Bẫy rồng với Trí Nguyễn: Tôi học từ những sai lầm

Thứ bảy - 19/12/2009 20:49 1.752 0

Ngô Thanh Vân và Lâm Minh Thắng trong Bẫy rồng - Ảnh do đoàn phim cung cấp

Ngô Thanh Vân và Lâm Minh Thắng trong Bẫy rồng - Ảnh do đoàn phim cung cấp
Một năm ròng rã chuẩn bị kịch bản, thêm ba tháng tập luyện võ thuật, sáu tuần miệt mài trên trường quay từ 7g sáng hôm trước đến 2g sáng hôm sau, êkip 30 người đã tạo ra một bộ phim hành động đầy ấn tượng cho điện ảnh Việt Nam.

Chúng tôi có cuộc gặp gỡ với đạo diễn hành động kiêm nam diễn viên chính Johnny Trí Nguyễn sau buổi chiếu ra mắt báo giới bộ phim Bẫy rồng.

* Khi nhạc kết phim vang lên, 40 nhà báo đã vỗ tay liên tục kéo dài. Lời khen ngợi dành cho Bẫy rồng đều thống nhất ở điểm chung: đây là bộ phim hành động hoàn hảo nhất của VN tính đến thời điểm hiện nay. Đạo diễn hành động của phim nghĩ gì, thưa anh?

- Tôi chỉ còn biết nói lời cảm ơn mọi người đã chia sẻ sự nỗ lực và cố gắng của cả đoàn phim. Những gì khán giả thấy được trước màn ảnh chỉ là phần nổi của tảng băng vất vả. Tôi cũng muốn cảm ơn toàn bộ đoàn phim đã cùng nhau cực khổ hoàn thành một bộ phim để những người tham gia đều có thể tự hào.

* Với kịch bản thì hầu hết những nút thắt và mở đều khá dễ đoán, nhưng phần hành động thì quá tuyệt vời. Anh đã chuẩn bị phần võ thuật - hành động trong phim thế nào?

- Khi kịch bản mới chỉ là những gạch đầu dòng tôi đã chuẩn bị phần hành động. Triển khai chi tiết nhân vật cũng là lúc đạo diễn hành động hình dung trong đầu nhân vật này sẽ đánh bằng những thế võ gì, hai nhân vật đối đầu ra sao. Khó nhất là chọn thể loại võ cho nhân vật vì hành động võ thuật phải phù hợp với không khí của phim, thời đại của nhân vật và cảm xúc của câu chuyện...

Trong thời gian chuẩn bị Bẫy rồng, may mắn là tôi đã nghiên cứu thêm được nhiều loại hình võ thuật hiện đại đang được dùng cho phim hành động của các nước. Bên cạnh đó tôi cũng học thêm về võ của Việt Nam.

* Ngoài màn kẹp cổ rất thú vị của Dòng máu anh hùng được lặp lại thì hầu hết thế đánh của các nhân vật trong Bẫy rồng đều mới. Anh đã sáng tạo chúng từ các môn võ gì và làm thế nào để đạt được hiệu quả như thế?

- Giữ lại thế kẹp cổ của Vovinam chủ yếu để khẳng định thế mạnh của võ thuật Việt là điểm trùng lặp duy nhất, còn lại đều là thế võ mới. Trên cơ sở những bài võ do một anh bạn là huấn luyện viên võ tự do ở Mỹ hướng dẫn, tôi trích một số đòn nét phù hợp với phim rồi pha trộn với boxing và một số động tác khác trong các bộ môn võ truyền thống.

Để đạt được hiệu quả trong khi quay, cả đoàn phải tập luyện chung với nhau, kể cả giám đốc phụ trách hình ảnh lẫn quay phim đều cùng ra sàn tập. Đầu tiên tôi tập tay đôi với từng diễn viên: Ngô Thanh Vân, Minh Thắng, Hoàng Phúc, sau đó từng cặp đối mặt tập với nhau, rồi cả êkip. Ghi hình tất cả rồi chọn lại những đòn thế nào đẹp nhất, tập luyện lại đến khi nhuần nhuyễn mới thôi. Chính vì vậy mà thời gian chuẩn bị và tập luyện dài gấp mấy lần thời gian quay.

