Cường điệu quá... hóa không bình thường

Thứ hai - 16/05/2011 05:54 5.035 0

Diễn viên Chiều Xuân và Phan Minh Huyền trong phim Lời thú nhận của Eva

Diễn viên Chiều Xuân và Phan Minh Huyền trong phim Lời thú nhận của Eva
Thay thế sóng cho sự cố "Anh chàng vượt thời gian", bộ phim "Lời thú nhận của Eva" được kỳ vọng sẽ mang lại những giây phút thoải mái cho khán giả. Nhưng lời chê vẫn đang át tiếng khen.

Chín trong số 52 tập phim đã được chiếu trên khung giờ vàng của VTV3 (21g10).

Chuyện phim xoay quanh cuộc sống ba người phụ nữ trong một gia đình. Điểm nhấn là San, vì quyết theo đuổi nghiệp biên kịch, ngày làm ôsin, tối giả mỹ nhân, đêm về vắt óc viết kịch bản. Nội dung có thể đoán trước nhưng cái mà người xem chờ đợi lại là quá trình anh giám đốc đạo mạo (Hứa Vĩ Văn đóng) đem lòng yêu cô ôsin, cô ôsin tìm cách thu phục cậu bé Min tinh quái hay bài học nào đó ẩn chứa đằng sau những tiếng cười.

Khán giả Inyeutrau tại www.webtretho.com tỏ ra nghi ngờ: “Xem xong tôi thắc mắc nhân vật nữ chính suy nghĩ gì để có đủ tự tin yêu anh chủ. Trình độ học vấn (khả năng viết kịch bản) chưa được ai công nhận. Điều quan trọng là nữ công gia chánh không biết làm một việc gì cả cũng không có cảnh nào tự học, tự tìm hiểu (chỉ biết gọi điện về cho bà ngoại). Tình yêu như thế chỉ tạo cảm giác đạo diễn và biên kịch gán cho nhân vật mà thôi, không có sức thuyết phục”.

Nickname tauad tại diễn đàn dienanh.net lại bình luận: “Phim hay, xem khá hài, dàn diễn viên và bối cảnh nội thất ổn, nhìn vào màn hình hứng thú như xem phim Hàn”.

Nhưng liều lượng hài quá nhiều được ép vào nhân vật đã gây ra phản ứng phụ cho người xem. Nickname green_galaxy (webtretho) nhận xét: “Phim Hàn dù cùng môtip này nhưng sẽ diễn hay chứ không nhố nhăng”. Một chi tiết cô biên kịch trẻ bị từ chối kịch bản, tức giận gọi điện, tìm cách gặp ông giám đốc ngốn độ dài không dưới hai tập phim. Ba bốn tập tiếp nối chỉ xoay quanh chuyện cô ôsin San bị cậu bé Min chơi xỏ: thả lươn vào bể cá, trốn sang nhà bà...

Thủ pháp gây hài bằng cường điệu các tình huống, tính cách nhân vật chưa truyền tải được bài học ngụ ngôn về đời sống tâm hồn người phụ nữ hiện đại. Trái lại chỉ khiến khán giả ước gì nhân vật nữ chính đằm thắm hơn, diễn nội tâm hơn.

Nickname tedbod (webtretho) cho rằng: “Phim hơi thiếu thực tế. San không biết đọc hay sao mà không tìm được chai nước lau kính và thuốc tẩy rửa nhà vệ sinh. Cường điệu quá đà thành ra nhân vật chính như là... không bình thường!”. Về sự cường điệu, khán giả tumay bổ sung chi tiết: “Cô San hét lên sung sướng vì biết đập quả trứng...”.

Hình tượng mới lạ của diễn viên Chiều Xuân trong vai bà mẹ không chồng “thơ thơ thẩn thẩn” đáng lý ra hài hước và duyên dáng cũng được nhắn nhủ giá như “đừng trợn mắt, há mồm sẽ đáng yêu hơn”. Thành viên khoai_lang_tay trên webtretho phản ứng: “Không cần làm phim một cái là phải hay ngay lập tức nhưng cũng không nên đến mức vô duyên một cách cực độ. Đến cái mác của mấy chai lọ là gì mà không biết đọc...”.

Trước sự phản ứng dữ dội của số đông khán giả mạng mang “cảm giác xem phim gắng gượng để lấy cái cười nhạt của khán giả”, thành viên tuankhanh1612 của webtretho đặt câu hỏi: “Biết đâu nhà làm phim cũng đã tính đến việc làm phim như thế sẽ nhận lại những lời nhận xét không hay, nhưng nếu không làm thì đâu biết được hiệu ứng người xem thế nào, giống như thăm dò xu hướng tâm lý người xem phim Việt Nam?”.

Cũng hi vọng vậy...

 Tại Liên hoan phim quốc tế Việt Nam lần thứ nhất (VNIFF 10-2010), giáo sư Kim Hyae Joon, nguyên tổng thư ký Hiệp hội Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC), từng nhấn mạnh về vai trò của khán giả: “Một bộ phim truyền hình thành công hay thất bại khi phổ biến trên truyền hình tác động đến dư luận không thể lường được. Theo phương châm này, các nhà làm phim truyền hình Hàn Quốc thường coi yếu tố khán giả đồng hành với công việc sản xuất phim. Công tác điều tra khán giả đặc biệt được coi trọng và họ đã lần ra được thị hiếu của khán giả truyền hình Hàn Quốc trong buổi đầu củng cố và phục hưng: đi vào đề tài tâm lý tình cảm, có yếu tố thời trang, kiến trúc và nhiều tình huống hài giải trí”.

Nhưng ông Kim không quên nhắn nhủ: “Quan trọng là đạo diễn và biên kịch phải gần hơn với thực tế. Vì với tay nghề của nhà làm phim, với các tình huống cường điệu, bằng diễn xuất của diễn viên, vẫn có cách thuyết phục khán giả chấp nhận những sự phi lý trong phim và tin rằng... phim chỉ là phim, không phải là đời”.

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây