Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Minh Tùng lên tiếng những bức ảnh đó là của anh, không phải của nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan, nhưng phía Trần Huy Hoan và Hãng sản xuất BHD lại có những cách lý giải khác.
Đặng Minh Tùng là nhiếp ảnh gia trẻ, hội viên Hội Nhiếp ảnh TP.HCM. Trước khi ký hợp đồng chụp ảnh hiện trường cho phim Cánh đồng bất tận của Hãng BHD thì Đặng Minh Tùng đã chụp ảnh cho các bộ phim nhưNhững nụ hôn rực rỡ, Công chúa teen và ngũ hổ tướng… Theo lời Đặng Minh Tùng thì năm 2009, anh có ký hợp đồng thời vụ hai tháng với Hãng phim Việt để chụp ảnh một bộ phim có chủ đề “sông nước”. Đặng Minh Tùng nói rằng, sở dĩ lúc đầu đoàn phim phải “mượn” một tên khác là để “né” những cản trở khách quan có thể xảy ra trong quá trình quay bộ phim dựa theo tác phẩm văn học đã tạo ra quá nhiều dư luận này. Đến khi hoàn thành thì bộ phim mới được “trả lại tên cho em” là Cánh đồng bất tận. Theo hợp đồng thì Đặng Minh Tùng phải chụp ảnh hiện trường và giao toàn bộ hình ảnh đoàn phim cho BHD.
Tuy nhiên, khi phim ra mắt, Đặng Minh Tùng mới ngớ người khi những poster quảng bá bộ phim từ trong nước lẫn quốc tế sử dụng hình ảnh anh chụp nhưng lại đề tên của nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan. Tùng thuật lại rằng anh đã liên hệ với Trần Huy Hoan thì được nhiếp ảnh gia đàn anh này chia sẻ, “hoàn toàn thông cảm” với Tùng, nhưng sự việc còn liên quan đến nhà sản xuất…! Khi Đặng Minh Tùng liên hệ với nhà sản xuất BHD thì nhận được câu trả lời “sẽ nghiên cứu lại hợp đồng”. Trước đó, Đặng Minh Tùng cũng phàn nàn việc này với đạo diễn phim Nguyễn Phan Quang Bình và nhận được lời hứa hẹn sẽ giải quyết. Một lần, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình gọi Tùng đến gặp gỡ những người của đoàn làm phim để “đính chính” rằng tất cả hình ảnh là do Đặng Minh Tùng chụp. Tuy nhiên, Đặng Minh Tùng nói anh từ chối cuộc gặp đó vì anh muốn một sự giải thích công khai hơn là “giải quyết nội bộ” với nhau. “Nhiều người cũng hỏi tôi rằng tại sao đến tận bây giờ tôi mới lên tiếng. Từ lúc xảy ra vụ việc tôi luôn chờ câu trả lời từ Hãng phim BHD. Nhưng đến nay vẫn bặt vô âm tín!” – Đặng Minh Tùng bức xúc.
Khi sự việc vỡ lở, trả lời trên một tờ báo, Trần Huy Hoan cho rằng điều quan trọng của việc làm poster phim là tổ chức ý tưởng. Cho nên, người làm poster có quyền lấy ảnh đâu đó để làm poster mà không cần đề tên tác giả. Trần Huy Hoan cho rằng việc Hãng BHD để tên anh là đúng. Bà Ngô Bích Hạnh – Phó giám đốc Hãng BHD cũng trả lời báo chí rằng poster là nơi để “trưng” ra những tên tuổi đủ sức lôi kéo khán giả. Trần Huy Hoan là người tham gia chọn bối cảnh, chụp ảnh bối cảnh, lên ý tưởng thiết kế poster, tư vấn cảnh “nóng” cho phim… nên tên anh được để trên poster là điều hợp lý. Còn những bức ảnh của Đặng Minh Tùng là “thuộc quyền sở hữu” của Hãng BHD.
Liệu những lý lẽ của nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan và phía Hãng BHD có làm thỏa mãn được cảm giác bị "cướp công" của Đặng Minh Tùng? “Nếu nói quyền sở hữu ảnh thuộc về Hãng BHD thì tôi đồng ý, nhưng tôi vẫn còn quyền nhân thân là tác giả của những bức ảnh đó. Tôi cũng tôn trọng anh Trần Huy Hoan là nhiếp ảnh gia nổi tiếng, nhưng nếu anh nói phần poster quan trọng nhất là ý tưởng thì tại sao không để tên anh là người thiết kế hình ảnh. BHD có thể sử dụng hình ảnh của tôi cho mọi mục đích mà không để tên ai khác thì tôi đâu có phàn nàn gì". Đặng Minh Tùng đã lên tiếng như vậy, với lý giải rằng anh muốn bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, cũng như không muốn vụ việc này tạo nên một tiền lệ xấu.
Nhân Xuyên
Nguồn: Phụ nữ TP.HCM
Tôi theo dõi chuyện này và thấy phía Trần Huy Hoan... sai. Lấy ảnh người khác mà đề tên mình là sai luật bản quyền rành rành. Như vậy là cư xử với nhau không đàng hoàng, không tôn trọng nhau. Cho dù Đặng Minh Tùng là một người trẻ, chân ướt chân ráo đi nữa thì cũng không nên hành xử vậy. Giả dụ, nếu một người khác lấy ảnh Trần Huy Hoan mà để tên mình thì Trần Huy Hoan sẽ phản ứng ra sao? Ngày xưa nhạc sĩ Cung Tiến viết bài Nguyệt Cầm, tuy không phải phổ thơ Huy Cận mà chỉ lấy cảm hứng khi đọc bài thơ đó, ông vẫn để là phỏng thơ Huy Cận. Đó là cách đối đãi giữa những người nghệ sĩ với nhau. Còn nếu Huy Hoan nói quan trọng nhất là ý tưởng thiết kế, vậy ý tưởng đó từ đâu mà có, nếu không phải từ những bức ảnh?
Trong nhiếp ảnh không thiếu những vụ “cầm nhầm”, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Tôi nghĩ vụ việc này nếu không giải quyết thấu đáo sẽ là một tiền lệ không tốt cho các nhiếp ảnh gia hoạt động trong ngành phim ảnh. Tôi đồng ý quan điểm của Đặng Minh Tùng, thà rằng trên poster đó không để tên ai, hoặc để người thiết kế poster là Trần Huy Hoan, còn nếu để tên nhiếp ảnh hay photo thì đó phải là Đặng Minh Tùng, bởi vì những bức ảnh đó là do Tùng chụp chứ không phải của Trần Huy Hoan. |
Ý kiến bạn đọc