Giải vô địch thế giới F1 2013 sẽ mở màn với chặng đua đầu tại Melbourne ngày 17/3. Ảnh: Formula1.
Mùa giải F1 2013 chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của Mercedes và tiếp nhận những quy định mới của FIA về hệ thống DRS, trong đó nhiều chuyên gia đánh giá sẽ khiến Red Bull bị mất lợi thế.
Mercedes trở thành đối trọng với Red Bull
Qua 3 kỳ thử nghiệm đầu tiên, Mercedes đang nổi lên thành một ứng cử viên nặng ký cho cuộc đua năm nay.
Mercedes dần mạnh tay cải tổ thay thế hàng loạt nhân sự cũ. Phó Chủ tịch Norbert Haug phải ra đi ngay trước thêm mùa giải mới. Thay vào đó hãng xe nước Đức đưa về Toto Wolff, cựu giám đốc điều hành của Williams, bên cạnh đó Aldo Costa (từng là kỹ sư trưởng tại Ferrari) cùng Geoff Willis (đến từ đội đua HRT) và Bob Bell, Mark Elliot (của Renault) cũng được chiêu mộ cho kế hoạch dài hơi của Mercedes.
Chia tay lão tướng huyền thoại Michael Schumacher, sát cánh với Nico Rosberg ở mùa giải mới sẽ là siêu sao Lewis Hamilton đến từ McLaren. Vị trí Giám đốc điều hành của Ross Brawn đang bị lung lay dữ dội khi Paddy Lowe đã chia tay với McLaren để chuẩn bị tới Mercedes. Sự hòa nhập tốt của các nhân sự mới được thể hiện rõ ở các kỳ thử nghiệm trước mùa giải. Sau sự khởi đầu đen đủi với hàng loạt tình huống may mắn tại Jerez, ở cả 2 kỳ thử nghiệm cuối cùng tại Barcelona, chiếc W04 liên tục giành thành tích tốt nhất. Sự nghi ngờ về khả năng hòa nhập của Hamilton với đội đua mới dần bị đánh tan.
Trong khi các đội đang phải san sẻ sức lực để chuẩn bị cho mùa giải 2014 sẽ có nhiều thay đổi lớn nên các mẫu thiết kế xe dành cho mùa giải 2013 không có nhiều đột phá. Mercedes được cho là đội đua có nhiều ý tưởng thiết kế xuất sắc ở mùa giải 2012, tuy nhiên đôi chút hạn chế ở khâu phát triển khiến đội đua này thất bại. Sự thay đổi nhân sự ở mùa giải năm nay sẽ hứa hẹn đưa Mercedes trở thành đối thủ thực sự với Red Bull.
Dù kết quả tại các kỳ thử nghiệm vẫn chưa nói lên điều gì do khả năng chạy cự ly dài (long run) chưa được thể hiện rõ, ngoài ra các nhà chuyên môn đều không biết được các thông số về mức nhiên liệu sử dụng của các đội đua nhưng xem ra Mercedes đang đi đúng hướng trong con đường cải tổ của mình.
FIA hạn chế việc sử dụng cơ cấu cánh gió hỗ trợ tăng tốc (DRS)
Khi được Liên đoàn đua xe thế giới (FIA) cho phép ứng dụng rộng rãi từ năm 2011, DRS (cơ cấu khí động học nằm trên cánh sau được thiết kế nhằm giảm lực cản và nâng trần vận tốc trên đoạn đường thẳng) được sử dụng thoải mái tại các buổi chạy thử lẫn vòng đua phân hạng. Năm nay, việc sử dụng DRS được thắt chặt và hệ thống này chỉ được sử dụng tại một số cung đường nhất định đã được FIA công bố cho từng đường đua.
Đối với những nhà sản xuất mạnh về khí động học như Red Bull, điều này sẽ ảnh hưởng lớn tới chiến thuật của họ. Ở các mùa giải trước, Red Bull thường cài đặt xe nhằm tạo được mức lực nén cao để có tốc độ tốt trên các khúc cua.
Việc đó giúp họ thường có kết quả phân hạng tốt. Sang đến cuộc đua chính thức, chiến thuật của các tay đua là cố gắng giữ khoảng cách với đối thủ phía sau luôn ở mức hơn 1 giây để tránh bất lợi do đối phương dùng DRS. Các thông số ở mùa giải trước cho thấy, chiếc RB8 của Red Bull luôn có vận tốc trên đoạn đường thẳng ở nhóm thấp nhất và họ bù lại bằng cách tăng tốc ở các khúc cua.
Dự báo việc Red Bull áp đảo như các mùa giải trước khó có thể diễn ra năm nay và cuộc đua tranh tới ngôi vô địch sẽ nhiều tính cạnh tranh hơn.
Cơ cấu khí động học Double DRS (DRS kép) bị cấm sử dụng
Mercedes là đội đua đi tiên phong trong thiết kế và áp dụng cơ cấu khí động học độc đáo này với việc liên kết được cánh trước với DRS ở cánh sau nhằm giảm sâu lực cản. Ban đầu, Red Bull là một trong những đội đua phản đối kịch liệt nhưng sau đó họ đã nhanh chóng sử dụng ý tưởng của Mercedes hiệu quả trong việc thiết kế lại cánh sau. Nhờ đó đội đua nước Áo có được 4 chiến thắng liên tiếp ở cuối mùa giải và đưa Sebastian Vettel giành ngôi vô địch ngoạn mục trước Alonso (Ferrari).
Việc cấm sử dụng Double DRS rõ ràng là sẽ khiến Red Bull bị tổn thương hơn cả. Lường trước điều này, đội đua nước Áo đang cố gắng nghiên cứu cơ cấu DRS bị động (Passive DRS) cho mùa giải năm nay. Theo đó, Red Bull thiết kế các sườn ngang ở cánh sau thấp hơn thông thường để DRS tự kích hoạt khi xe đi qua vùng không khí có áp lực thấp (lúc xe có tốc độ thấp ở các góc cua).
Về nguyên lý khi xe ở mức tốc độ nào đó, DRS sẽ tự kích hoạt để tăng tốc, nhưng sau khi tăng tốc thì DRS sẽ trở lại trạng thái ban đầu, điều này khiến xe bị giảm hiệu suất phần nào so với khi sử dụng DRS chủ động. Việc thay đổi hệ thống DRS sẽ ảnh hưởng tới sức mạnh của chiếc RB9 trong mùa giải năm nay.
Minh Phương
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc