Có họa sĩ nói rằng tranh của anh ta chẳng có gì tục tằn mà đó là nỗi cô đơn trần trụi của thân phận. Một nữ hoạ sĩ khẳng định: nude là sự khám phá chính mình, vẻ đẹp về đường nét cơ thể (nude) chỉ là cái nền để chuyển tải một ý tưởng thanh khiết. Ranh giới giữa nude (nghệ thuật) và sự trần trụi quả là mong manh. Dường như nghệ thuật nude đã bị tuyên một cái “án treo” vô hình. Đây quả là một chặng đường cam go mặc dù rất kỳ thú và đòi hỏi các nghệ sĩ phải âm thầm và nhẫn nại trong một thời gian dài.
Sáng tạo cùng người mẫuMặc dù hiện nay không ít cô gái trẻ muốn chụp ảnh cơ thể để lưu giữ hình ảnh thời son trẻ của mình, nhưng với các nghệ sĩ nhiếp ảnh nghệ thuật và các họa sĩ, để chọn được một người mẫu thực sự lại không hề đơn giản. Ngay cả những người mẫu chuyên nghiệp, thường chụp ảnh thời trang hay quảng cáo, không phải ai cũng lọt vào cặp mắt của nghệ sĩ. Mới đây, Hoa hậu Mai Phương Thuý công bố dự án chụp ảnh nude của mình, với mục đích đấu giá bộ ảnh để làm từ thiện thì quả là sự kiện hiếm hoi và rất độc đáo, vì nhiều người đẹp hiện nay rất sợ hình của mình bị tung lên mạng gây dư luận xấu. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Huy Hoan, người được hoa hậu Mai Phương Thuý mời chụp, đã bày tỏ:
- Một cô gái trẻ đẹp, thông minh, khoảng 20 tuổi mà có thái độ rất rõ ràng trước những thân phận khó khăn, với tôi, cô ấy là một cô gái đáng trân trọng.
Đây là cái duyên may trời cho giữa Trần Huy Hoan và người đẹp, bởi không phải lúc nào các người mẫu thuộc loại “hàng hiệu” cũng được anh quan tâm. Anh hướng tới nhân vật đời thường, có thể chỉ là một cô gái đạp xe ngoài đường, hay bóng hồng nào đó vô tình chợt gặp trên đường phố. Trần Huy Hoan xuất thân là một họa sĩ nên anh rất quan tâm tới bố cục trong tác phẩm ảnh của mình. Mỗi người mẫu được anh nhấn vào thế mạnh riêng, mặc dù có thể không cao lắm, hoặc ngay kể cả khi có những vết sẹo hay vết xăm. Con mắt hoạ sĩ là ở chỗ đó, có khi chỉ là một bờ vai, suối tóc hay bàn tay. Tác phẩm của anh luôn luôn gây ấn tượng thẩm mỹ nude thâm thuý về ý đồ và độc đáo ở chi tiết.
