“Những nụ hôn rực rỡ” tiếp cận người xem bằng nội dung không quá cầu kỳ, là câu chuyện tình yêu mà ta vẫn bắt gặp đâu đó trong cuộc sống. Tuy nhiên, ẩn chứa trong cái giản đơn đó lại là sự “rực rỡ” của tình người, của ý nghĩa cuộc sống.
Trong phim, người ta bắt gặp tình yêu thầm kín của anh chàng bảo vệ khu resort dành cho cô chủ giàu có của mình, hay tình cảm nhẹ nhàng và lãng mạn giữa một chàng ca sỹ nổi tiếng với cô gái phục vụ phòng. Kết thúc phim có hậu khi cô chủ khu resort đồng ý trở thành người yêu của anh bảo vệ, cô gái phục vụ thì vô cùng cảm động trước lời tỏ tình chân thành của chàng ca sỹ. Một kết thúc đẹp của tình yêu chân thật không phân biệt sang hèn.
Nhưng nếu chỉ đơn thuần ca ngợi tình yêu giữa các chàng trai và cô gái thì “Những nụ hôn rực rỡ” có lẽ chưa thật sự ấn tượng. Những gam màu của tác phẩm sẽ kém phần “rực rỡ” nếu không có anh chàng lao công đồng tính, một nhân vật rất “lạ” trong phim.
Với nhiều phim Việt Nam khác, từ trước đến nay những nhân vật đồng tính vẫn thỉnh thoảng xuất hiện, nhưng chủ yếu là để chọc cười khán giả bằng những màn ẻo lả “ngồ ngộ”. Còn anh chàng lao công pê-đê trong “Những nụ hôn rực rỡ”, với sự đột phá ở cuối phim, thì lại có vẻ khác.
Từ đầu phim, thực chất sự xuất hiện của nhân vật này vốn dĩ cũng chỉ để chọc cười khán giả trong những ngày xuân. Nhưng rồi đoạn kết phim đã làm thay đổi chính số phận của nhân vật. Anh chàng đồng tính này đã can đảm đứng trước đám đông, bày tỏ nỗi lòng và ở mức cao trào nhất, thổ lộ tình yêu với một người cùng giới.
Chàng lao công đồng tính tâm sự rằng, từ lúc nhỏ mẹ đã không cho anh học múa vì sợ sẽ “biến” thành pê-đê, mà pê-đê thì sẽ bị mọi người khinh rẻ. Áp lực xã hội vô hình trung đã gây ra những tác động tiêu cực như thế. Chứ theo cách tự nhiên, đồng tính đâu phải là một căn bênh có thể lây lan, cũng không phải là thứ “muốn” sẽ “bị”.
Không bàn đến những kẻ bình thường nhưng lại mang “đồng tính” ra làm trò đùa theo phong trào, bộ phim mang lại cái nhìn đồng cảm hơn với những con người không có quyền quyết định giới tính của họ ngay từ khi lọt lòng mẹ. Có lẽ đây là sự phá cách rõ nét nhất mà các nhà làm phim đã thực hiện, nhằm “gỡ bỏ” một phần định kiến không hay của xã hội đối với những người thuộc giới tính thứ ba. Phim chưa hẳn là lời kêu gọi mạnh mẽ cho việc đối xử công bằng với người đồng tính, nhưng cũng sẽ làm nhiều người xem hiểu thêm về họ, về bản chất thật của những con người sinh ra vốn dĩ không lành lặn về giới tính.
Những người đồng tính, họ cũng là con người, họ cũng có quyền được sống, được yêu thương và nhìn theo một góc độ nào đó, họ càng cần có tình yêu hơn để vượt qua áp lực xã hội. Anh chàng lao công đồng tính trong “Những nụ hôn rực rỡ” cũng đã bày tỏ nỗi lòng của mình trước mọi người như thế.
Một điều ấn tượng nữa khi người xem được “nhắc nhở” một cách khéo léo qua chi tiết sự thành công của chương trình ca múa nhạc tại khu resort đều nhờ vào anh chàng lao công đồng tính kia. Rõ ràng các nhà làm phim muốn cho mọi người thấy được rằng những người đồng tính cũng có tài năng, cũng có quyền được lao động, và cống hiến của họ cần được thừa nhận một cách nghiêm túc.
Trong cuộc sống, tôi và bạn, hay những người thuộc giới tính thứ ba đều có quyền được mơ ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn và ra sức biến nó thành hiện thực, như lời bài hát “Ai cũng có thể” trong bộ phim: “…Ai cũng có thể hy vọng, ai cũng có thể mơ giấc mơ hồng… ai cũng phải được mơ, ai cũng có ngày bước đến ước mơ, đừng ngại chi. Ai cũng sẽ được yêu, ai cũng có ngày mai sống trong tình yêu…”.
Tác giả: Thành Đức
Nguồn tin: SGTT
Ý kiến bạn đọc