- Thì một chiếc bánh, càng bé thì càng khó chia chứ sao? Chuyện thật giả lẫn lộn, đùn đẩy, vây cánh, chuyện “con gà tức nhau tiếng gáy” là từ đấy mà ra. Chuyện “tự kỷ ám thị”, thiếu tự tin khi gõ cửa và mở cửa cũng từ đấy mà ra. Những định kiến cũng từ đấy mà ra. Trong khi ở các nước phát triển, những nghệ sĩ lớn của họ luôn thoải mái và tự tin mở mọi cánh cửa và mở rộng hết sức. Họ luôn tự tin vào ngôn ngữ quốc tế của họ... Nỗi khổ đĩa lậu cũng vì thế mà khổ hơn nơi khác. Ở nước ngoài, người ta có gan làm nghề thong thả, hai năm, năm năm, thậm chí mười năm mới ra một đĩa vẫn sống tốt, nhờ tiền tác quyền, nhờ lấy chỗ này đập chỗ kia được, đây làm đĩa ở mình thị trường đã bé thì chớ, lại bị nạn đĩa lậu bóp chết từ trong trứng nước, muốn lấy chỗ này đập chỗ kia nhiều khi cũng không biết lấy ở đâu... Và đây rõ ràng không chỉ là chuyện tiền, mà còn là cảm giác người nghệ sĩ cùng lao động nghệ thuật của họ không được tôn trọng.
* Chuyện “tôn trọng nghệ sĩ” thì đâu phải là vấn đề ở mỗi Việt Nam! Ngay cả với trường hợp vừa được tôn vinh bằng một tang lễ ngang tầm nguyên thủ quốc gia như Michael Jackson, chẳng phải đường đến vinh quang và tụt đỉnh của vua nhạc pop cũng vấp phải đầy rẫy những cái “ổ gà” của sự thiếu tôn trọng đấy sao! Không cứ gì chuyện thật giả lẫn lộn, hay đĩa lậu bị thả nổi...
- Vinh quang nào mà chẳng phải trả giá - đã dấn thân vào nghệ thuật một cách nghiêm túc, có ai là không biết trước và sẵn sàng chấp nhận điều đó! Thế nhưng, đúng vậy, hãy nhìn vào tang lễ được dành riêng cho Michael Jackson, đây rõ ràng là cả một sự vinh danh đầy trân trọng và là niềm an ủi cho không chỉ người đã khuất, thân nhân của họ, mà còn là lời động viên cho toàn bộ giới nghệ sĩ trên khắp thế giới, rằng những cống hiến nghệ thuật của họ được nhớ và được trân trọng đến thế nào, trong lòng bạn nghề cũng như công chúng. Hay như cảnh tượng những buổi lễ trao giải Grammy, Oscar, hãy xem cái cách cả khán phòng cùng đứng dậy, trong đó có cả những nghệ sĩ gạo cội, để cùng vỗ tay vinh danh một tên tuổi mới, nhiều khi còn rất trẻ. Đấy là cả một thái độ trân trọng, là cái tình đồng nghiệp giữa những người cùng làm nghề. Đây, điều đó có không, trong những buổi lễ trao giải ở mình? Sự đố ky trong nghề ở ta, đáng tiếc, tôi e là có!
* Và tất cả những điều đó có làm anh nản lòng?
- Làm sao tránh khỏi những phút nản lòng, khi trái tim nghệ sĩ - như người ta vẫn nói - luôn nhạy cảm và dễ tổn thương hơn người khác. So với năm - bảy năm về trước, đúng là thời “máu lửa” nhất của tôi đã qua rồi! Vì những cọ xát ấy. Không đến nỗi làm rách da chảy máu. Nhưng lại gây thương tổn bên trong.
* Vậy còn “phòng thu trong mơ”, lẽ nào nó lại có thể tỷ lệ nghịch với bầu nhiệt huyết?
- Phòng thu với tôi là âm nhạc, không phải là một công đoạn. Và âm nhạc chỉ có thể bay lên từ bệ đỡ âm thanh. Làm nhạc có hay đến mấy mà âm thanh dở thì cũng vứt! Tương tự, lời có hay đến mấy mà nhạc dở thì cũng vứt, vì giai điệu hay làm người ta nhớ lời chứ không phải lời hay làm người ta nhớ giai điệu. Tôi càng nghiệm ra điều đấy khi cùng Anh Em thực hiện Mỹ Linh Tour’06: lúc cái gọi là âm thanh đạt chuẩn nổi lên, mọi người từ ban nhạc đến ca sĩ và khán giả đều hào hứng nhập cuộc ngay từ đầu và điều đó làm nên một sự cộng hưởng trên cả mong đợi. Không phủ nhận là mình có những lúc nản lòng, mệt mỏi, nhưng hoang mang thì tôi chưa bao giờ. Cái nghiệp này, một khi đã ngấm vào người thì đừng mong bỏ được! Nữa là tôi đời nào mong! Nên tôi luôn biết mình cần làm cái gì và cần đi đến đâu. Cái đích của tôi, trước sau chỉ đơn giản là làm sao sống được bằng nghề và góp phần cùng Anh Em tạo ra sự lan tỏa của âm nhạc. Và tôi nghĩ mình đang cố gắng làm được điều đấy!
* 10 năm gắn bó cùng Anh Em và Mỹ Linh, liệu đã bao giờ anh lo mình cũ?
- Thế nào là mới, thế nào là cũ? Mới, phải đâu là cứ đáo qua cái này một tí, đáo qua cái kia một tí, rồi bảo đấy là cái mới? Và kiên định một con đường, trước sau như nhất - lẽ nào là cũ? Hãy xem lại một lượt Michael Jackson đi, suốt từ thuở The Jackson Five đến mãi về sau này, vẫn luôn là một phong cách đấy, nhưng thách ai dám bảo Michael Jackson cũ! Với tôi, âm nhạc không có cũ hay mới mà chỉ có hay hay dở, và muốn hay, phải được phát triển trên một nền tảng vững.
Tôi và Huy Tuấn chưa bao giờ sứt mẻ
* Nhưng 10 năm, theo anh, đã đủ dài để có thể khép lại một chặng đường? Giữa anh và... Huy Tuấn chẳng hạn! Khi mà gần đây Huy Tuấn vẻ như đang “nhãng” Anh Em ra và nghiêng nhiều hơn về nhạc thị trường. Anh biết chuyện Tuấn nhận lời làm album cho “chân dài” Maya chứ, và nghe đâu, cả Thủy Top?
- Để phán xét một người tôi e rất khó và để cắt nghĩa vì sao họ lại làm thế là cả một vấn đề, không thể nghĩ theo cách của mình được. Chuyện Thủy Top thì tôi không nghe, nhưng chuyện Tuấn làm album cho Maya thì tôi được biết từ đầu vì cô ấy từng đến phòng thu của Anh Em và “nhận định sơ bộ” của tôi: cô này không đến mức độ là không biết hát. Chuyện này tôi thấy bình thường. Cách đây bảy năm, Tuấn cũng đã từng làm album đầu tay cho Hồ Ngọc Hà đấy thôi và giờ Hồ Ngọc Hà là thế! Ai cũng thế cả thôi, ngoài chuyện làm nghề tâm huyết ra, thì chuyện kinh tế cũng phải tính đến. Chính vậy mà trong mười năm chia ngọt sẻ bùi, tôi và Anh Em đã có lúc phải chấp nhận đánh những bản nhạc sến trong những chương trình mình đi “đánh thuê” (vì nếu tôi không nhận, thì anh em lấy đâu tiền để sống). Mỗi người đều có quyền lựa chọn riêng của mình. Có chăng là người nào nghiêng về cái nào nhiều hơn hay không mà thôi. Tôi thấy tôi chẳng có quyền gì và cũng không có nhu cầu can thiệp vào công việc của Tuấn, trừ phi Tuấn đi làm những điều tôi không thuận với tư cách là một thành viên của Anh Em. Bởi vì một khi đã đứng vào đội hình ban nhóm, là buộc lòng mỗi thành viên phải cùng nhìn về một hướng, phải biết dìm bớt tính sĩ diện của mình đi một chút, đừng bao giờ tính chuyện ai cần phải trội hơn ai. Vì nếu muốn chơi trội thì tốt nhất nên đứng riêng!
* Đã đành là việc riêng của Tuấn! Nhưng anh không nghĩ: sau khi “đi chơi” với nhạc thị trường về, không chừng cộng sự của anh sẽ khó về lại với “bà mẹ chồng khó tính” Anh Em sao?
- Chuyện này tôi nghĩ nó không nằm ở sự ổn định về chuyên môn mà là ở nhân tố con người, rằng liệu anh có đủ tâm huyết, sinh khí để quay về lại và đi tiếp con đường chính đã chọn hay không. Đấy mới là vấn đề!
* Trong trường hợp “chân ngoài (mải) dài hơn chân trong” mãi thế, liệu Anh Em có tính đến chuyện chấp nhận “mất” Huy Tuấn?
- Đấy là điều mà Anh Em chưa bao giờ đặt ra, vì theo tôi, chuyện không nghiêm trọng đến mức đấy!
* Vẫn có thể nhận ra sự khác nhau giữa Anh Quân - Huy Tuấn ngay cả khi cùng “đóng mác” Anh Em. Hẳn từng có những tranh luận?
- Đương nhiên, thậm chí trong hầu hết các bản thu, các album. Thường thì Tuấn muốn làm ca khúc theo hướng dễ nghe hơn, còn tôi thì nghĩ: Quan trọng không phải là dễ hay khó nghe. Khó đến mấy mà hay thì người ta cũng vẫn có lúc nghe được!
* Cái khác nhất giữa anh và Huy Tuấn có phải là: Con đường riêng của Anh Em chính là con đường riêng của anh, còn với Huy Tuấn thì không hẳn?
- Chính xác con đường riêng của Anh Em chính là con đường riêng của tôi hơn là của bất kỳ ai vì Anh Em là đứa con mang họ tôi, tôi không dưỡng nó thì để ai?
* Vậy cách nào để vừa làm rõ hình hài đứa con mang họ mình vừa tránh được việc áp đặt quá mức cá tính của mình lên cộng sự?
- Rất đơn giản thôi! Một gia đình thì phải có bố có mẹ, có ông có bà. Trong một cái mâm có những cái bát, trong đó có một cái bát là của riêng mình, còn đòi gì nữa?
* Dư luận đang đoán mò: Sở dĩ có chuyện Huy Tuấn “nhãng” Anh Em là vì có cơ sự “hỏng cơm hỏng cháo” gì đó với anh?
- Vậy tôi có thể khẳng định rằng mặc dù từng có những tranh luận quyết liệt khi làm nghề nhưng giữa tôi và Huy Tuấn chưa bao giờ có sự sứt mẻ quan hệ. Thậm chí, sau mười năm đi cùng nhau, tôi vẫn rất hết lòng yêu quý ê-kíp của mình - một ê-kíp mà tôi có thể tự hào nói rằng, đã làm ra khái niệm “ê-kíp” một cách đúng nghĩa đầu tiên trong showbiz Việt!
* Cảm ơn anh.
Tác giả: Thư Quỳnh
Nguồn tin: TTVH
Ý kiến bạn đọc