Bóng đá chuyên nghiệp học theo phong trào
Các sân vận động Hà Nôi hiện nay vẫn chưa thu hút được khán giả có lẽ chỉ là vì những nhà tổ chức chưa biết cách 'gãi trúng chỗ ngứa' của người hâm mộ.
|
Khán giả tới sân đông nghịt cổ vũ cho giải bóng đá phong trào Larue Cup ở Hà Nội. Ảnh: QN. |
Tháng 5 này, người chơi bóng đá phong trào Hà Nội được trải qua ngày hội thực sự với Hà Nội Premier League (HPL) và Larue Cup 2013 khu vực Hà Nội. Rất nhiều đội bóng phong trào tên tuổi của Hà Nội đã ghi tên tham dự cả hai giải đấu này và họ đều khẳng định được thương hiệu của mình bằng những màn trình diễn mãn nhãn.
HPL được tổ chức theo hình thức “League”, tức là 12 đội bóng dự giải thi đấu vòng tròn hai lượt để tính điểm xếp hạng. Trong khi đó, Larue Cup 2013 khu vực Hà Nội lại được tổ chức theo thể thức loại trực tiếp kiểu đá Cup trong 4 ngày nên đội bóng nào mắc sai lầm sẽ không có cơ hội sửa chữa.
Khác nhau về cách thức thi đấu như thế nhưng cả HPL và Larue Cup 2013 đều rất được giới hâm mộ bóng đá phong trào quan tâm, bằng chứng là ở các địa điểm thi đấu của hai giải bóng đá này luôn có rất đông khán giả tới xem và cổ vũ.
Hầu hết CĐV tới sân xem HPL và Larue Cup 2013 đều là người chơi bóng đá phong trào hoặc có đam mê với bóng đá phong trào, nên họ thuộc vanh vách tên tuổi cũng như sở trường sở đoản của các cầu thủ “ngôi sao” trên sân cỏ phong trào.
Chẳng hạn ở trận chung kết Larue Cup 2013 giữa Tecotec An Dương và Top Group diễn ra tại nhà thi đấu Quần Ngựa vào cuối tuần qua, rất nhiều khán giả ngồi theo dõi trên khán đài nắm rõ từng thông tin chi tiết về những cầu thủ trụ cột của cả hai đội. Thậm chí, khi Tecotec An Dương và Top Group chuẩn bị phân định thắng thua bằng loạt đá luân lưu 6m, có khán giả còn đoán được Top Group sẽ sử dụng thủ môn nào.
Tương tự, ở sân thi đấu của HPL, khán giả có mặt theo dõi đông nghịt, bất chấp việc các vòng đấu của HPL luôn diễn ra vào chiều cuối tuần, cũng là thời điểm sân cỏ cả nước sôi động với các trận đấu của V-League. Tuy nhiên, ban tổ chức HPL xem ra không mấy quan tâm với sự “đụng hàng” này, bởi theo họ mỗi giải đấu đều có đối tượng khán giả khác nhau. Thực tế là suốt thời gian vừa qua, chưa có trận đấu nào của HPL lại vắng bóng khán giả, trong khi sân Hàng Đẫy kể từ đầu mùa chỉ gần kín chỗ ngồi ở trận Hà Nội T&T - SLNA, còn lại lúc nào cũng trong tình trạng khán đài trống hoác.
Từ trường hợp của HPL hay Larue Cup, có thể thấy người hâm mộ chưa lúc nào giảm bớt nhiệt huyết với bóng đá. Bởi cứ nhìn số lượng các đội bóng phong trào đăng ký tham dự HPL hay Larue Cup là đủ hiểu cộng đồng bóng đá “phủi” ở Hà Nội đông đảo tới mức độ nào và mỗi một cầu thủ phong trào như thế luôn sẽ lôi kéo được ít nhất thêm 3-4 CĐV nữa là người thân hoặc bạn bè của mình tới sân theo dõi.
Vì thế, việc bóng đá chuyên nghiệp hiện nay vẫn chưa thu hút được khán giả có lẽ chỉ là vì những nhà tổ chức chưa biết cách “gãi trúng chỗ ngứa” của người hâm mộ mà thôi. Thực sự là một nghịch lý khi bóng đá chuyên nghiệp lại phải học theo phương pháp tổ chức của bóng đá phong trào, nhưng rõ ràng những gì đã và đang diễn ra với HPL hay Larue Cup là bài học đáng để những người làm bóng đá phải suy nghĩ một cách nghiêm túc.