Về điều này hoạ sĩ Lưu Công Nhân sinh thời cũng có những hướng sáng tạo thật trùng hợp. Ông đã từng thuê một cô người mẫu trong một thời gian dài để chuyên vẽ nude. Ngoài gương mặt và sắc vóc đều đẹp, cô người mẫu còn có đôi bàn tay thon dài trắng trẻo đúng với nghĩa bàn tay búp măng. Hoạ sĩ đã có nhiều tác phẩm nude và rất chăm chút khi vẽ đôi bàn tay “tiên” này.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên cũng chia sẻ rất rõ ràng về chuyện đứng trước tác phẩm nude nghệ thuật, tâm hồn hướng thiện, hướng mỹ, khác xa với những cảm giác dục tính khi xem ảnh sex. Và ông còn nhấn mạnh với người nghệ sĩ rằng, cái tâm không tĩnh thì cái hồn sẽ không mỹ. Ông kể, đưa người mẫu đi chụp ảnh đâu có dễ dàng gì. Khi phải thuê khách sạn để tập trung thiết kế theo ý đồ của bố cục tác phẩm, lại có khi ông đưa người mẫu đến những nơi kín đáo hang cùng ngõ hẻm, không bóng người. Thậm chí ông và người mẫu còn gặp nạn trên một đỉnh núi khi suýt bị bò húc hoặc bọ cạp tấn công. Sự lao động vất vả ấy đem lại cho nghệ sĩ nhiều tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Ông đã mở được triển lãm ảnh nude đầu tiên ở Việt Nam và còn xuất bản ấn phẩm “Xuân”, bao gồm 72 tác phẩm, chọn lọc trong 15 năm gắn bó với người đẹp.Cùng nghiệp với Thái Phiên, nghệ sĩ Dương Quốc Định cũng lao tâm khổ tứ với 5 người mẫu chuyên nghiệp với mình. Anh thường mất tới 3 tháng đầu tiên để tâm sự và thuyết phục người mẫu với những ý đồ nghệ thuật rồi mới chụp ảnh. Anh muốn người mẫu cùng sáng tạo, hai bên giúp nhau vì nghệ thuật. Ngay cả người vợ thân yêu làm người mẫu nháp ban đầu cho anh, cũng có những chiêm nghiệm nhất định mới tạo nên hiệu quả trong khi thực hiện mẫu chính. Cách làm kỹ lưỡng ấy đã tạo nên một ngôn ngữ Dương Quốc Định trong nhiếp ảnh, giàu sự sống và hấp dẫn ở tính ẩn dụ đặc sắc về góc độ và ánh sáng. Các tác phẩm nude của anh đã đoạt tới 30 huy chương quốc tế. Đó là thành quả rất lớn của một nghệ sĩ của tỉnh Đồng Nai. Nếu Dương Quốc Định chỉ khai thác với 5 người mẫu, thì Thái Phiên và Trần Huy Hoan lại “mạnh” hơn nhiều. Thái Phiên đã chụp tới 70 người mẫu để tạo dựng sự nghiệp nude nghệ thuật của mình. Người mẫu nhiều tuổi nhất là 45, trẻ nhất là 19. Với ống kính Trần Huy Hoan lại còn hơn, anh kể có tới hàng trăm cô gái đã làm mẫu cho các bộ ảnh của anh.
Hoạ sĩ Công Quốc Hà, người đã cùng Đỗ Phấn trình làng triển lãm tranh khoả thân đầu tiên trong làng hội hoạ Việt Nam năm 1992, cũng có nhiều kỷ niệm khó quên với những người mẫu của mình. Mới đây, có dịp trao đổi với bạn bè, anh tâm sự đã phải nhiều lần thuyết phục và nhiều lần vẽ thử, mới tạo được sự đồng cảm và tin tưởng của người mẫu. Không ít lần, anh đã phải nhờ vợ ngồi cùng trong phòng vẽ, chăm sóc, tạo dáng, trang điểm cho người mẫu. Chính nhờ sự lao động miệt mài mà anh đã gặt hái nhiều thành công qua những triển lãm thiếu nữ với tà áo dài Hà Nội. Đặc biệt, phòng triển lãm tranh khoả thân của anh và Đỗ Phấn bước đầu tạo được sự chia sẻ của người xem và sự cảm thông của những người quản lý. Tuy nhiên, để tìm được sự thông đồng bén giọt không dễ dàng chút nào, khi làm việc với những người mẫu thuê riêng để vẽ khoả thân. Trước đây việc thuê người mẫu để vẽ riêng không dễ dàng gì, bởi thế có lần một nhóm năm hoạ sĩ cùng vẽ chung một người mẫu đã gặp rắc rối. Người đầu trò là hoạ sĩ BT đã ngẫu hứng đưa người mẫu về nhà mình, rồi mời các bạn đến vẽ và chụp ảnh nude. Bởi ai cũng nghĩ việc vẽ người mẫu khoả thân là một việc bình thường ở trường học mỹ thuật và xưởng họa. Nhưng thật trớ trêu, một tháng sau, cô người mẫu này bị phát hiện đã lưu trữ ảnh khoả thân trái phép. Theo yêu cầu của nhà chức trách cô phải nói rõ nguồn gốc bức ảnh. Và thế là hoạ sĩ BT đã bị kiểm điểm và xét hỏi một thời gian. Ngay lập tức cô người mẫu này biến mất tăm để lại hậu hoạ khó lường. Vậy đó, với nude nghệ thuật khó khăn vất vả là thế và cũng là nguồn sáng tạo chan chứa biết bao tình, trong tâm hồn nghệ sĩ. Nhưng thật đáng tiếc, những tác phẩm của họ không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
Tâm lý “tự sợ”
Mặc dù giờ đây những ảnh nude và sex được người xem khai thác vô tội vạ ở trên mạng để thoả chí tò mò, nhưng các tác phẩm của những nghệ sĩ đã lao tâm khổ tứ hàng vài ba chục năm đâu có dễ dàng được chấp nhận một cách công khai trước bàn dân thiên hạ. Cuộc triển lãm ảnh nude đầu tiên “Xuân thì” của Thái Phiên hồi đầu năm ngoái gặp đủ chướng ngại, nào là giấy phép, nào là địa điểm trưng bày và cả thời gian khai mạc... Nhưng đến khi trưng bày thì không ít người xem tán thưởng và sẵn sàng mua sách in ảnh nude của anh. Vậy là cái khó từ đâu? Có lẽ bắt đầu từ cách nhìn của các nhà quản lý khi cấp phép và thẩm định. Bên cạnh đó là dư luận bảo thủ của một bộ phận đông đảo người xem. Lẽ dĩ nhiên, sự phân định giữa nghệ thuật nude và sự đồi trụy sex chỉ bị ngăn cách bởi thước đo rất mong manh của cảm thụ và tư duy, đã tạo ra sự lúng túng hoặc dẫn đến sự quay lưng của các nhà tổ chức. Bởi ranh giới này chưa rõ ràng trong các quy định văn bản hoặc những tiêu chí cụ thể.
Nhưng trên thực tế, tại các trung tâm thành phố lớn đã mọc lên hàng loạt các studio, với nhiều tay máy “vườn” chụp sex theo yêu cầu khách hàng, thì lại không quản lý nổi. Thêm nữa, sự thả nổi các kênh thông tin nên những bộ ảnh sex luôn gây xáo trộn thị trường tự do làm lẫn lộn các giá trị nghệ thuật sáng tạo chân chính. Bên cạnh đó, một số người đẹp hoặc ca sĩ cũng tìm cách tung ảnh khoả thân với mục đích tạo scandal, cốt được mọi người nhắc đến tên mình. Cũng vì cái danh “bẩn” đó, họ gây ra sự phản ứng dữ dội từ dư luận mỗi khi nhắc tới ảnh nude. Có lẽ hoạ sĩ Lê Thiết Cương đã đúng khi nói rằng: Nghệ thuật nude chỉ phát triển khi ta khắc phục tâm lý “tự sợ”. Tâm lý này thể hiện một cách nhìn còn thiển cận và thiếu thiện chí ở dư luận xã hội. Và tâm lý “tự sợ” này, theo thời gian đã tạo nên “án treo” với các tác phẩm nude. Nude đâu phải là “ma tuý” làm băng hoại đạo đức người xem. Trong khi đó các tác phẩm hội hoạ và nhiếp ảnh của các nghệ sĩ lại gửi gắm sự kỳ vọng thể hiện được vẻ đẹp kín đáo, đoan trang của người Á Đông. Đó là những hoạ sĩ Đỗ Phấn, Lê Thiết Cương, Công Quốc Hà, Đỗ Sơn, Nguyễn Thanh Hoa, Quỳnh Giang… Và, đó là những nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Huy Hoan, Thái Phiên, Lê Quang Châu, Dương Quốc Định… Họ, những nghệ sĩ của thời đại vẫn đang kiên nhẫn sáng tạo, lao động không biết mệt mỏi; cần có sự chia sẻ cảm thông của người xem và được đón nhận từ nhiều phía.
Tác giả: Chung Tử
Nguồn tin: SKĐS
Ý kiến bạn đọc