Nói cách khác, album mới "Li ti" vẫn là sự tiếp tục phát triển những ý tưởng âm nhạc đã hình thành từ thời "Những ô màu khối lập phương" nhưng mang tính hướng ngoại hơn, về mặt âm nhạc, đã gần hơn với các dòng chảy âm nhạc đang thịnh hành trên toàn thế giới.
Để thực hiện album này,, Tùng Dương đã gặp được cộng sự thích hợp và nhạc sĩ Vincent Nguyễn (Nguyễn Công Phương Nam) cùng ê-kíp sản xuất âm nhạc của anh tại Touch The Sky Productions (Đức). Cùng nhau, họ đã làm nên một album electronica điển hình với chất lượng hòa âm, thu âm cao. Album "Li ti" gồm 8 bản nhạc, trong đó có 6 ca khúc và 2 bản hòa tấu.
6 bài hát có những bài đã từng được Tùng Dương biểu diễn trước đây, nhưng tất cả đều được thu âm chính thức lần đầu tiên. Hai bản hòa tấu "Giao diện mở" và "Hoài vọng" do Nguyễn Công Phương Nam và Sebastian Parche sáng tác vừa có tính chất nối dài ý tưởng âm nhạc đã triển khai trong các bài hát liền trước vừa kết nối với bài tiếp sau. Bản hòa tấu ambient "Hoài vọng" còn là một cái kết nhẹ nhàng, khép lại không gian âm nhạc đa chiều trước đó.
Dù định nghĩa về thể loại electronica có thể hơi phức tạp và hơi khó hình dung, và dù là một album electronica chuẩn mực, "Li ti" không hề khó nghe. Album có sự kết hợp khéo léo giữa các âm thanh điện tử với dàn nhạc giao hưởng và một chút màu sắc âm nhạc dân gian châu Á trong những bài đậm màu sắc dân gian.
Những gì làm nên "Li ti" cũng tương tự những gì chúng ta vẫn nghe từ các tên tuổi lừng lẫy của electronica như Sneaker Pimps, Massive Attack, Portishead, Bjork, Craig Armstrong. Những chuẩn mực của electronica đã được xác lập, được công nhận. Việc của các nghệ sĩ đi sau là phát triển và khai phá thêm những sự kết hợp mới mẻ. Điều này đã thể hiện rất rõ ở từng bài hát của "Li ti" khi mà người nghe nhận thấy màu sắc Việt Nam trong các bài hát đã được "trộn lẫn" trong những âm thanh có tính toàn cầu một cách nhuần nhuyễn.
Cuộc trao đổi với Tùng Dương về câu chuyện "tiên phong":
- Album lần này dễ nghe hơn rất nhiều so với "Những ô màu khối lập phương", anh có nói vậy. Có phải khi còn trẻ, người ta thích làm những điều mới lạ, đột phá. Nhưng khi lớn hơn, người ta muốn đơn giản và quay lại với bản thể của mình nhiều hơn?
- Thật ra nó không dễ nghe đến mức trở thành một album pop bình thường. Nó vẫn mang những nét riêng của Tùng Dương như ở những album trước. Có thể nói nó tiếp nối "Những ô màu khối lập phương", chỉ khác về tính chất một chút. Nhưng Tùng Dương lại đi sâu hơn trong nhạc điện tử và nhạc điện tử chia rất nhiều nhánh, nhiều thể loại nhỏ hơn trong đó.
Có những người chỉ chuyên về hoà tấu, có những người chỉ hát điện tử. Họ rất tài giỏi và sáng tạo. Vì thế trong ekip thực hiện album này, Dương đã may mắn đi xem được những show diễn của các ca sĩ nước ngoài về thể loại nhac electronica. Nó không dễ nghe như một album pop, nó vẫn là một album đương đại và hiện đại.
- Trong dòng chảy âm nhạc xô bồ và đa dạng, người nghệ sĩ đôi khi phải cố gắng thật nhiều để sản phẩm âm nhạc trở nên độc đáo và ấn tượng hơn trong tâm trí công chúng. Anh có nghĩ khi làm những sản phẩm âm nhạc, chính bản thân anh cũng phải thay đổi?
- Tôi nghĩ hoàn toàn ngược lại và tôi đã làm tốt. Những bài hát của Tùng Dương, mỗi khi khán giả nhắc đến, là những bài hits như Ôi quê tôi, Quê nhà, Mưa bay tháp cổ, Đồng hồ treo tường, Con cò… Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng ở một người nghệ sĩ biểu diễn hay là sáng tạo. Dù sáng tạo đến đâu cũng phải có một tác phẩm để lại trong lòng công chúng.
Bởi không chỉ phục vụ công chúng, còn giúp ca sỹ có thêm tài chính. Tôi luôn muốn đảm bảo hai yếu tố: nghệ thuật và kiếm được tiền. Bởi đó là một chuyện rất thiết thực. Điều này cũng rất bình thường trên thế giới. Có nhiều dòng nhạc rất kén người nghe nhưng những người nghệ sĩ vẫn có khán giả riêng của họ và có thể sống được với nghề.
Tất nhiên, việc phổ biến dòng nhạc của mình ra cho nhiều người biết như các ca sĩ hot hiện nay thì tôi không thể. Nhưng tôi có con đường đi riêng của mình và tôi có phương tiện để biểu đạt âm nhạc của mình tới công chúng.
- Anh vừa nói muốn làm kẻ tiên phong trong âm nhạc. Thử nhìn lại khoảng 10 năm qua, những cái mốc tiên phong đó có gì?
- Sự thành công của một người nghệ sĩ thì 60% là năng khiếu, tài năng trời cho, 30% rèn luyện và 10% là may mắn. Đôi khi chỉ 10% may mắn lại cho mình những cột mốc quan trọng trong đời. Và 10% may mắn của tôi là nhận được giải của Hội đồng nghệ thuật SMĐH năm 2004. Đó là sự khám phá ra một Tùng Dương, không chỉ giọng hát mà còn cả khuynh hướng âm nhạc trong các sáng tác của nhạc sĩ Lê Minh Sơn.
Cuối cùng, khán giả cũng đã đón nhận và công nhận dòng nhạc đó. Đây là một cột mốc quan trọng. Cột mốc tiếp theo là nhận giải thưởng Album của năm trong giải Cống hiến, một thử nghiệm khám phá với "Những ô màu khối lập phương". Đến bây giờ khi nghe album "Li ti" của Tùng Dương, mọi người sẽ cảm nhận được sự ổn định và con đường đi rõ ràng của tôi.
- Nói về sự thay đổi trong âm nhạc, từ một dòng nhạc đã cho Tùng Dương có nhiều cột mốc sang một dòng nhạc khác khiến Dương yêu thích hơn. Ngoài lý do muốn tìm tòi khám phá, còn lý do nào khác? Phải chăng sự giới hạn trong âm nhạc của nhạc sỹ Lê Minh Sơn khiến Dương không cảm thấy thoải mái?
- Không hẳn. Người nghệ sĩ thì luôn tìm đến sự sáng tạo và sáng tạo là vô tận. Trên thế giới cũng vậy thôi. Một ca sĩ không thể cả đời cứ hát nhạc của một nhạc sĩ được. Giới hạn là do ở tài năng của người nghệ sĩ. Dương không thể vỗ ngực và tự tin tuyên bố rằng lúc nào cũng đi theo nhạc xu hướng âm nhạc thế giới. Nhưng nếu không cập nhật những xu hướng mới sẽ trở nên tụt hậu.
Dương cũng đang sợ đến một độ tuổi nào đó, Dương không còn tiếp nhận được những điều mới mẻ nữa. Anh Lê Minh Sơn cũng vậy, anh ấy muốn tạo sự tươi mới trong các tác phẩm của mình thì anh ấy phải tìm đến những ca sĩ trẻ hơn, có cá tính để phù hợp với gu âm nhạc của anh ấy. Tùng Dương có thể quay lại với nhạc sĩ Lê Minh Sơn một lúc nào đó.
- Vậy theo anh, con đường đi của người tiên phong có phải là con đường của áp lực, kể cả việc "bị ném đá"?
- Nếu suy nghĩ cực đoan lúc nào mình cũng "bị ném đá" thì chắc chẳng còn ai làm nghệ thuật nữa. Người nghệ sĩ cần nhất là sự tự tin với con đường mình lựa chọn. Phong độ lúc nào cũng ổn định và sự cân bằng trong lý trí, bản năng của mình. Đó là điều kiện để nuôi dưỡng nghệ thuật và sáng tạo. Sự sáng tạo bao giờ cũng bị thiệt thòi. Nhìn lại con đường ngắn 6 năm bước chân vào nghệ thuật, Dương thấy mình còn rất trẻ và được nhiều hơn là mất.
- Vậy theo anh, cay đắng nhất của một người nghệ sĩ là gì?
- Có lẽ là sự quay lưng của những khán giả ruột của mình! Nhưng tôi nghĩ ngày nay đã có sự đồng điệu giữa những người làm chuyên môn nghệ thuật và khán giả. Quan điểm của cả hai gặp nhau tại một điểm. Tôi cho đó là một tín hiệu đáng mừng vì khán giả cũng rất kiên định với dòng nhạc họ chọn nghe.
- Mặc dù nói là đi tiên phong trong những dòng nhạc mới nhưng thật ra ở nơi khác người ta cũng đã đi rất lâu rồi. Thế nên đôi khi nghệ sỹ nói mình là người đầu tiên nhưng thực ra là… học mót. Anh có nghĩ đó là một lời cảnh báo không?
- Như tôi đã nói, nếu không cẩn thận mình sẽ bị tụt hậu. Nhưng tôi không ảo tưởng rằng, mình có thể làm mọi thứ. Cái gì cũng có giới hạn của nó. Tôi chỉ muốn là người tiên phong trên con đường của mình, ở Việt
- Anh sẽ tiếp tục đi con đường của mình thế nào sau album này?
- Sau album này, tôi có một dự án hát nhạc xưa cùng ca sĩ Thanh Lam. Đó là một không gian khác, nhưng Dương sẽ vẫn tiếp tục con đường riêng của mình.
- Xin cảm ơn và chúc cho album mới thành công!
Hoài Phố (thực hiện)
Nguồn: CAND
Ý kiến bạn đọc