Lần nữa, hãy yêu thương khi còn sống

Chủ nhật - 16/05/2010 17:13 2.059 0

Người sống và người chết khát khao được gặp lại nhau dù chỉ một lần. Cảnh trong vở Ngôi nhà thiếu đàn bà - Ảnh: Gia Tiến

Người sống và người chết khát khao được gặp lại nhau dù chỉ một lần. Cảnh trong vở Ngôi nhà thiếu đàn bà - Ảnh: Gia Tiến
Kịch bản Ngôi nhà của những linh hồn của cố nhà văn Ngọc Linh sau gần năm năm thu hút khán giả tại sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần (TP.HCM), nay được đưa về sân khấu Hoàng Thái Thanh với cái tên mới: Ngôi nhà thiếu đàn bà, cũng do chính đạo diễn Ái Như dàn dựng, công diễn từ 14-5.

Tái hiện một vở kịch từng gây ấn tượng trong lòng khán giả nhiều năm qua là một quyết định khá khôn ngoan trước tình hình khan hiếm kịch bản hay của sân khấu hiện nay.

Quả vậy, ở Ngôi nhà thiếu đàn bà lần này, khán giả vẫn sẽ bắt gặp lại một câu chuyện gia đình khá điển hình trong xã hội với mẫu số chung: yêu thương nhau hết lòng nhưng cũng ghen tuông, nghi ngờ, trách móc nhau... hết mình!

Và câu chuyện ấy bỗng trở thành một bi kịch cá biệt khi cái chết xảy ra, người thương ly tán, âm dương cách biệt. Người sống ở lại trong nỗi đau khổ, trống trải và đầy ám ảnh về những ngày tháng êm đềm đã qua. Người chết giờ đã thành những bóng ma quanh quẩn trong ngôi nhà đầy kỷ niệm để rồi cứ day dứt, tiếc nuối về những điều tốt đẹp mình đã không làm ngay khi còn sống.

Họ khát khao được gặp lại nhau, dù chỉ một lần, chỉ để nói rằng họ đã yêu thương nhau nhiều như thế nào.

Bản dựng mới vẫn nằm trong cái bóng an toàn của bản dựng cũ, ít có đột phá, ngoại trừ việc thay đổi cái tên (thật ra lại không hay bằng tên cũ) và một số diễn viên. Diễn xuất của NSƯT Thành Hội (vai ông Hải), Ái Như (vai nhà ngoại cảm Mộng Hoài) vẫn là những điểm sáng dẫn dắt cảm xúc của khán giả từ những chi tiết nhỏ.

Chỉ tiếc mâu thuẫn chính của câu chuyện - lá thư nặc danh - dường như chưa đủ sức nặng để đẩy bi kịch lên đỉnh điểm.

Thiết kế sân khấu của họa sĩ Kim B vẫn là những mô phỏng ước lệ về cánh bướm trắng mong manh, tưởng đơn điệu nhưng lại trở nên khá sành điệu trong một vở kịch có... ma, khác với cách trang trí của dòng kịch kinh dị đang "nóng" với mục đích làm khán giả càng sợ càng tốt.

Vì thế mà những hồn ma trong Ngôi nhà thiếu đàn bà cũng... hiền và đáng thương hơn với những da diết, khổ đau và yêu thương tuyệt vọng.

Những dấu hiệu tâm linh như chiếc lồng chim đồ chơi bỗng vang tiếng hót, chiếc quạt máy hư bỗng nhiên khởi động không phải là "chiêu hù" thường tình, cao hơn nó ẩn chứa những trạng thái của bi kịch con người.

Ðó là bi kịch, cũng là thông điệp ý nghĩa mà nhà văn Ngọc Linh đã gửi gắm, rằng hãy yêu thương nhau ngay khi còn sống, khi còn nói được những lời ngọt ngào, khi còn thể hiện được những cử chỉ quan tâm nồng ấm.

Ái Như cũng tin như vậy khi chị quyết định làm lại vở kịch này để khán giả, lần nữa, phải giật mình tự nhủ: hãy yêu thương nhau khi còn sống, hãy sống tốt hơn trong những ngày đang sống...

Tác giả: Hoàng Oanh

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây