Một camera - kể mọi chuyện công sở

Chủ nhật - 17/04/2011 06:33 5.692 0

Cảnh trong Camera công sở - Ảnh do đoàn phim cung cấp

Cảnh trong Camera công sở - Ảnh do đoàn phim cung cấp
Mỗi ngày có hơn ba phút vào buổi trưa và chiều để được cười một chút, thấm thoắt "Camera công sở" - dự án hài kiểu sitcom - đã tròn một năm phát sóng trên VTV.
Một sự thật: công sở là nơi quy tụ mọi tầng lớp cộng đồng với các mối quan hệ phức tạp, phản ánh muôn mặt đời sống hiện thực. Tình huống phim: được ghi lại từ camera đặt bí mật tại máy pha cà phê tự động. Máy pha cà phê là nhân chứng bí mật cho một quá trình liên tục của những câu chuyện xúc động hay vui vẻ, phấn khích hay đau khổ với những khó khăn, mâu thuẫn và những mức độ giao tiếp khác nhau của các nhân viên văn phòng...

Biến cà phê kiểu Pháp thành kiểu Việt

Phiên bản Camera café của Pháp thời điểm năm 2008 đã thành công trên 50 quốc gia, châu Á có Philippines và Trung Quốc. Camera café rất thú vị và dễ hay, nội dung là muôn mặt đời thường và liên tục phát triển theo thời cuộc nên chẳng bao giờ cạn đề tài.

Tuy nhiên khi đối tác phía VN tìm hiểu kỹ, các rào cản bắt đầu xuất hiện: chỉ duy nhất một góc máy - vậy sẽ loại bỏ những yếu tố hấp dẫn của điện ảnh, dễ gây nhàm chán? Bản quyền của Pháp, kịch bản gốc của Pháp, làm sao để người xem thấy mình đang "ngó" vào công sở Việt? Nhất là nhiều tấm gương thất bại của một số dự án sitcom - hài tình huống trên truyền hình còn lưu đó...

Quá trình "Việt hóa" bắt đầu bằng những thay đổi được phía Pháp cho phép. Ðầu tiên dùng tên Camera công sở thay cho Camera café để hướng cộng đồng vào môi trường trọng tâm là công sở.

Bối cảnh câu chuyện được lựa chọn là TP.HCM, nơi hội tụ đủ mọi thành phần và mọi vùng miền. Từng nhân vật cũng được tỉa tót từ cái tên, từng nét tính cách sao cho vừa đáp ứng nguyên bản Pháp, vừa phản ánh đúng đặc trưng của xã hội VN hiện tại. Ba tháng rưỡi để biên tập lại 65 kịch bản ngắn có thời lượng 3,5 phút/tập.

Một tháng rưỡi trước khi bấm máy, những kịch bản đầu tiên được gửi đến ban thư ký biên tập VTV và bị trả về vì không đạt yêu cầu. Nhà sản xuất (Hoàng Hải Âu) và đạo diễn (Trịnh Lê Phong) ngày đêm chia nhau biên tập lại toàn bộ 65 kịch bản đầu tiên chỉ mười ngày trước khi bấm máy...

Chất hài hước bước ra từ... công sở

Camera công sởnăm thứ nhất đang phát sóng lúc 18g42 thứ ba, năm, bảy và chủ nhật trên VTV1 (phát lại lúc 10g50 sáng hôm sau), phần tổng hợp phát lúc 11g50 chủ nhật trên VTV3. Dự kiến phát sóng Camera công sở năm thứ hai trên VTV3 với khung giờ như sau: phát lần đầu lúc 13g từ thứ hai đến thứ sáu, phát lần hai lúc 6g55 hôm sau và tập tổng hợp dự kiến vẫn phát sóng lúc 11g50 chủ nhật trên VTV3.

Ða dạng và tùy thuộc từng thể loại, cách hài hước của Camera công sở là kết hợp tình huống nhỏ có đầu có cuối cộng với thoại. Diễn xuất của diễn viên cũng hơi cường điệu cho phù hợp với tính chất vui nhộn của chương trình và mỗi tập là một bài học nho nhỏ hay đả kích một thói hư tật xấu nào đó trong cuộc sống.

Ðạo diễn Trịnh Lê Phong kể anh và nhà sản xuất thống nhất sẽ không chọn những danh hài đã quá thành danh với lý do khán giả sẽ luôn nghĩ đó là danh hài A, danh hài B mà ít quan tâm đến nhân vật, nhưng yêu cầu những diễn viên của Camera công sở là nói thoại phải rất tốt và rất hoạt.

Thế là Lê Quốc Nam đã vào vai Trần Huỳnh - một trưởng phòng thu mua kiêm chủ tịch công đoàn - lo phần đời sống cho anh em trong công ty nhưng lại là người thích hối lộ, thích gây ảnh hưởng và hơi ngờ nghệch. Trần Huỳnh chơi rất thân với Duy Hoàn - trưởng phòng kinh doanh, một anh chàng luôn ba hoa, hoạt ngôn, hám gái và khôn ngoan.

Anh Tuấn, một diễn viên khá quen thuộc với những vai phản diện (12A và 4H, Những ngọn nến trong đêm, Ma làng...), nhưng giờ ra đường mọi người lại hay nhắc vai Duy Hoàn mà anh đang thể hiện.

Camera công sở còn một số nhân vật đặc biệt như Khánh Thi (Minh Thảo) - nhân viên IT - một cô gái nặng 90kg hay giám đốc Hữu Tài (Bảo Khương), một kẻ bất tài nhưng thích la mắng nhân viên.

Nhiều khách mời nổi tiếng đã được Camera công sở mời đến như MC Diễm Quỳnh, nhạc sĩ Nguyễn Cường, Hồ Hoài Anh, danh hài Quang Thắng, người mẫu Thúy Hằng... Ðạo diễn đã dựa trên những nét cá tính đặc trưng của các nhân vật này để viết kịch bản nên sự có mặt của họ khá tự nhiên và hài hước.

Ðạo diễn Trịnh Lê Phong chia sẻ: "Người nước ngoài cười khác hẳn với chúng ta, sự hài hước của họ cũng khác. Họ có thể nói chuyện phiếm về chính trị, tôn giáo để cười cợt nhưng ta thì không vậy. Hơn nữa khán giả Việt quen xem cái gì đó có một câu chuyện tương đối cụ thể dễ hiểu với kết cấu có đầu, thân và cuối. Ðó chính là sự khác biệt giữa Camera công sở của VN và phần lớn các nước khác".

May mắn khi ngay cả đơn vị bán bản quyền Camera café cho phía VN cũng có những phản hồi rất tích cực.

Sau một năm phát sóng, giám đốc sản xuất Hoàng Hải Âu và đạo diễn Trịnh Lê Phong đã có nhiều kinh nghiệm lớn nhỏ từ việc điều chỉnh ánh sáng trong trường quay, cân chỉnh tiết tấu kịch bản đến điều chỉnh các tuyến nhân vật.

Quan trọng nhất với họ vẫn là phải giữ phong cách hài hước mà chân thực của Camera công sở, phản ánh cuộc sống của dân văn phòng không xa lạ mà vẫn bất ngờ với khán giả qua mỗi tập phim ở năm sau.

Tác giả: Cát Khuê

Nguồn tin: Tuổi Trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây