Ngôi sao trưởng thành từ kinh đô điện ảnh thế giới Hollywood, trở về VN và nổi đình nổi đám này cũng từng tham gia đóng thế cho những bộ phim cỡ bom tấn như Người Nhện, hay có những vai diễn không tên không tuổi, lướt qua màn hình mấy giây như trong Tên gác cổng số 2…
Trí Nguyễn tâm sự, ngay cả việc được tham gia vào những vai diễn “vô danh tiểu tốt” đó cũng là một niềm vui lớn với anh. Nó chứng tỏ nỗ lực của anh trong hành trình đến với giấc mơ điện ảnh.
Gặp Trí Nguyễn ngoài đời thường nom anh cao dỏng, thư sinh với gương mặt và phong thái trẻ trung, dễ mến, khác với vẻ ẻo lả với vai đồng tính hay lì lợm với vai hành động trong các phim (Ảnh: Trí Nguyễn trong phim Để mai tính). |
Anh cũng không quên dành cho Ngô Thanh Vân những lời khen ngợi chân thành và đầy khâm phục cả trong công việc, trong đời sống và cảm nhận của một người đàn ông dành cho người đàn bà (dù anh luôn tỏ ra thản nhiên khi nói tới cô).
Học võ, thi đấu và làm “đầu sai” cho đoàn phim
Tròn 10 tuổi, Trí cùng gia đình sang Mỹ định cư. Khi đó, gia đình Trí rất nghèo, phải thuê một căn phòng bé tý trong một căn hộ cũng rất bé (nó không được gọi là một căn nhà). Ông chủ nhà làm thầu xây dựng, nhưng nói là thầu cho sang chứ kỳ thực ông làm nghề sửa chữa: quét sơn, quét ve, chát chít, thay cửa… đại loại là tân trang nhà cửa.
Để có tiền sinh sống, Trí và anh trai, Charlie đã nhận đi rải tờ rơi cho ông chủ. Hằng ngày, vào một giờ nhất định, ngoài thời gian học văn hóa, ông chủ nhà chở hai anh em lên những khu sang trọng hoặc những khu dân cư có thu nhập khá, thả hai anh em ở đó để rải tờ rơi cho ông. Mỗi giờ, ông trả 2USD, số tiền này so với tiền công tại Mỹ thời điểm đó là thấp. Nhưng hai anh em rất thích thú, vì công việc không nặng nhọc gì mà kiếm được tiền.
Cùng thời điểm đó, Trí được ba dạy võ. Khi học ổn rồi thì Trí học sang cả những môn khác, như môn Aikido của thầy Đặng Thông Phong (Trí thuộc lớp những học trò đầu tiên của thầy tại Mỹ), tiếp đó là Hồng Gia Việt Nam và Wushu. Mặc dù tham gia trong đội tuyển wushu của Mỹ (Trí Nguyễn từng đại diện cho Hoa Kỳ tranh giải Wushu thế giới) nhưng Trí vẫn rất yêu thích điện ảnh. Và thật bất ngờ, khi tham gia vào đội tuyển Wushu của Mỹ, Trí đã có cơ hội được mời đóng thế.
Trí Nguyễn từng đoạt huy chương vàng khi tham gia thi đấu trong đội tuyển Wushu Hoa Kỳ và nhờ đó anh "lọt vào mắt xanh" các nhà làm phim và nhận được nhiều lời mời đóng thế cho các bộ phim hành động. |
17 tuổi và chỉ làm “việc vặt” trong đoàn phim để kiếm tiền, thêm vào đó là cho đỡ… nghiền. Dạo đó Trí phải khiêng đèn, khiêng máy… người ta nói gì mình làm đó. Cho tới năm 26 tuổi thì được “lên chức” nhiều lần như: làm đạo diễn hình ảnh, dựng phim, làm kỹ xảo… Hết tuổi thi đấu thì trở về làm chuyên sâu và tập trung sức cho điện ảnh.
