Năm 2008, đội hình ngôi sao của Olympic Brazil sang Việt Nam tạo nên cơn sốt vé trên sân Mỹ Đình. Lần này, chắc chắn Arsenal cũng sẽ nhận được sự quan tâm lớn của người hâm mộ. Với đội hình “khủng” mang sang Việt Nam, "Pháo thủ London" sẽ tạo nên sức hút lớn với các fan. VFF cho biết các khâu tổ chức đã được lên kế hoạch chi tiết. Phía đối tác cũng đánh giá cao cơ sở vật chất, sân bãi, khách sạn, khâu tiếp đón... của chủ nhà. Tuy nhiên, vấn đề “đau đầu” nhất của VFF trong mỗi lần có đội bóng lớn sang Việt Nam thi đấu, chính là khâu phát hành vé. Trong đó, nạn phe vé khiến VFF và ban tổ chức trận đấu phải bất lực.
|
Các phe vé sẽ hoạt động mạnh khi vé được bán trực tiếp ở sân Mỹ Đình từ ngày mai (7/7). Ảnh: Hoàng Hà. |
Phe vé trong bóng đá không phải là điều xa lạ. Tuy nhiên, phe vé ở bóng đá Việt Nam lại có đặc thù, khi có thể thao túng thị trường giá vé trong những trận cầu “hot” như Arsnal. Trong ngày đầu tiên VFF trả vé qua đường công văn, cuối giờ chiều phe vé đã xuất hiện nhan nhản trên sân Hàng Đẫy và Mỹ Đình. Điều này cũng có nghĩa, số lượng lớn vé đã được tuồn ra ngoài theo đường công văn, thay vì các đơn vị phân phối cho nhân viên của mình. Đã có ý kiến cho rằng, vì sao VFF không đóng dấu tên các đơn vị đặt mua lên số vé được duyệt. Chỉ cần phát hiện vé đó được bán ra thị trường, sẽ thu lại hoặc có biện pháp xử lý.
Như thừa nhận của một lãnh đạo VFF, Liên đoàn chỉ có nhiệm vụ kiểm tra kỹ các công văn có đúng thủ tục hay không, phân phối vé thế nào cho hợp lý… còn sau khi các đơn vị đặt mua, họ làm gì với số vé được duyệt chẳng ai can thiệp được.
Có lẽ vì thế, tận dụng kẽ hở này, rất nhiều phe vé đã liên kết với các doanh nghiệp, các cơ quan, đoàn thể… để đặt vé số lượng lớn. Thậm chí, trong hai ngày VFF phát vé theo đường công văn, đã xuất hiện những phe vé "nhẵn mặt" trực tiếp đi lấy vé.
Hôm qua, có thông tin VFF bán số lượng vé qua đường công văn lên tới 16.000 vé, tức là hơn con số công bố ban đầu tới 7.000 vé. Giải thích cho sự phụ trội này, một quan chức VFF cho biết đúng là ban đầu ban tổ chức trận đấu chỉ cho phép bán 9.000 vé qua đường công văn. Tuy nhiên, do nhu cầu mua qua đường công văn quá lớn nên VFF buộc phải tăng lượng vé bán thêm khoảng 7.000 vé để phục vụ nhu cầu của người dân. Số vé tăng lên này được lấy từ nguồn dự trữ cho các nhà tài trợ đội tuyển quốc gia, nhà tài trợ trận đấu, các Đại sứ quán...
Cũng trong hôm qua, các phe vé hoạt động công khai ngay trước cổng VFF. Rất nhiều đơn vị sau khi lấy vé được duyệt, bị đội quân phe vé này “quây”, vừa hỏi mua, vừa bán. Các phe sẽ trả tiền chênh lệch khoảng 100-200 nghìn đồng mỗi vé để mua lại vé, còn nếu bán, mức giá thường cao hơn vé gốc khoảng 400-500 nghìn đồng. “Vậy thì đội nắng, đội mưa mà mua nhé. Mấy ngày nữa không còn giá hữu nghị như thế này đâu”, một phe vé nói đổng sau phi vụ giao dịch không thành công.
Phó chủ tịch VFF và cũng là thành viên trong ban tổ chức trận đấu, ông Lê Hùng Dũng thừa nhận khó kiểm soát nổi nạn phe vé bởi đây là điều thường xuyên diễn ra ở những trận đấu lớn, không chỉ ở Việt Nam.
Còn nhớ năm 2008, vé xem trận Việt Nam - Olympic Brazil được phe vé đẩy lên cao gấp 10 lần giá gốc, khoảng 7 triệu đồng một vé nhưng vẫn “cháy”. Ở trận đấu tới, chắc chắn sẽ có những người xếp hàng từ sớm mua được vé gốc, rồi tự biến mình thành phe vé để kiếm lời.
Dù đã lên kế hoạch kỹ lưỡng, công tác phát hành vé đã được dự báo sẽ rất “nóng”. Người hâm mộ Việt Nam chấp nhận không mua được vé vì “không nhanh tay nhanh chân”. Tuy nhiên, tất cả mong muốn vé sẽ được bán công khai, trực tiếp cho người mua, với đúng số lượng mà ban tổ chức thông báo, thay vì rơi vào phe vé.