* Bí quyết của anh có vẻ đơn giản?

- Tập luyện kỹ là một chuyện nhưng nếu quay phim không tinh nhạy và bắt kịp những khoảnh khắc tích tắc đẹp nhất của mỗi cú ra đòn thì cũng không thể có hình ảnh hành động đẹp. Đặt máy làm sao để tóm được từng cú đá, cú chạm đẹp nhất là việc không hề đơn giản. Bẫy rồng đã làm tất cả diễn viên đều bầm giập vì đau. Vân, Thắng và anh Phúc ngày nào cũng bầm tím chân tay, dù đã hạn chế ở mức tối thiểu những cú đánh trực tiếp chạm vào người.

* Việc từng là người đóng thế trong một số phim hành động ở Mỹ có giúp anh nhiều trong vai trò chỉ đạo võ thuật không?

- Nói ra thì lạ nhưng thật sự việc làm người đóng thế ở Mỹ trong những phim lớn lại không giúp ích cho tôi nhiều như khi tham gia trong những phim nhỏ, kinh phí thấp. Làm sao để xoay xở trong điều kiện kinh phí hạn chế là điều quan trọng nhất. Những gì đã học được từ Hollywood chưa chắc đã áp dụng được vào thực tế VN.

Ngay cả những đạo diễn của Mỹ cũng có nhiều người chỉ đạo quay phim võ thuật giống y hệt như quay phim tình cảm, quay đối thoại... Tôi học được từ những sai lầm đó nhiều lắm khi bản thân mình là đạo diễn võ thuật cho phim. Trong trường không có dạy quay cảnh hành động, mỗi thành công của các quay phim và đạo diễn chính là ở việc họ tự tích lũy kinh nghiệm và tự rèn luyện cho mình từ thực tế làm phim.

* Những cảnh hành động trong Bẫy rồng hoàn toàn không thua kém gì phim hành động của Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong... Anh và êkip có tính đưa Bẫy rồng đi xa hơn phạm vi VN không?

- Làm xong phim rồi, duyên may đưa đến đâu thì mình đi đến đó. Tôi chỉ mong Bẫy rồng được khán giả quê nhà ưu ái mùa Giáng sinh này để hãng còn có tiền và thêm kinh phí làm được những bộ phim tốt hơn.

NGUYỄN TRỰC thực hiện
Nguồn: Tuổi Trẻ

Johnny Trí Nguyễn - Ảnh do đoàn phim cung cấp

Bẫy rồng là một câu chuyện hư cấu đương đại với bối cảnh là thành phố Sài Gòn sôi động. Đó là cuộc chiến giành chiếc máy tính xách tay có khả năng xâm nhập và điều khiển vệ tinh Vinasat 1. Các cuộc đấu súng, đấu võ và đấu trí căng thẳng đã diễn ra giữa Trinh (Ngô Thanh Vân), Quân (Johnny Trí Nguyễn), ông trùm Hắc Long (Hoàng Phúc), những tay mafia Pháp...

Là bộ phim thứ ba của Hãng phim Chánh Phương, Bẫy rồng do đạo diễn trẻ Lê Thanh Sơn thực hiện dựa trên kịch bản do anh và Johnny Trí Nguyễn làm đồng tác giả. Lê Thanh Sơn từng là một tay rocker nổi bật của làng nhạc rock Sài Gòn, đã tu nghiệp điện ảnh tại Mỹ và đây là bộ phim đầu tay của anh sau khi thử sức với vai trò làm phó đạo diễn cho các phim Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông. Bẫy rồng sẽ được công chiếu rộng rãi từ ngày 18-12, chính thức tham gia thị trường phim dịp Giáng sinh - một thị phần vẫn còn bỏ ngỏ của điện ảnh VN.

H.O.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây