Đội bóng chuyền Tập đoàn Dầu khí bị giải thể. Ảnh: T.L. |
Đang tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội để chuẩn bị cho vòng 2 giải bóng chuyền VĐQG, bỗng dưng các cầu thủ bóng chuyền nam Tập đoàn dầu khí nghe tin “sét đánh”, khi nhận quyết định giải thể toàn bộ đội bóng bắt đầu từ ngày 1/7. Việc CLB Tập đoàn dầu khí có nguy cơ giải thể trước đó đã được các VĐV biết qua báo chí và lãnh đạo của mình, nhưng không ai nghĩ nó lại đến nhanh và bất ngờ như vậy. Càng sốc hơn khi quyết định giải thể đội bóng không phải là lựa chọn duy nhất, bởi phía CLB Tập đoàn dầu khí hoàn toàn có thể chuyển giao về Hà Nội, như CLB bóng bàn Dầu khí từng làm trước đó.
Theo lý giải của lãnh đạo ngành dầu khí, việc giải tán CLB là bất khả kháng, tuy nhiên, đằng sau một quyết định quá nhanh và có phần quan liêu đó, là rất nhiều những tình cảnh trớ trêu, đau lòng của những HLV, VĐV, cán bộ, nhân viên…
Trường hợp của cựu tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam, cây chuyền 2 hay nhất trong lịch sử Đặng Thị Hồng, có lẽ là đáng suy ngẫm nhất. Năm 2009, khi Cty CP Thể thao văn hóa Dầu khí với hạt nhân là đội bóng chuyền nam được thành lập, Hồng được ban lãnh đạo công ty mời về đầu quân cho đội bóng.
Còn nhớ hồi đó, Hồng đã được lãnh đạo tập đoàn cam kết sau khi giải nghệ, sẽ được bố trí việc làm phù hợp tại công ty, hay các đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí, có trụ sở tại Hà Nội để ở gần gia đình. Không có đội nữ, Hồng được bố trí làm trợ lý, được công ty ký hợp đồng với hai CLB bóng chuyền khác là Vietsovpetro, CLB Dầu Khí Thái Bình Dương theo dạng hợp đồng cho mượn.
Dù không còn ở thời đỉnh cao, nhưng trong 4 năm “biệt phái”, Hồng đã thi đấu với tất cả sự nhiệt huyết, cống hiến của mình, giúp Vietsov Petro thăng hạng, trước khi đến dìu dắt lứa trẻ ở CLB Dầu Khí Thái Bình Dương.
Tưởng như có một “bến đáp” đẹp cuối đời, âu đó cũng là phần thưởng xứng đáng sau 17 năm gắn bó với bóng chuyền, nhưng đùng một cái, Cty CP thể thao văn hoá Dầu khí và đội bóng chuyền nam giải thể, Hồng cũng bị thanh lý hợp đồng, đẩy ra đường không thương tiếc.
“Trong hợp đồng tôi là nhân viên chính thức vô thời hạn, nhưng vẫn bị thanh lý hợp đồng. Vậy mà họ từng hứa sẽ giúp tôi có một tương lai ổn định…”, Hồng Tâm sự.
Có lẽ, điều mà cây chuyền 2 này cảm thấy đau đớn nhất, chính là cô được đích thân một lãnh đạo cấp cao ngành dầu khí “năn nỉ” mời về. Trong 4 năm đầu quân cho Tập đoàn dầu khí, Hồng chẳng dám sinh con. Đến khi được bố trí công việc văn phòng sau khi không thi đấu, cô mới bắt tay vào kế hoạch có em bé. Giờ đây trong khi bụng mang dạ chửa, cô vẫn không được lãnh đạo ngành dầu khí xem xét sắp xếp việc làm.
“Tôi thật không ngờ lại bị mất việc ở hoàn cảnh này, bụng bầu vậy thì xin việc ở đâu bây giờ?”, Hồng buồn bã nói.
Ngoài Đặng Thị Hồng, còn rất nhiều những VĐV rơi vào cảnh thất nghiệp sau một quyết định vội vã, thiếu trách nhiệm của các lãnh đạo. Trong đó, những cái tên từng là công thần, gắn liền với tên tuổi làng bóng chuyền Việt Nam như Văn Giáp, Duy Quang…
Nếu như Văn Giáp nhận được hứa hẹn từ lãnh đạo tập đoàn rằng sẽ được tạo công ăn việc làm trong ngành sau khi kết thúc sự nghiêp VĐV khiến anh quyết định dứt áo rời CLB Công an Vĩnh Phúc, thì Nguyễn Duy Quang, con trai cựu HLV đội tuyển quốc gia và CLB Tập đoàn dầu khí quốc gia Nguyễn Mạnh Hùng. Sau khi nhận lời mời và hứa của lãnh đạo, đã chia tay Thể Công, xuất ngũ, gia nhập CLB Tập đoàn dầu khí quốc gia.
Tất cả cũng rơi vào tình trạng hụt hẫng và rất bức xúc, bởi những lời lẽ rất đẹp hứa trong các bản hợp đồng, đại loại như: Đảm bảo đầy đủ những điều cam kết trong hợp đồng lao động; Ký lại hợp đồng lao động khi VĐV không còn thi đấu bóng chuyền đỉnh cao; bố trí việc làm cho các VĐV khi hết tuổi thi đấu… giờ tan như bong bóng xà phòng.
Những người trong cuộc từng mong lãnh đạo ngành Dầu khí thể lựa chọn một phương án khác, thay vì quyết định giải thể cả một đội bóng, vốn được xem là mô hình xã hội hóa đẹp của thể thao Việt Nam. Trước đó, tưởng như CLB sẽ được chuyển giao về Hà Nội, như đội bóng bàn dầu khí làm trước đó, nhưng chỉ vì bất đồng về số tiền tài trợ, lãnh đạo tập đoàn đã ra quyết định xóa sổ 1 đội bóng, đẩy những công thần và cả VĐV có bầu ra đường.
4 năm trước, được chiêu mộ về đội bóng chuyền Dầu khí là một cơ hội sáng giá đối với các cầu thủ bóng chuyền trong nước để có mức lương cao và việc làm ổn định sau khi nghỉ đấu. Giờ thì nó là cơn ác mộng đối với những thành viên của đội bóng chuyền nam Dầu khí.
Mai Hương
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc