Họa sĩ Phúc An sự trăn trở sắc màu với quê hương

Thứ tư - 05/08/2009 12:04 3.883 0

Họa sĩ Phúc An - Ảnh: Trương Trọng Nghĩa

Họa sĩ Phúc An - Ảnh: Trương Trọng Nghĩa
Phúc An (Phan Văn Út) là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Tiền Giang vừa được kết nạp Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh đã có một quá trình hoạt động nghề nghiệp lâu dài trên 10 năm ở Tiền Giang với sự xông xáo không mỏi mệt, một sức phấn đấu vươn lên, tự khẳng định mình trên con đường nghệ thuật, sáng tạo.
Đây là một cậy cọ trẻ theo khuynh hướng tả thực với cách thể hiện chân phương, giản dị nhưng không kém phần hấp dẫn, sâu sắc. Tác phẩm của Phúc An thường đi vào đề tài tĩnh vật, phong cảnh và sinh hoạt đời thường.

Mười năm qua với hằng trăm tác phẩm, anh luôn trung thành với phong cách riêng của mình và luôn hướng vào những đề tài gần gũi trong cuộc sống, những hình ảnh diễn ra trước mắt mỗi ngày, không cần tìm kiếm, tưởng tượng xa xôi. 

Anh sinh ra ở Gò Công. Miền quê hương xứ biển này đã gắn bó với anh từ khi mở mắt chào đời và đã đi vào tranh của anh sớm nhất. Ta bắt gặp hình ảnh những ngư dân lưng trần phơi nắng, những con tàu ra khơi trở về nơi cảng cá Vàm Láng, những giàn đáy sông cầu trơ gan với nắng gió biển khơi, những con người lam lũ trên bãi nghêu Tân Thành, những bà mẹ lom khom trên bãi cát lượm từng con còng gió, những đứa trẻ lam lũ trên cánh đồng nức nẻ, nhiễm mặn của quê nghèo v.v... Tranh của thời ấy như quấn quýt, níu kéo quãng đời tuổi thơ của anh đã đi qua. Mấy năm gần đây, khi nhận Cái Bè là quê hương thứ hai của mình, chúng ta lại bắt gặp trong tranh Phúc An những hình ảnh mới rất thú vị. Đó là hình ảnh hoa trái ngọt ngào - đặc sản của miệt vườn. Những trái xoài, trái mận, trái khế, trái mảng cầu, sầu riêng, những buồng chuối, quày dừa… Vị ngọt của trái cây miệt vườn dường như toát ra ngay trong tranh của anh. Không chỉ là thiên nhiên, ở đó còn có những người nông dân cần cù vun xới dưới những tán lá xanh rờn tỏa đầy bóng râm mát dịu giữa vườn trưa. 

Bên cạnh hai đề tài gắn với hai quê hương thân yêu của Phúc An, ta còn bắt gặp trong tranh anh những hình ảnh mộc mạc, dung dị khác của cuộc sống miền quê. Như chiếc nón lá rách tơi của mẹ, chiếc khăn rằn nhăn nhúm trên cổ còn ướt đẫm mồ hôi lao động của cha, những chiếc nồi đất trong xó bếp, chiếc rổ bung vành, cánh võng êm đềm, bóng đèn leo lét trong đêm v.v... Dù là hình ảnh trung tâm thể hiện chủ đề hay chỉ để điểm xuyết, làm nền, tất cả đều được Phúc An chọn lọc kỹ càng, tạo được một hiệu quả cảm xúc thẩm mỹ nhất định. Mộc mạc, gần gũi, chân thật, thân thương! Những hình ảnh ấy dường như trong đời chúng ta ai cũng có ít nhất một lần gặp gỡ và vương vấn mãi khôn nguôi, những hình ảnh dù không để ý, nó vẫn đeo đẳng mãi trong suốt cuộc đời ta. Và đứng trước tranh Phúc An, người xem cảm thấy như được anh nhắc nhở, gợi lại một vùng ký ức tuổi thơ xa lắc mù xa thật đằm thắm, ngọt ngào, vấn vương và tiếc nuối. Phải chăng không phải ngẫu nhiên khi Phúc An đã len lỏi vào trong từng ngõ ngách tâm hồn công chúng khi quyết định chuyên sâu mảng đề tài ấy. 

Như đã nói, cuộc sống đã đi vào tranh của Phúc An rất thực. Sự thực ấy đã được thể hiện bằng một cặp mắt quan sát tinh tế, một bàn tay nghề nghiệp khá vững, và đặc biệt là một tâm hồn nghệ sĩ rộng mở, nhìn cảnh sắc quê hương bằng tấm lòng thiết tha yêu thương mảnh đất, con người mình đang sống - một tình yêu chân thật không màu mè, không làm duyên giả tạo bằng sự lạm dụng các yếu tố kỹ thuật. Không có tình yêu quê hương nồng cháy thì không thể có những bức tranh “hương sắc miền Tây” rất “tĩnh vật”, rất im lặng, mà lại nói rất nhiều điều với người xem như thế. 

Nói thế không có nghĩa là cái thực trong tranh Phúc An là trần trụi, thô ráp, tự nhiên chủ nghĩa. Cái thực ở đây càng thực hơn, quyến rũ hơn qua lăng kính của chàng họa sĩ trẻ bằng sự chắt lọc kỹ càng chi tiết thể hiện, sự hài hòa trong bố cục, sự chọn lọc, nhấn nhá màu sắc, sự trăn trở trong từng nét cọ mảng màu với một tinh thần sáng tạo đầy trách nhiệm. Tất cả đã tạo nên cái hồn tranh, tạo nên sức thu hút, dù rất lặng lẽ như chính con người Phúc An. Thật cần thiết biết bao khi có một cây cọ miệt mài ghi lại những hình ảnh đặc sản của quê hương miền Tây bằng nghệ thuật hội họa để giới thiệu với công chúng yêu mỹ thuật trong và ngoài nước hôm nay và mai sau về nét đẹp quê hương. Phải chăng đó là cái riêng đáng ghi nhận từ người họa sĩ sông Tiền? 

Với 7 lần góp mặt trong các cuộc triển lãm chung, 2 lần triển lãm riêng, nhiều tranh được sưu tập cá nhân ở các nước ngoài, 9 giải thưởng các cấp. Đó là thành tích khởi đầu của một cây cọ trẻ, dù chưa thấm vào đâu so với các đồng nghiệp đàn anh đàn chị và bè bạn gần xa, nhưng đây chính là niềm phấn khởi, là bệ phóng cho Phúc An. Chúng ta có thể để tin tưởng vào những bước phát triển mới đầy đột phá trong tương lai của người họa sĩ trẻ giàu lòng yêu đời và yêu nghề. 

Một số tranh của họa sĩ Phúc An: 



"Mít". Sơn dầu.


"Hương sắc miền Tây". Sơn dầu.


"Thành quả". Sơn dầu.


"Xoài cát Hòa Lộc". Sơn dầu.


"Mận". Sơn dầu.


"Quê hương". Sơn dầu.


"Chuối cau". Sơn dầu.


"Quê ngoại". Sơn dầu.


"Tết Nam Bộ". Sơn dầu.
Tranh: Phúc An

Tác giả: Khánh Văn

Nguồn tin: vannghetiengiang.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây