Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B Võ Văn Tần) là nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Từ Tết âm lịch 2010 kéo dài cho đến gần cuối năm nay chỉ dựng được 2 vở, mà vở nào cũng ngồi chờ diễn viên đến dài cổ. Từ đó dẫn đến việc tập tuồng không kỹ lắm, vé bán rất yếu. Ngay cả vở Cánh đồng bất tận đang hot cũng phải gác lịch mấy tháng trời vì diễn viên bận. Điệp khúc “bận” là căn bệnh trầm kha!
Kịch Sài Gòn cũng bị ảnh hưởng, một phần do thay đổi địa điểm, nhưng phần lớn do nghệ sĩ chạy đi đóng phim suốt tháng, thậm chí diễn viên phụ cũng có vai phụ trong phim, chỉ cần 1 - 2 phân đoạn mỗi ngày thì thu nhập vẫn cao hơn đóng kịch. Hai chữ mưu sinh là “lý do chính đáng” để diễn viên rời xa sân khấu.
"Quan trọng nhất là phải có kịch bản tốt để diễn viên còn thích diễn, bởi nói cho cùng có đi đâu thì họ vẫn yêu sân khấu hơn cả" Huỳnh Anh Tuấn, ông bầu của Kịch IDECAF |
Sân khấu Hoàng Thái Thanh sinh sau đẻ muộn nhất, nhưng uy tín của Ái Như - Thành Hội khiến nghệ sĩ quy tụ về khá ổn định. Vở diễn hầu hết đều là chính kịch, bi kịch, đậm chất văn học, nên nghệ sĩ rất “máu”. Ái Như cứ nắm “định hướng” này mà làm tới. Tuy nhiên, chị cũng nói: “Mình vẫn phải lên kế hoạch trước cả tháng, và cố gắng đảm bảo tiến độ, không làm ảnh hưởng lịch quay phim của mọi người. Vui nhất là ở đây không có bệnh ngôi sao, không ai gây khó dễ cho ai”.
Nghệ sĩ Thanh Hoàng, Mỹ Uyên là hai gương mặt trẻ vừa nhậm chức Giám đốc và Phó giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM, đang nỗ lực để tạo một nền nếp mới cho nhà hát. Mỹ Uyên cười hài hước: “Đầu tiên là chính bản thân mình phải bớt đi đóng phim, vì nếu mình không làm gương thì nói ai nghe!”. Hai nghệ sĩ này quả là rất đắt sô, giờ lãnh trách nhiệm thì phải “hy sinh” thôi. Như vở Đảo thiên đường vừa lên sàn tập, đạo diễn nào cũng ngán vì cảnh “chờ người”, vì vậy Thanh Hoàng phải nhảy vô dàn dựng với kinh phí rất ít ỏi.
Tác giả: Hoàng Kim
Nguồn tin: Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc