Nhảm nhí và nhàm chán
Cho đến nay, khi đã phát sóng đến tập 16, tín hiệu lạc quan cho bộ phim Anh chàng vượt thời gian vẫn chưa thấy, nếu không muốn nói là phim đang ngày một đuối dần. Ở tập 16, phim đang chiếu cảnh hoàng tử cùng Hải Anh an ủi Thương Thương khi cô này chuẩn bị lấy chồng theo ý của cha mẹ, thì không hiểu sao phim lại chuyển sang cảnh hoàng tử ôm mèo đi tìm Thương Thương?
Tệ nhất là trong tập 12, mục đích quảng cáo cho một loại trà đang có trên thị trường của bộ phim đã lộ rõ khi đề cập chi tiết cặn kẽ chín loại thảo mộc được sử dụng trong loại trà này. Không phải các thành viên trong đoàn phim không nhận ra những sai sót như vậy, nhưng họ đều “lực bất tòng tâm” bởi nhà sản xuất quá yếu kém. Nhiều diễn viên trong phim bày tỏ sự chán nản, mệt mỏi. Thậm chí diễn viên Hứa Vĩ Văn đã quyết định bỏ ngang vai diễn.
Trả lời phỏng vấn một tờ báo mạng, Vĩ Văn cho rằng: “Nếu cứ tiếp tục đóng phim là gây thảm họa cho phim Việt”.
Một bộ phim khác cũng gây thất vọng cho người xem đó là Xin thề anh nói thật (35 tập, phát sóng lúc 20g10 từ thứ hai đến thứ tư hằng tuần trên kênh VTV1). Nhân vật chính trong phim là một anh chàng trăng hoa, có cùng lúc bảy cô nhân tình. Phim khai thác các tình huống giải quyết tình cảm từ cô này đến cô khác của anh ta với nhiều tình tiết xây dựng vô lý, cường điệu một cách thái quá. Diễn viên diễn xuất nhạt nhẽo, vô hồn. Nhiều người đùa vui phim nên đổi tên “Xin thề anh nói... nhảm” là hợp lý nhất.
Cũng gây ngán ngẩm không kém là bộ phim Nợ đa tình (45 tập, đang phát sóng trên kênh HTV7 lúc 20g30 từ thứ tư đến chủ nhật hằng tuần). Dù danh hài Hoài Linh tung chiêu hết cỡ, nhưng tiếng cười trong phim mới chủ yếu là... cười thọt lét chứ chưa tạo tình huống hài thật sự.
Qua 14 tập đã phát sóng, bộ phim bắt đầu gây nhàm chán khi cứ quanh đi quẩn lại chuyện anh chàng vệ sĩ Hùng Phương ứng phó với hai bà vợ, cũng như chuyện ông chủ Trường Phát toát mồ hôi khi giấu vợ để đến với cô bồ trẻ xinh đẹp. Một khán giả không khỏi bức xúc khi thấy phim quay quá nhiều cảnh trong phòng ngủ đã gọi điện đến tòa soạn bày tỏ sự thất vọng.
Quy trình duyệt nhiều kẽ hở
“Nếu đổ lỗi cho bộ phim một thì nên “truy cứu trách nhiệm” nhà đài mười lần vì phim quảng cáo thô thiển, nội dung nhảm nhí, diễn xuất dở tệ thế mà vẫn cứ đường hoàng lên sóng”, một khán giả có nickname migoicuame nói về bộ phim Anh chàng vượt thời gian trên diễn đàn webtretho.com. Đây cũng là bức xúc của nhiều khán giả trước thực trạng phim truyền hình đang ngày đi xuống.
Hiện nay khâu duyệt phim của các nhà đài theo cùng một quy trình chung: duyệt ý tưởng kịch bản, đề cương kịch bản và duyệt thành phẩm. Quy trình này hiện đang bộc lộ nhiều kẽ hở. Trao đổi với chúng tôi, nhà biên kịch Thùy Linh - người nhiều năm gánh trách nhiệm biên tập kịch bản, thành viên hội đồng duyệt phim của VTV - nêu rõ thực tế: “Thật ra với ngay cả hội đồng duyệt, tôi vẫn nói rằng chúng ta làm tương đối chặt nhưng còn những sơ hở. Hội đồng thẩm định kịch bản chỉ là “quyền rơm vạ đá”. Yêu cầu hội đồng bám theo hãng phim để đọc hết toàn bộ kịch bản hoặc giám sát quá trình của họ là không thể, lực bất tòng tâm. Hội đồng chỉ có 6-7 người nhưng có những lúc chúng tôi phải đọc tác phẩm của hàng chục hãng”.
Bà Thùy Linh giải thích thêm: khi hội đồng phân công hai người đọc một bộ kịch bản của một hãng tư nhân nào đó, thành viên hội đồng chỉ đọc 5-10 tập, từ 10 tập trở đi cho đến kết thúc phim, họ viết hay thực hiện như thế nào hội đồng không biết. Riêng về khâu kịch bản, các hãng phim không có nghĩa vụ phải báo cáo lại quá trình sửa kịch bản (khi được góp ý, yêu cầu). Tiền là của hãng phim và hợp đồng phát sóng phim là họ ký thẳng với nhà đài. Bất kỳ hãng phim nào cũng có cơ hội nắm được hợp đồng với nhà đài, họ làm thế nào thì đài cũng phải chiếu. Đấy là một cái tựa lưng để họ làm ẩu.
Đôi khi đài truyền hình... hụt sóng Tôi có cảm giác sau khi thấy một vài nhà sản xuất thành công với những bộ phim xã hội hóa, nhiều nhà sản xuất dù mới thành lập và chưa hề có kinh nghiệm làm phim cũng “dũng cảm” xông vào mặt trận mà họ nghĩ là “ngon ăn” này. Kịch bản phim truyền hình cũng chịu cảnh tương tự. Ai cũng có thể trở thành nhà biên kịch. Các nhà biên kịch được đào tạo và chưa hề biết về nghề này có cơ hội lớn cả về danh tiếng lẫn tiền bạc nên lao vào một lĩnh vực phát triển như nấm. Vì có cung ắt có cầu. Quan trọng là sản phẩm của họ vẫn được nhà sản xuất mua và sử dụng. Lỗi chủ yếu ở nhà sản xuất chưa đủ năng lực chuyên môn và nhân sự làm nghề. Trong khi đó, đôi khi đài truyền hình vì lỡ hụt sóng nên chấp nhận chiếu những phim chưa đủ chất lượng chứ không phải nhà đài bất chấp dư luận. Đã đến lúc cần có một cơ chế khác để các phim nâng cao chất lượng. Theo tôi, cách tốt nhất vẫn là các nhà sản xuất chủ động làm phim, còn nhà đài sẽ xem và mua thành phẩm mà họ ưng ý. Chỉ có cách đấy mới loại bớt những nhà sản xuất liều mạng khi coi nghề làm phim truyền hình là thứ quá dễ dàng và họ sẽ biết nâng niu sản phẩm của mình với sự tự trọng nghề nghiệp cao nhất. Nhà biên kịch Thùy Linh - N.Linh ghi |
HOÀNG LÊ - NGA LINH
Nguồn: Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc