Bóng bàn dầu khí từng có thành tích tốt ở giải quốc gia. Ảnh: An Nhơn.
Cách đây vài năm, dầu khí trở thành mảnh đất vàng đối với các VĐV bóng chuyền và bóng bàn. Chế độ lương cao, cộng với lời hứa sẽ lo công ăn việc làm sau khi VĐV giã nghiệp thi đấu khiến Dầu khí thu hút rất đông tài năng thể thao về đầu quân.
Chỉ trong một thời gian ngắn, hai đội bóng bàn và bóng chuyền dầu khí đã có vị thế nhất định tại các giải vô địch quốc gia. CLB bóng bàn từng sở hữu nhiều tên tuổi như Đoàn Kiến Quốc, Đào Duy Hoàng, Tô Đức Hoàng... Trong những giải vô địch quốc gia mấy năm qua, CLB này cũng có những thành tích rất tốt. Chính bóng bàn dầu khí là đơn vị đã thử nhiệm mô hình thuê VĐV ngoại, tạo ra xu thế mới cho bóng bàn Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, chủ trương của tập đoàn Dầu khí là giải thể Công ty cổ phần thể thao Dầu khí, chuyển đội bóng bàn cho công ty Đạm Phú Mỹ quản lý và chuyển đội bóng chuyền sát nhập về Hà Nội.
Rắc rối đến với CLB bóng bàn là đã gửi kế hoạch lên Cty mẹ hiện tại là PV Gas nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Phó giám đốc Công ty cổ phần thể thao Dầu khí Trương Thới Nhiệm cho biết hiện gặp nhiều khó khăn liên quan đến những vấn đề về hợp đồng với VĐV. Vì thế nhóm tay vợt của CLB lại chưa thể đi tập huấn chuẩn bị giải toàn quốc.
“Trong khi các đội đều đã có kế hoạch chuẩn bị, thì chúng tôi hoàn toàn bị động. Bóng bàn dầu khí đang tạo nên một thương hiệu riêng tại giải trong nước, đang có nguy cơ không kịp chuẩn bị cho mùa giải mới”, ông Nhiệm nói.
Không chỉ có bóng bàn, bóng chuyền dầu khí cũng gặp khó khăn từ chủ trương giải thể Công ty cổ phần Thể thao Dầu khí, sáp nhập đội về Hà Nội. Trước đó, những tưởng phi vụ xin sáp nhập với đơn vị Hà Nội ổn thỏa từ trước Tết Nguyên đán. Gần như chủ trương đã được thông qua để đôi bên tiến tới sáp nhập. Tuy nhiên, mọi việc lại không hề đơn giản như vậy.
Theo ông Nhiệm, vấn đề khó khăn ở đây chính là cơ chế. Cụ thể, vấn đề lương thưởng chắc chắn sẽ có sự khác nhau sau khi sáp nhập về Hà Nội. Đơn cử, các cầu thủ cùng HLV trưởng dưới sự quản lý của Dầu khí đều được mời về bằng các khoản lương khá cao. Cộng thêm nhiều hứa hẹn khi kết thúc sự nghiệp, họ có cơ hội tiếp tục được làm việc như người của ngành ở các công ty thành viên. Nếu về Hà Nội, thử hỏi đơn vị lấy đâu quỹ lương khủng để chi trả và khi cầu thủ nghỉ thi đấu, ai sẽ giải quyết công việc sau đó.
Mới đây, lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng đã thông báo trong một cuộc họp giao ban rằng việc sáp nhập vẫn chưa thể hoàn tất khi chưa giải quyết mọi sự chồng chéo trên. Trong khi đó, để giải quyết được những vấn đề hiện tại lại vô cùng khó, nếu không nói là “không thể’ với cơ chế của ngành thể thao Hà Nội.
Theo ông Nhiệm, chuyển giao hai đội bóng là hợp lý, giảm chi phí, nhưng trong thời gian chờ hai đội vẫn cần được hoạt động bình thường chứ không phải bị bỏ nổi như trường hợp đội bóng bàn.
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc