Đơn yêu cầu của Microsoft, Intel và Oracle được gửi tới Obama dưới tư cách là đại diện của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA). Tổ chức này cho rằng mặc dù các mẫu iPhone 4, iPhone 3GS, iPad 3G và iPad 2 3G do AT&T phân phối vi phạm bằng sáng chế tiêu chuẩn ngành công nghiệp của Samsung nhưng tổng thống Mỹ không nên chấp thuận lệnh cấm bán từ phía Văn phòng Thương mại Quốc tế (ITC), trừ khi có lý do đặc biệt.
Trong khi đó, các nhà mạng lớn ở Mỹ như Verizon Wireless hay AT&T cũng đã liên hệ tới văn phòng Đại diện Thương mại của nước này để yêu cầu lật ngược phán quyết từ ITC. Đây là cơ quan thuộc văn phòng điều hành của tổng thống Mỹ và có quyền thay mặt Obama phủ quyết bất kỳ lệnh cấm bán nào từ ITC. Tuy nhiên, Betanews cho biết trong 26 năm qua, chính phủ Mỹ chưa từng bác bỏ quyết định của ITC lần nào.
Các mẫu iPhone 4 và iPad 2 có nguy cơ bị cấm bán tại thị trường Mỹ. Ảnh: Cultofmac. |
Những sản phẩm như iPhone 4, iPad 2 hiện vẫn bán chạy tại Mỹ nhờ giá thấp hơn trước. Thống kê của hãng Consumer Intelligence Research Partners cho thấy trong suốt ba tháng 4,5,6 vừa qua, iPhone 4 vẫn chiếm tới 18% doanh số của Apple ở quê nhà. Điều này đồng nghĩa với việc nếu phán quyết của ITC được thông qua, công ty sẽ bị mất không ít lợi nhuận cũng như thị phần.
Cuối tháng 6 năm nay, sau khi thất bại trong vụ kiện với Samsung trước ITC, Apple buộc phải gửi thư khẩn cầu tổng thống Mỹ can thiệp với lời giải thích rằng mình đã cố đưa ra mức phí sử dụng bằng sáng chế hợp lý nhất nhưng không được Samsung chấp thuận.
Không kém cạnh đối thủ, Samsung đã gửi ngay đơn giải trình với Obama rằng Apple mới là hãng không chịu nộp phí sử dụng phát minh theo luật FRAND. Công ty này khẳng định các mẫu smartphone, máy tính bảng có trong "danh sách đen" chỉ chiếm số thị phần rất nhỏ nên dù Apple có bị cấm bán thì cũng không ảnh hưởng gì. Vì vậy, tốt nhất đối thủ của hãng Hàn Quốc không nên phí công cầu cứu Obama.
Samsung kiện iPhone 3G, 3GS, 4 và iPad 2 do AT&T phân phối vi phạm bằng sáng chế tiêu chuẩn 3G của mình từ 4/8 năm ngoái. Đầu tháng 6 năm nay, ITC đã chấp thuận đơn yêu cầu cấm nhập khẩu những sản phẩm này vào thị trường Mỹ.
Liên Minh Phần Mềm Doanh Nghiệp (BSA) là một hiệp hội thương mại phi lợi nhuận, được thành lập để thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu của ngành công nghiệp phần mềm và của các đối tác phần cứng của hiệp hội. Đó là tổ chức đầu tiên chú trọng tới sự phát triển của một thế giới kỹ thuật số an toàn và hợp pháp. BSA có trụ sở chính đặt tại Washington D.C, và triển khai hoạt động tại hơn 80 quốc gia với đội ngũ nhân viên tận tụy làm việc tại 11 văn phòng khắp toàn cầu: Brussels, London, Munich, Bắc Kinh, Delhi, Jakarta, Kuala Lumpur, Đài Bắc, Tokyo, Singapore và Sao Paulo. (Theo BSA) |
Tác giả: Thanh Tùng
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc