Không khó để kiểm chứng chuyện này, cứ dành một vài buổi đến các tụ điểm diễn hài ở TP.HCM, dù show lớn hay show nhỏ, người xem sẽ được các nghệ sĩ hài “chiêu đãi” những câu chuyện vô bổ, nhảm nhí, nói lòng vòng câu giờ và nói tục là chính!
Nói tục trở thành “cần câu”
Chuyện nói tục trong giễu, hài không phải là chuyện mới nhưng thời gian gần đây trào lưu này đang có xu hướng lan rộng và biến tướng. Nói tục không còn dừng ở ẩn ý sâu xa tạo sự thâm thúy cho câu chuyện mà trở thành “cần câu” cho nghệ sĩ bám vào đó khua khoắng, bắng nhắng, khỏa lấp câu chuyện hời hợt chọc cười người xem.
Biết nhìn lại mình Tôi nghĩ các nghệ sĩ hài lạm dụng chuyện nói tục trên sân khấu tốt nhất là nên tìm những băng, đĩa thu lại đêm diễn đó để xem và nghiền ngẫm. Các bạn hãy tự vấn lương tâm và cảm giác thật của chính mình. Hãy đặt mình vào vị trí khán giả để hiểu cảm xúc của họ ra sao khi xem nghệ sĩ nói những điều quá dung tục như vậy. Thật ra vấn đề lạm dụng những câu chuyện tục tĩu trên sân khấu cũng thể hiện cái phông văn hóa của nghệ sĩ. Anh là người đàng hoàng, không biết văng tục, ăn nói bậy bạ thì lên sân khấu cũng không thể nói ra những lời xấu xí đó được bởi vì không quen sẽ ngượng miệng vô cùng... NSƯT Bảo Quốc |
Nhẹ nhẹ thì có kiểu: “Em sợ đi cầu khỉ lắm, em lết bằng hai chân chứ hổng dám đi!”. “Mày lết hai chân hồi nào, lết... ba chân chứ!”. Còn nặng đô hơn thì có những câu chuyện vừa thô tục, vừa phản cảm.
Có tiểu phẩm mà hai nghệ sĩ hài đố nhau: “Đố mày “Gậy ông đập lưng ông” là gì?”, thế là nghệ sĩ kia bèn lấy ví dụ để làm sáng tỏ: “Có hai ông già rủ nhau tắm “tiên”, tắm xong ông này cõng ông kia lên bờ thay quần áo, vậy là “gậy ông đập lưng ông” chứ gì”. Nặng đô nữa thì thô tục đến độ... không thể trích dẫn.
Có những kiểu giễu mà nghệ sĩ thể hiện một cách có duyên còn tạm chấp nhận được, nhưng có những nghệ sĩ tổ không đãi cho cái duyên mà vẫn cố, đâm ra lố bịch, chẳng nói vòng vèo cho mệt nên cứ huỵch toẹt, ra rả chuyện thô tục suốt 15-20 phút. Nhiều khi thấy nói chưa “épphê”, không ít nghệ sĩ còn dùng tay diễn tả cho... khí thế!
Diễn hài để người xem lắc đầu ngán ngẩm: “Nói bậy quá!” đã là điều không thể chấp nhận rồi, diễn hài mà khiến người xem đỏ mặt xấu hổ thì không biết các nghệ sĩ đang xả thứ rác gì?
Mà không đỏ mặt sao được khi trong một tiểu phẩm hài nữ nghệ sĩ to cao hỏi nam nghệ sĩ thấp bé: “Anh thích ăn gì?”, nhìn đồi núi vĩ đại cứ... chàng ràng trước mặt mình, anh chàng thản nhiên kéo dài giọng: “B... (bú) à... phê!”, sau một hồi ậm ừ anh chàng mới nói rõ là thích ăn kiểu buffet (tiệc đứng, thức ăn tự chọn)!
Hoặc có tiểu phẩm mà nam - nữ nghệ sĩ cứ thập thò sau bụi rậm, chỉ nghe tiếng cô gái hổn hển: “Ra chưa anh? Sao lâu quá vậy? Để em phụ cho. Ấn mạnh vô, phọt ra rồi... anh mạnh mẽ quá!”, chuyện không có gì, hóa ra họ đang khui chai champagne!
Nói về vấn đề này, NSND Huỳnh Nga ngao ngán: “Người ta nói xem chính kịch mệt óc, tôi thấy xem hài còn mệt hơn. Vở hài có nội dung, ý nghĩa chẳng thấy đâu cả, giờ chỉ toàn kiểu hài dễ dãi, nói bậy bạ. Đã lâu rồi tôi cũng không dám dựng vở hài, vì đạo diễn bây giờ không chỉ thuần túy lo chuyên môn mà còn phải biết... rào, chắn, đắp cho kỹ; không làm kỹ diễn viên xé rào liền”.
Để có những tiếng cười lành mạnh
Đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc nhấn mạnh: “Thật ra dung tục không phải là yếu tố cấm trên sân khấu, đặc biệt là kịch hài. Nhưng yếu tố đó phải được dùng để đả kích, chế giễu sao cho có ý nghĩa, nghĩa là tục mà thanh. Nghệ sĩ sử dụng yếu tố này phải thật cẩn thận, cần điều chỉnh liều lượng vừa đủ, hài hòa trong một vở diễn. Rất nhiều nghệ sĩ hài hiện nay hiểu sai và sử dụng sai yếu tố này”.
Ông còn cho biết thêm kịch hài hay tiểu phẩm hài trước khi ra mắt công chúng đều phải được duyệt trước, tuy nhiên các nghệ sĩ tỏ ra nghiêm túc lúc diễn cho hội đồng xem, nhưng đến lúc ra mắt công chúng thì có... trời mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra! Có lúc diễn sung quá cũng sa đà vào việc nói bậy. Cũng có lúc diễn 5 phút thấy khán giả... im lìm, thế là nghệ sĩ đâm hoảng. Theo ông Ngọc, đây là giờ phút rất mong manh, nghệ sĩ dễ mất tự chủ và dễ bị lôi cuốn vào đủ trò lố bịch để chọc léc khán giả, trong đó “cái phao” nói tục hiện rất được các nghệ sĩ ưa dùng!
NSƯT Bảo Quốc cho rằng nghệ sĩ cần làm chủ bản thân và mạnh dạn bỏ những hành động hay lời nói gây mất thẩm mỹ trên sân khấu. Ông kể lại có lần diễn vở Thái hậu Dương Vân Nga, nhân vật của ông được nhân vật nữ khen: “Sao công tử đẹp trai quá vậy?”, ông liền đối đáp: “Ủa, thấy hả? Tui giấu kỹ lắm sao thấy được hay quá vậy?”, chỉ câu đó thôi nhưng khán giả cười rất to.
Về nhà ông suy nghĩ: Mình nói bình thường mà sao khán giả cười nhiều vậy, hay họ hiểu lầm mình đang nói tục? Vậy là từ đó về sau ông bỏ hẳn câu đó trong vở diễn vì không muốn vin vào chuyện nói tục để câu những tiếng cười dễ dãi! Ông tâm sự: “Có một số bạn trẻ cứ thấy lôi những chuyện thô tục vào làm khán giả cười thì nghĩ họ thích nên tiếp tục khai thác, làm tới.
Thật ra không phải tiếng cười nào cũng là tiếng cười thỏa mãn, có khi vẫn cười nhưng trong lòng họ cảm thấy bực bội, khó chịu, thậm chí có người còn cạch mặt không xem nghệ sĩ đó diễn nữa vì đơn giản: Nó nói bậy quá!”.
Ông Võ Trọng Nam - trưởng phòng nghệ thuật Sở Văn hóa - thể thao & du lịch TP.HCM - cho biết: “Lâu lâu sở cũng đi kiểm tra và nhắc nhở, tuy nhiên không thể đủ nhân lực và thời gian để quản hết chuyện “vượt rào” của các nghệ sĩ.
Để có được tiếng cười lành mạnh, quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của nghệ sĩ, họ cần phải biết tiết chế để không sa vào những tiếng cười dễ dãi, đánh mất bản thân mình. Khán giả cũng cần phải khắt khe hơn để đẩy lùi tình trạng này. Nếu thấy nghệ sĩ quá trớn, chúng ta nên phản ứng mạnh để hiện tượng đó không còn tái diễn!”.
Tác giả: Linh Đoan
Nguồn tin: Tuổi Trẻ
Ý kiến bạn đọc