Thanh Thủy - nghệ sĩ của muôn mặt

Thứ tư - 02/09/2009 23:44 2.594 0

Thanh Thủy trong vở "Ngàn năm tình sử". Ảnh: C.T.V

Thanh Thủy trong vở "Ngàn năm tình sử". Ảnh: C.T.V
Đối với Thanh Thủy, vai bi hay vai hài đều không là “vấn đề”, miễn có nhiều đất diễn là chị sẽ “chơi” hết mình. Có thể nói, trên sàn diễn, Thanh Thủy là người của muôn mặt và “mặt” nào chị cũng đi được đến tận cùng.

Sau khi “xé nát” trái tim người xem với vai Sương - cô gái điếm có trái tim đức hạnh trong vở Cánh đồng bất tận (đạo diễn Minh Nguyệt), giờ đây, đêm đêm trên sân khấu Nhà hát Bến Thành, nghệ sĩ Thanh Thủy khiến khán giả thổn thức qua vai diễn cung nữ Thuận Khanh tội nghiệp với mối tình tuyệt vọng...

“Khó ai qua được Thanh Thủy”

Trái ngược với một Thái hậu Nguyễn Thị Anh sắc sảo, tham vọng, quá nhiều mưu toan trong vở Bí mật vườn Lệ Chi (đoạt giải Mai Vàng nữ diễn viên kịch nói được yêu thích nhất năm 2007), Thuận Khanh của Thanh Thủy trong Ngàn năm tình sử (tác giả Nguyễn Quang Lập, đạo diễn Thành Lộc) là một phụ nữ dịu dàng, nết na, chịu đựng mà niềm vui, nỗi buồn được biểu hiện như một “tiếng vọng” hồi đáp những cảm xúc của người mình thương. 

Sự tươi trẻ của Thuận Khanh đã như đem lại cho Thanh Thủy những thời khắc hiếm hoi hồn nhiên, vô tư “chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì...” mà đã khá lâu, kể từ ngày rời xa vai Đông Nghi trong vở kịch Xóm nhỏ Sài Gòn (Giải Mai Vàng cho nữ diễn viên kịch nói năm 1998), Thanh Thủy dường như chưa bao giờ gặp lại.

Cũng như đa số các bạn đồng môn khóa đạo diễn nhưng nổi tiếng bằng nghề diễn viên, Thanh Thủy thỉnh thoảng cũng nhắc nhớ đến nghề nghiệp chính được đào tạo chính quy tại Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 bằng một số vở dựng khá ấn tượng: Ả cave nhà hàng Maxim, Chuyện làng Ung, Tiếng vạc sành (Giải Mai Vàng 2003 dành cho đạo diễn sân khấu), Quan thích, thích làm quan,... Cũng như các vai mình đóng, chị chọn vở để đạo diễn mà không nệ vào bi hay hài, “cái nào thích mới dựng”.

Khoảng 10 năm trở lại đây, người ta thường nhớ đến Thanh Thủy với những vai nhiều sức nặng về tâm lý, đòi hỏi ở diễn viên không chỉ giỏi về kỹ năng thể hiện trên sàn diễn mà còn phải có một sự trải nghiệm sâu sắc trong cuộc sống đời thường. Ngoài nhân vật Thái hậu Nguyễn Thị Anh và cô gái điếm Sương là Ngọc Lan trong vở kịch Tiếng chim vườn Ngọc Lan (đạo diễn Minh Nguyệt), là cô giáo Hạnh trong Hãy khóc đi em (đạo diễn Ái Như),... những vai mà như lời thú nhận của các đạo diễn dựng vở là “khó ai qua được Thanh Thủy”.  

Diễn bi, hài đều giỏi

Có một gương mặt với những đường nét khá thanh tú cùng một chất giọng nhẹ mỏng tưởng như Thanh Thủy sinh ra để chỉ đóng những vai bi kịch nhưng thật ra, nuôi sống chị lại chính  là những vai có khả năng gây cười.  

Chị đã từng lập nhóm tấu hài với Quốc Thảo, Minh Phượng, cũng như từng là “đối trọng” của NSưT Thành Lộc trong các vở hài kịch ở Sân khấu IDECAF như Cậu đồng, Cô chủ quán xinh đẹp, Cái tráp vàng, Người tốt thành Tứ Xuyên... đặc biệt, chị đã hợp cùng nghệ sĩ Hoài Linh làm khán giả cười nghiêng ngả trong vở hài kịch Người nhà quê trên sân khấu Nụ cười mới của ông bầu Hữu Lộc cách đây không lâu. 

Đối với Thanh Thủy, vai bi hay vai hài đều không là “vấn đề”, miễn  có nhiều đất diễn là chị sẽ “chơi” hết mình. Vào vai hài, chị đem lại tiếng cười sảng khoái; nhập vai bi, chị gieo rắc nỗi xót thương; đóng phản diện, chị khiến người ta dè chừng... Có thể nói, trên sàn diễn, Thanh Thủy là người của muôn mặt và “mặt” nào chị cũng đi được đến  tận cùng. Chị không quan tâm nhiều đến những gì của ngày hôm qua mà chỉ những gì sẽ đến vào ngày mai. Có lẽ vì vậy nên chị không bao giờ nhớ nổi mình đã diễn được bao nhiêu vai, bao nhiêu vở, bao nhiêu phim,... Chị chỉ nghĩ nhiều đến một điều là làm sao cho vai diễn của mình đang đóng đáp ứng được sự kỳ vọng của người xem.

Sống tròn bổn phận   

Thanh Thủy là người sống giản dị, ít có nhu cầu về vật chất cũng như không có nhiều tham vọng trong nghề nghiệp. Tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Sân khấu 2, thay vì chạy đôn chạy đáo tìm sàn diễn để khẳng định tên tuổi như bạn bè, Thanh Thủy âm thầm chọn ở lại trường làm phụ giảng cho chính cô giáo cũ của mình và... lấy chồng - người bạn trai cùng lớp.  Lấy chồng sớm, chị tất tả chợ búa cơm nước để mong có được một cuộc sống bình thường ổn định. Thế nhưng, phần số mà cuộc đời dành cho chị không phải chỉ dừng lại ở chữ “bình thường” như vậy...   

Cuộc hôn nhân thứ hai đã đem lại cho chị một gia đình đích thực với hai cô con gái nhỏ.  Lúc ở nhà, chị dồn hết sức lực chăm lo cho chồng con; ra sân khấu, chị lại nhập vào nhân vật cũng hết mình như lên đồng. Và chị coi đó như những bổn phận, những phần việc phải làm bình thường của một người phụ nữ trong gia đình, của một nghệ sĩ trước công chúng.

Tác giả: Cát Vũ

Nguồn tin: Người Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây