Vĩnh biệt nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa: Lặng lẽ đi qua cuộc đời

Thứ tư - 23/09/2009 11:07 2.235 0

Vĩnh biệt nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa: Lặng lẽ đi qua cuộc đời

Lúc 10g40 ngày 20-9, nghệ sĩ cải lương Thanh Thanh Hoa đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh nan y.

Nhắc đến Thanh Thanh Hoa có lẽ lớp khán giả trẻ còn khá mơ hồ, hoặc có biết chăng thì cũng kèm theo thông tin bà là mẹ của NSƯT Thanh Thanh Tâm. Thế nhưng đối với những người thật sự hâm mộ cải lương thì bà là một tên tuổi quen thuộc. Có cha và mẹ là những người làm "công tác hậu cần" cho cải lương, Thanh Thanh Hoa đã đến với sân khấu bằng niềm say mê rất hồn hậu. Mê ca hát từ nhỏ nên mới 12 tuổi bà đã theo học ca, học múa ở đoàn hát Thanh Minh cùng với các nghệ sĩ trẻ thời bấy giờ như Thanh Nga, Thanh Hiền, Văn Dũng, Văn Xí (sau đổi nghệ danh là nghệ sĩ Nam Hùng)...

Con đường đến với sân khấu của bà khá phẳng lặng, ít sóng gió, tính cách hiền lành, không ham bon chen, đua đòi, vậy mà những vai diễn của bà không ngả về một màu theo kiểu lành lành, nhàn nhạt. Các nghệ sĩ cùng thời và các thế hệ nghệ sĩ lớp sau ai cũng thừa nhận bà là một cô đào đa năng có thể hóa thân vào nhiều dạng vai khác nhau, đặc biệt là những vai độc mùi, đào lẳng. 

Nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa tên thật là Nguyễn Thị Anh, sinh năm 1943 tại Sài Gòn. Có làn hơi rong, giọng thổ khá lạ, ca rất chắc nhịp và đúng bài bản, Thanh Thanh Hoa nhanh chóng được các ông bầu săn đón khi tuổi đời còn rất trẻ. Bà đã từng hát chánh qua các gánh Thanh Minh - Thanh Nga, Tân Hương Hoa, Thủ Đô... và nổi danh với những kịch bản: Tiếng trống sang canh, Sầu quan ải, Cây quạt lụa hồng, Cát Dung Phương Tử... Năm 1961, mới chỉ vài năm theo nghề, bà đã đoạt được HCV giải Thanh Tâm danh giá (năm ấy chỉ một mình bà được trao giải).

Linh cữu của nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa được quàn tại chùa Trường Thạnh (97 Yersin, Q.1, TP.HCM), sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang Nghệ Sĩ lúc 6g ngày 22-9 (tức 4-8 năm Kỷ Sửu).

NSND Diệp Lang nhớ lại: "Cô đào này vui vẻ lắm, cứ cười suốt ngày, nước da ngăm ngăm nhưng lên sân khấu thì duyên khó ai sánh bằng. Tôi nhớ nhất trong vở Vợ và tình của ông Năm Châu, cô sắm vai người tình với nhiều sắc độ rất khác nhau, vừa nghiêm trang, vừa sâu sắc, cái khao khát yêu, khao khát sống được cô diễn tả rất xuất thần khiến người xem đôi lúc phải lạnh mình!".

Vào nghề khi nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa dường như đã lui về ở ẩn, nhưng với sự ngưỡng mộ một nghệ sĩ tài năng và khiêm tốn, bà Hồng Dung - phó chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - chia sẻ: "Cô Hoa hoạt động sân khấu không quá rộng nhưng vai nào ra vai đó, có những vai của cô có thể nói là "xuất kỳ bất ý". Cô có nhiều vai diễn lớn nhưng tôi ấn tượng nhất với vai Cúc Lan Hương của cô trong vở Sân khấu về khuya.

Ðây là vai diễn nhỏ, kịch bản chỉ có vài dòng về nhân vật nhưng xem cô diễn, khán giả hết sức bất ngờ và ấn tượng. Nhìn từ kịch bản đến nhân vật trên sân khấu mới thấy sức sáng tạo và thái độ lao động cực kỳ nghiêm túc của người nghệ sĩ. Cái sự sáng tạo ấy có thể so sánh với sự sáng tạo của NSƯT Ngọc Giàu trong vai Bảy cán vá (vở Ðời cô Lựu). Ðây có thể xem là trường hợp điển hình để chứng minh trong nghệ thuật, vai diễn lớn vai diễn nhỏ không thành vấn đề!".

Là con nhà nghèo, phải nặng gánh gia đình nhưng vẻ cơ cực, lam lũ không theo Thanh Thanh Hoa lên sân khấu. NSƯT Bạch Tuyết kể lại: "Khi tôi là lính mới vô nghề, chị Hoa đã nổi tiếng lắm rồi. Tôi ấn tượng về chị với hình ảnh người nghệ sĩ trẻ nhẹ nhàng, khoan thai, nhu mì và sang trọng cả trên sàn diễn lẫn ngoài đời. Các nhân vật của chị dù là dạng vai nào cũng không ồn ào nhưng da diết và đi sâu vào nội tâm".

Sau giải phóng, nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa có một thời gian theo đoàn Sài Gòn 1, sau đó gần như rời xa ánh đèn sân khấu. Nghệ sĩ Thanh Thanh Tâm cho biết bà sống khá thanh nhàn, quanh quẩn ở nhà chăm sóc cây cảnh và mấy giò phong lan, trông nom các cháu. Hằng đêm bà vẫn canh cửa chờ con gái đi diễn về dù vãn tuồng khuya cách mấy. Cũng có một số lời mời bà trở lại sân khấu nhưng nghĩ mình có tuổi, làn hơi không còn khỏe khoắn như xưa nên bà lại tần ngần từ chối bởi không muốn những khán giả thân thương phải thất vọng về mình...

Cứ bình lặng làm nghề, bình lặng len lỏi vào những góc khuất của các nhân vật, không phô trương, làm nổi, thế nhưng khả năng của Thanh Thanh Hoa buộc giới làm nghề phải thừa nhận bằng HCV Thanh Tâm trong mùa giải năm 1961. Tấm huy chương đầy tự hào đã được bà ghi nhớ bằng cách đặt nghệ danh Thanh Thanh Tâm cho cô con gái yêu được sinh ra chỉ vài năm sau đó.

Vậy mới thấy tính cách ôn hòa có phần hơi an phận không làm hạn chế sự nghiệp của bà mà nó chỉ giúp bà thêm được mọi người quý trọng và "chẳng mang tai, mang tiếng gì cả" như lời của nghệ sĩ Tấn Tài.

Tác giả: Linh Đoan

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây