Chơi vơi - mới, lạ và...

Thứ sáu - 20/11/2009 08:29 2.368 0

Hai người đàn bà ngồi trước nồi lá xông

Hai người đàn bà ngồi trước nồi lá xông
Trước hết, phải khẳng định hai yếu tố mới và lạ đã quyết định thành công của phim "Chơi vơi" (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, biên kịch Phan Đăng Di). Cái mới và lạ đã làm thành một đẳng cấp nhất định cho Chơi vơi, mà ở đó dấu ấn của Bùi Thạc Chuyên đang đậm nét dần cho một phong cách đạo diễn rất riêng biệt.

1. Nét lạ đầu tiên là chuyện phim không giống một câu chuyện phim như người ta vẫn hiểu theo cách thông thường. Sau đám cưới bình dân ồn ào của Hải (Duy Khoa), một tài xế taxi trẻ cùng Duyên (Hải Yến), một cô gái Hà Nội xinh xắn, chú rể say mèm và ngủ vùi trên giường cưới đặt ngay trong căn gác xép. Khách khứa về hết, cô dâu trút bỏ áo cưới cũng là lúc bà mẹ chồng lên lau mặt cho Hải với lời dặn: Phải giữ cho thằng bé nằm thật yên, đừng làm gì cả, mai nó sẽ tỉnh.

Cuộc sống diễn ra bình thường sau đêm tân hôn. Đôi vợ chồng trẻ may mắn được sống riêng tại căn phòng trong ngôi nhà cổ, không gian êm đềm, giản dị, đầy sức sống nhưng những khao khát của họ vẫn chưa được giải tỏa. Hải “kiêng” vì trót hẹn sẽ không đem xui xẻo cho một gã bạn trong cuộc đỏ đen. Duyên tìm đến Cầm (Phạm Linh Đan) - một nhà văn và là người bạn gái từng gắn bó với Duyên trước khi cô lấy chồng. Rồi cuộc phiêu lưu giữa cô với Thổ (Johnny Trí Nguyễn) - một gã “tay chơi” đẹp trai - sập đến như một cơn mưa, không cách nào tránh cho khỏi ướt! Bối rối, thổn thức, dằn vặt... cô chỉ có thể trút tâm sự với Cầm.

Cái lạ của phim là đạo diễn đã cùng lúc làm được hai việc - một là hiện hình hóa được cảm xúc và tâm trạng nhân vật; hai là đồng thời đẩy cảm xúc và tâm trạng ấy vào một hình thái rất... chơi vơi!

Không thể nói Duyên không yêu chồng, cô thấy rạo rực và hạnh phúc khi ở bên người đàn ông trẻ có gương mặt thanh thản dịu dàng và hơi thở thanh khiết như trẻ thơ! Cô thấy Hải “như một phần thân thể của mình”. Cũng không thể chỉ gói gọn mối quan hệ của Duyên và Cầm vào mấy từ tình yêu đồng tính. Không phải vì trên phim không có hành vi đồng tính giữa họ mà bởi mối quan hệ của họ có gì đó đa chiều hơn, sâu sắc hơn một tình yêu đồng tính, cho dù đám cưới của Duyên đã làm Cầm quỵ xuống trong cô đơn và hờn ghen câm lặng.

Vậy quan hệ Cầm - Duyên vượt xa hơn khái niệm tình yêu đồng tính ở chỗ nào? Hai người đàn bà trông như thể tương phản nhau: Cầm già dặn trong trang phục đen, như một lớp vỏ bọc cô cố tạo ra để che giấu tâm trạng phức tạp và rã rời cảm xúc; Duyên mảnh mai trong chiếc váy trắng, giản đơn và trong trẻo, không biết hoặc không cần đến một lớp vỏ bảo vệ nào. Nhưng họ lại có thể cùng hít thở một bầu không khí, cùng đập một nhịp tim. Họ như hai nửa của một cơ thể đàn bà, hai nửa của một tâm hồn đàn bà!

Bởi vậy, chính Cầm đã đẩy Duyên - nửa kia của mình - đến với gã tay chơi Thổ vốn là người Cầm yêu thổn thức, vừa để thỏa nỗi hờn ghen vừa như dành cho Duyên một ân huệ được nếm trải hạnh phúc trần trụi mà chỉ người đàn ông ấy có thể đem lại!

2. Cái mới là nhà làm phim cho người xem thấy cuộc sống trôi một cách tự nhiên như không có sự sắp đặt, nhưng thật ra cái tự nhiên ấy là kết quả của một sự sắp đặt kỹ lưỡng, lôgic và tương đối hoàn hảo. Phim không có quá nhiều nhân vật nhưng lại phác họa được khá đa dạng những lát cắt cuộc sống trong một thành phố đang đô thị hóa của một đất nước nghèo đang phát triển.

Ở đó có bà mẹ đơn thân của Hải không cần giấu giếm tình cảm thiên vị cậu con trai trưởng hơn hẳn con gái và những đứa con khác; có bà mẹ góa của Cầm cặm cụi chăm sóc con gái từng nồi lá xông và chẳng để ý đến sự héo mòn năm tháng của mình bên chiếc khung thêu. Ở đó cũng có cô bé hàng xóm mới lớn, chỉ ao ước được tắm dưới vòi hoa sen bởi hằng ngày phải sống cạnh ông bố mê gà chọi bê tha, trong căn phòng không có buồng tắm.

Ở đó còn có những mối tình đầy si mê và nhục dục của những người đàn bà như Vy, sẵn sàng đến với Thổ bất cứ lúc nào, vô điều kiện. Và ở đó còn có bóng dáng mờ ảo một mối tình của người đàn bà đã khuất (bà chủ căn nhà cổ) với ông nội Duyên, khiến dòng đời hiện tại đôi lúc phảng phất một lớp sương khói ký ức của miền quá vãng.

Điều quan trọng là đạo diễn và quay phim đã tạo được không gian cho những lát cắt cuộc sống của nhân vật trong sự chuyển động rất xinê mà không mắc vào cách kể chuyện đơn điệu hay minh họa. Họ đã cố giữ một “tông” hơi tối từ đầu đến cuối phim, cái tông làm nên épphê của nội cảnh trong những căn phòng rất khác nhau nhưng tạo hình đều có “gu” của Cầm, Duyên, nhà của Thổ, nhà mẹ Hải và ngoại cảnh đường phố luôn có những cơn mưa chực ập đến.

Các diễn viên trong phim đã vào vai thật hài hòa, từ Linh Đan, Hải Yến, Trí Nguyễn, Duy Khoa đến những người vào các nhân vật phụ như NSND Như Quỳnh, NS Ngọc Thoa, ca sĩ Linh Dung, diễn viên Thiên Tú... Không phải ai cũng nổi bật và cảnh nào cũng xuất sắc, nhưng chính sự “vừa đủ”, ăn ý, tung hứng nhịp nhàng giữa họ đã tạo nên giọng điệu của phim và sự hài hòa của dàn diễn viên đã đem bộ phim đến nấc thang thành công.

Âm nhạc trong phim khá ấn tượng, có lúc như “chất kích thích” góp sức đẩy cao trào lên đỉnh điểm. Cái áo ngủ kiều diễm do mẹ Cầm thêu cả năm trời, Cầm tặng Duyên nhân ngày cưới, Duyên chẳng thể mặc đêm tân hôn nhưng cô đã “diện” trong đêm đi nghỉ ở biển với Thổ. Gã sở khanh ấy mơn trớn cô trong chiếc áo ngủ, rồi bỗng dùng dao cắt toang chiếc áo trong tiếng nhạc bài hát Dệt tầm gai đã tạo nên tâm trạng vừa đau đớn vừa hưng phấn tột cùng của Duyên! Nhìn chung, sự hài hòa của tạo hình, diễn xuất, âm nhạc và âm thanh đã tạo cho phim sức gợi, đẩy cảm xúc vào trạng thái vừa cụ thể vừa chơi vơi khó nắm bắt. Đó là những điều mới và lạ của một bộ phim Việt Nam.

3. Chắc chắn Chơi vơi không phải là phim dành cho số đông khán giả bởi nó không phải là phim hấp dẫn, dễ xem theo kiểu các phim tuổi teen hay giải trí gần đây. Và rất có thể phim sẽ gây ra dư luận khen chê trái chiều. Điều này không ngoại lệ đối với những tác phẩm có sự tìm tòi, thể nghiệm nghệ thuật. Nhưng điều có thể nói lại sau cùng là cái mới và lạ đã làm thành một đẳng cấp nhất định cho Chơi vơi, mà ở đó dấu ấn của Bùi Thạc Chuyên đang đậm nét dần cho một phong cách đạo diễn rất riêng biệt.

Chơi vơi đã tiếp cận khá thành công với dòng phim tác giả châu Âu. Nhiều bài báo cũng đã nhấn mạnh đến đề tài đồng tính nữ, rồi đăng ảnh minh họa cảnh khỏa thân của Cầm và Duyên trong một khuôn hình đẹp. Thật ra đây là cảnh hai người bạn ngồi chung trước nồi lá xông, sau những ngày họ cùng “tơi tả” bởi những nỗi niềm riêng. Cảnh này chỉ thoáng qua trong phim, chiếm có vài giây. Có lẽ đây là cảnh lộ rõ nhất sự bày đặt, điều mà nhà làm phim đã gắng sức khắc phục gần như xuyên suốt tác phẩm của mình. Cái cách hai người đàn bà ngồi trước nồi lá xông trông “tây” quá, ai đó có thể coi là một thể hiện bạo dạn, nhưng dường như chính cái bạo dạn đó đã tạo ra một sự phơi lộ khiến nó lạc dòng với mối quan hệ tinh tế mà tôi tạm gọi là “đa chiều hơn, sâu sắc hơn một tình yêu đồng tính”.

Hay cảnh Duyên nhào vào vòng tay Thổ trong một nụ hôn đến lả người trên cầu thang nhà Thổ. Tôi tiếc, như thể đạo diễn để tuột một tầm cao mà lẽ ra anh đã đạt được. Bởi lẽ sau cái chết đột ngột ở bãi biển của Vy - người đàn bà si mê Thổ, người xem thấy ấm lòng trở lại khi Thổ trở về cùng cô bé câm con gái Vy trên phố trong bóng dáng chở che cho cô bé tội nghiệp. Nếu phim cứ để cuộc sống trôi như vậy thì đã có thêm những sắc màu tươi tắn hơn, muôn mặt hơn. Và sự trở về với Hải của Duyên cũng có ý nghĩa hơn, hương vị đọng lại của phim sẽ Á Đông hơn. Thế nhưng Duyên vẫn đến với Thổ, phải chăng trạng thái tình cảm ấy không còn là chơi vơi nữa mà chuyển sang luẩn quẩn?

Tác giả: Ngô Phương Lan

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây