ba. Mẹ còn nói cô Ba đánh trống cũng là cô giáo.

“Mình cũng là cô giáo hay sao?”, cô Ba tự hỏi, xúc động đến ngỡ ngàng, những nếp nhăn trên mặt giãn ra. Cô mỉm cười. Nụ cười lai láng niềm vui. Cô lau vội hai bàn tay đầy bụi đón nhận ba bông hồng.

- Nói cô cảm ơn mẹ nhiều lắm!

- Dạ còn gói quà này nữa!

Cô Ba từ chối, bảo:

- Con đem gói quà này tặng cho thầy giám thị, đừng nói cô bảo nhé!

Con bé lắc đầu:

- Đây là quà của phụ nữ, thầy không dùng được đâu. Chẳng lẽ thầy lại may áo bà ba? À, hay để con tặng thầy bông hồng, còn gói quà mẹ đã dặn trao tận tay cô...

Cô Ba nhận quà chưa kịp nói gì con bé đã chạy đi, chút sau quay trở lại, cô Ba ngạc nhiên:

- Thầy không nhận hả?

- Dạ không... Con chỉ sợ bị thầy phạt.

Cô Ba cười:

- Con có lỗi thầy Tuấn mới phạt, con tặng quà thầy phạt cái gì?

Cô Ba định hỏi tên con bé, nó học lớp nào thì nó lại chạy biến đi.

*
*             *

Sân trường vắng lặng, chỉ nghe tiếng chổi của cô Ba sàn sạt. Rải rác vài bông hồng nằm chỏng chơ. Cô Ba cúi xuống nhặt chúng. Trong lúc vui vẻ các thầy cô đã làm rơi từ các ngực áo.

Dọn dẹp xong trán đẫm mồ hôi, cô Ba vẫn không thấy mệt. Cô thấy vui hơn bao giờ hết, vậy là có người nghĩ cô là một nhà giáo mặc dù cô không cầm phấn, không đứng trên bục giảng. Trước đây, từng ngày, từng ngày qua khi những ồn ào của ngày lễ lắng xuống, cô Ba thường cảm thấy cô độc. Bây giờ cô không thấy mình lẻ loi nữa, cô vui không phải vì gói quà mà vì tình cảm của người tặng. Ôi, phải chi có ai đó để cô bộc lộ nỗi niềm.

Trong im lặng, cô Ba nghe tiếng chân dừng lại trước phòng cô, chưa kịp hỏi thì người bên ngoài đã lên tiếng:

- Cô Ba có trong ấy không?

- Dạ có đây. Thầy Tuấn đó hả? Vô đây uống nước đi.

Thầy Tuấn bước vào, mặt rạng rỡ, trên tay là chiếc ly thủy tinh có ba bông hồng tươi rói. Cô Ba vờ hỏi:

- Bông hồng ai tặng mà đẹp quá vậy thầy?

Thầy vui vẻ đáp:

- Học trò.

Thầy đặt bình hoa lên bàn, ngắm nghía nói tiếp:

- Từ ngày ngồi vào phòng giám thị tới giờ lần đầu tiên tôi được học trò đem tặng hoa. Thật là niềm vui đến bất ngờ. Cô biết không, đó lại là con bé đã bị tôi phạt vì bẻ hoa ngoài cột cờ. Lúc nãy tôi bảo nó tặng cô hai bông hoa này, nó nói có tặng rồi.

Cô Ba mỉm cười:

- Nó chỉ nói vậy thôi hả?

Thầy Tuấn vô tư:

- Nó còn chúc sức khỏe cho tôi nữa, con bé thật dễ thương quá chừng.

Cô Ba cười, đưa gói quà cho thầy xem. Thầy Tuấn đùa:

- Nó tặng cô bộ đồ dài để mặc đi đánh trống và đem sổ đến từng lớp cho oai.

Cô Ba cười:

- Thầy suy diễn làm gì, phụ huynh tôn trọng thương yêu mình, đó là niềm an ủi lớn nhứt, mình cố gắng cho xứng đáng vậy thôi.

Thầy Tuấn gật đầu:

- Cô nói phải, ba bông hồng này làm tôi thấy sung sướng nhứt đời.

Con gái tôi bảo: ''Lúc nào ba cũng “truy lùng tội phạm”, ''thăng đường xử án'', thấy ba học trò nào cũng sợ, vậy không hiểu làm sao học trò lại tặng hoa cho ba''. Lời con gái khiến tôi suy nghĩ nhiều lắm.

Thầy Tuấn nói chưa hết câu đã cười rõ to, khiến con Mi - lu giật mình sủa toáng lên. Cả hai người cùng nhìn nhau cười, mái tóc chớm bạc của họ phất phơ trong gió cuối thu.

*
*             *

Buổi sáng trời trong trẻo, sau cơn mưa đêm mọi vật như mới hơn. Mặt trời xua tan lớp sương nhẹ. Tia nắng ban mai ngó nghiêng vào từng lớp học, báo hiệu một ngày nắng đẹp. Sau hồi trống báo hiệu, cô Ba nhìn khắp sân trường, nhìn mấy đứa học trò cắm cúi nhặt hoa phượng, nhớ đến cô bé ngày xưa, cô bé đã lấy com-pa khắc tên mình lên trên mặt trống. Cái trống ấy hiện giờ nằm trong kho, quá cũ không còn kêu nổi nữa. Không sao cả, chỉ là trò nghịch ngợm con nít vậy thôi. Duy có một điều cô Ba không thể ngờ rằng, con bé tặng quà cô ngày 20 tháng 11 là bản sao của cô bé khắc tên mình trên mặt trống trường mười mấy năm về trước.

Tác giả: Ngọc Lệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây