“Hạ cấp” xuống làm… đạo diễn
Nhìn Quốc Tuấn đóng bộ lịch lãm ngồi thu mình trong quán, chợt bật cười vì vẫn quen thấy anh quần soóc áo pull đi dép lê ngồi nhâm nhi tách cafe đen ngoài vỉa hè. Anh bảo vừa đi bàn công chuyện làm phim về nên phải ăn vận cho lịch sự. Ấy là quen mắt nhìn anh tuyềnh toàng “vác tù và hàng tổng ra đường” nên mới thế.
Chả vậy mà đã có lúc anh lại nhận được góp ý từ cả người thân lẫn người sơ rằng: “Minh tinh màn bạc gì mà quần đùi, áo may ô ra đường thế!”. Nghĩ bụng thấy cái sự nổi tiếng kể cũng lắm phiền toái, có lẽ vì thế mà anh bảo thích nhất những lúc được sống là chính mình, đơn giản chỉ như khi mua cái xúc xích vừa ngồi bệt xuống vỉa hè vừa hồn nhiên ăn mà chẳng ngại ai dòm ngó để ý hay bàn tán xôn xao.
Bẵng đi một thời gian dài không thấy anh trưởng thôn Quốc Tuấn “xông pha” ngoài phim trường, cũng biệt tích hẳn trên màn ảnh nhỏ. Bận vừa rồi, nghe nói anh từ chối liền mấy lời mời đóng phim, trong đó có cả lời đề nghị vào một vai quan trọng trong dự án phim truyện nhựa lịch sử Huyền sử Thiên đô.
Anh nói vui giờ… “hạ cấp” xuống làm đạo diễn rồi, “ăn” lương đạo diễn ở Hãng phim truyện Việt Nam nên dù vẫn “máu” đóng phim lắm mà đành phải lắc đầu từ chối vì đang rục rịch bắt tay vào làm bộ phim truyền hình đầu tay do chính mình viết kịch bản. Gọi là “hạ cấp” kể nghe cũng… ngược đời, nhưng anh bảo sở dĩ thế là vì ở nước ngoài, cát-sê của diễn viên cũng như cầu thủ bóng đá vậy, cao gấp mấy lần lương huấn luyện viên trưởng và đạo diễn.
Chăm con hết cả phần của vợ!
Say sưa trải lòng về chuyện làm phim nhưng mươi phút lại thấy Quốc Tuấn nhận điện thoại rồi quay sang tủm tỉm: “Bôm nó gọi đấy, nãy giờ bao nhiêu cuộc rồi. Ấy là còn ở Hà Nội, chứ đi xa thì một ngày “ông tướng” ấy phải gọi khoảng 20 cuộc, buôn đủ thứ chuyện trên đời!”. Bôm là tên gọi ở nhà mà vợ chồng Quốc Tuấn đặt cho cậu con trai 7 tuổi không may bị hội chứng APERT (bệnh xương cứng sớm cục bộ) và đường thở hẹp ngay từ khi mới chào đời.
Anh đặt tên cho con là Nguyễn Anh Tuấn - giống tên mình với mong ước có thể gánh đỡ bất hạnh cho con. Suốt 7 năm đau xót với cuộc hành trình giành giật sự sống cho con, anh bảo giờ đã có thể tạm thời thở phào vì thể trạng của Bôm đã khả quan hơn. Và rồi, trước khi trở lại phim trường, anh cũng không quên thủ thỉ với cậu con trai rằng: “Bao nhiều năm rồi bố ở nhà với con, giờ thì bố phải dành thời gian cho công việc nhé. Bố còn kiếm tiền nuôi Bôm chứ!”.
Nhắc đến Bôm, ánh mắt anh trưởng thôn hiền lành sáng lên rạng rỡ. Có lẽ với anh, niềm hạnh phúc làm cha dù không trọn vẹn song chẳng có gì sánh được bởi đó là tình phụ tử thiêng liêng. Chợt chạnh lòng khi nghe anh chia sẻ: “Giờ ban đêm ngủ được 4-5 tiếng chứ trước thì thức trắng, cùng lắm là ngủ được 1- 2 tiếng thôi vì còn phải trông Bôm nữa”.
Anh bảo đêm còn phải thức để còn thay khăn lót ở gáy liên tục cho Bôm vì mồ hôi ra nhiều quá, cậu bé lại chưa có thói quen thở bằng mũi nên thi thoảng vẫn phải cho uống nước mới ngủ yên được. Có lẽ bởi thế mà nhiều người bảo anh chăm Bôm hết cả phần của vợ.
Ngày cho Bôm vào học lớp 1, anh cũng cẩn thận dặn dò cô giáo miễn sao cho cháu được giao tiếp với các bạn và phát triển tự nhiên, còn không cần thành tích, đáng 1 điểm thì cô cứ cho cháu đúng 1 điểm. Thương con không lành lặn bao nhiêu, anh lại càng nghiêm khắc với Bôm bấy nhiêu. Anh bảo cố gắng để Bôm có ý thức như một người đàn ông thực thụ ngay từ nhỏ.
Thế nên làm bất cứ việc gì, anh cũng bảo con ra phụ. Anh bê đồ nặng, chừa lại đồ nhẹ cho con bê để Bôm tập tính tự lập dần. “Cha mẹ tôi sinh 5 người con, có mỗi tôi là con trai nên Bôm là cháu đích tôn của cả nhà. Mọi người trong nhà chiều lắm. Tôi sợ cháu hư nên luôn nhắc mọi người không được chiều, sợ cháu thành… em chã”.
Chợt bộn lòng nghĩ đến hình ảnh anh sống chan hòa với bà con dân phố mới thấy, anh trưởng thôn hiền lành ấy chưa bao giờ vơi cạn lạc quan trên mỗi bước đường đời và chưa bao giờ thôi… “vác tù và hàng tổng”!
Nguồn tin: ANTĐ
Ý kiến bạn đọc