Thật may là suốt quá trình làm những việc hậu trường cho một bộ phim: làm ánh sáng, phụ quay nên Trí rất rành những việc “bếp núc” để có được một bộ phim chất lượng. Trí cũng biết rõ cách lấy ánh sáng, tư thế diễn của diễn viên, góc quay thế nào… để có những khuôn hình đẹp, những góc máy đẹp nhất. Bên cạnh đó, Trí còn học thêm diễn xuất. Vì vậy, Trí không chỉ biết đánh võ mà còn biết diễn xuất.
Nhờ đó, các đạo diễn hành động rất thích thú và họ dùng Trí thường xuyên cho những bộ phim họ làm. Không những thế, họ còn giới thiệu cho bạn bè của họ và Trí lần lượt được tham gia những bộ phim từ nhỏ tới lớn, từ phim truyền hình tới phim nhựa của Hollywood như: Spider- Men (Người Nhện: Phần một đóng thế cho Green Goblin, phần hai đóng thế cho Người Nhện pha đánh nhau trên tàu cao tốc)…
Lỗ nặng với bộ phim đầu tay, chật vật với bộ phim đầu tiên ở VN
Việc làm phim đã lôi cuốn Trí, bởi vậy, sau chương trình phổ thông, Trí học hai năm Đại học Đại cương và không nuôi ý định thi tiếp để học chuyên sâu về điện ảnh nữa. Tuy nhiên, bên cạnh việc đóng thế thì Trí và anh Charlie vẫn thực hiện những bộ phim ngắn.
Anh em Trí Nguyễn, Charlie Nguyễn (thứ 5 và thứ 6, từ trái sang) cùng các thày và các môn sinh Aikido. |
Hai anh em lập một hãng phim riêng (nói tới đây, Trí Nguyễn cười rất sảng khoái). Nói là hãng phim cho oai chứ cả “hãng” chỉ có một máy quay và vài cái đèn. Từ cấp ba, Trí và anh Charlie đã quay những đoạn phim ngắn, những clip nhỏ để chơi. Sau này thì làm cho một số các nghệ sĩ Việt kiều. Tới năm Trí 19 tuổi, anh Charlie đã kêu gọi một số anh em Việt Kiều làm bộ phim đầu tay có tựa đề Hùng Vương thứ 18. Đây là bộ phim tốn nhiều công sức nhất với sự đầu tư nghiên cứu về lịch sử và thiết kế trang phục nhưng ít tốn kém nhất vì từ bối cảnh tới trang phục, trang điểm hai anh em đều tự làm lấy. Bộ phim này được chiếu cho người Việt xem và bị… lỗ vốn nặng.
Trước khi sang Thái tham gia bộ phim Tom Gung Yoong, Trí từng về VN với vai trò đạo diễn hình ảnh cho bộ phim Vật đổi sao dời, phim do các anh chị Việt kiều làm. Lúc đó Trí rất thích Việt Nam nhưng không biết tới khi nào mới có cơ hội trở về đây làm phim.
Sau khi làm xong vai diễn phản diện trong bộ phim nổi tiếng của Thái Lan Tom Gung Yoong thì Trí mới có ý tưởng cho kịch bản Dòng máu anh hùng với cốt truyện được hình thành khi nghe cha kể chuyện về Việt Nam, về gia tộc, về ông nội và những cuộc khởi nghĩa của nông dân trong cuộc kháng chiến chống Đế quốc Pháp. Điều này giúp Trí tự tin trở về nước sau nhiều năm xa cách.
Nhưng khi về nước, Trí cũng chưa rõ thị trường điện ảnh của VN như thế nào. Chỉ biết thời điểm đó đang rộ lên những thông tin về phim Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng nhưng Trí cũng chưa đi xem. Trí có nghe mọi người nói dân Việt Nam mình mê điện ảnh nhưng rạp chiếu thì vừa ít lại vừa xấu, không đủ tiêu chuẩn.
Khi bắt tay vào làm phim Trí mới thấy hết những khó khăn và gặp rất nhiều trắc trở. Thiết bị làm đã hiếm, người làm điện ảnh chuyên nghiệp không nhiều mà có được giấy phép để làm một bộ phim cũng không dễ. Quay cảnh xong, dựng phim ở VN nhưng phải ra nước ngoài rửa, chỉ quy trình ra vào này cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu ở Hollywood hay Bangkok, có thể làm hậu kỳ một bộ phim từ A tới Z thì ở VN thì phải qua… bốn nước mới làm xong.
Danh tiếng, tai tiếng và Ngô Thanh Vân
Làm phim đã cực rồi mà những chuyện lùm xùm bên cạnh lĩnh vực này cũng nhiều nực cười. Dù biết tai tiếng hay chuyện đồn thổi luôn đi song hành với nghệ thuật giải trí, giống như mặt phải và mặt trái của một tấm lụa nhưng mỗi khi nghe những chuyện “dân tình” đồn thổi về mình, Trí cũng mắc cười. Điều khá thú vị là cả báo chí cũng đưa những bài không chính xác.
Tỏ ra thản nhiên khi nói tới Ngô Thanh Vân và cho rằng, anh quan tâm tới cô như những người khác, song Trí Nguyễn luôn dành những lời ngợi khen cho người đẹp này. |
Có một dạo, mọi người “đồn” ầm lên là Trí và Vân sẽ cưới nhau, điều này xạo hết cỡ. Trí không muốn nhắc tới những chuyện không vui trước đây nhưng có nhiều điều báo chí đưa không chính xác. Hiện tại, Trí cũng chưa bao giờ nghĩ tới việc “đi bước nữa” - như người miền Bắc thường nói. Công việc cuốn hút Trí và chiếm hầu hết thời gian.
Sự quan tâm của công chúng dành cho Trí rất quan trọng còn dư luận thì không thể ảnh hưởng tới chất lượng tốt nhất mà Trí dành cho một sản phẩm điện ảnh của mình. Bởi vậy, không phải vì có những tin đồn thiếu chính xác về Trí và Vân mà khiến Trí không làm việc cùng cô ấy. Từ trước tới nay, Trí chưa thấy ai có năng khiếu đặc biệt như Vân. Vân rất lẹ và thông minh. Không chỉ Trí mà đoàn phim cũng rất may mắn khi phát hiện và có Vân tham gia Dòng máu anh hùng, Bẫy rồng.
Trí không muốn so sánh Ngô Thanh Vân hay bất kỳ nghệ sĩ nào với nhau. Nhưng nếu nói Ngô Thanh Vân là “Tiểu Chương Tử Di" của Châu Á thì Trí thấy Vân đánh võ thật hơn so với những màn biểu diễn võ thuật của Chương Tử Di.
Bên cạnh sự mau lẹ và quyết liệt với những thế đánh, sự chuyên nghiệp và tận tâm trong công việc thì Vân vẫn giữ được sự dịu dàng nữ tính của một cô gái. Ngoài tập luyện, biểu diễn và “chạy sô” với các dự án nghệ thuật, Vân còn là một người rất ham hoạt động xã hội, như đi làm từ thiện. Dường như trong Vân luôn tràn trề nhựa sống và nhiệt huyết. Trí là đàn ông nhưng nói phải sống và làm việc như Vân chắc Trí cũng thua luôn.
Vài nét về Trí Nguyễn: Sinh nhật: 2/2/1974, tên thật là: Nguyễn Chánh Minh Trí (cháu họ của NSƯT Nguyễn Chánh Tín, diễn viên chính trong bộ phim VN nổi tiếng: Ván bài lật ngửa). Ngoài khả năng diễn xuất, làm biên kịch, kinh doanh điện ảnh, Johnny Trí Nguyễn còn có nhiều kỹ năng đáng khâm phục khác: Võ thuật, bóng rổ, cưỡi ngựa, bơi lội, xe hai bánh, trượt tuyết, bắn súng, chơi Tây Ban Cầm. Mùa hè 1988, là thành viên trong đội tuyển Wushu Hoa Kỳ, anh đã đoạt được một hu huychương vàng tại giải Vô địch Panamerican Wushu kỳ 2 tại Toronto. |
Tác giả: Thục Nhi
Nguồn tin: VTC
Ý kiến bạn đọc