Cổ phiếu của hãng điện thoại Canada đạt mốc 236 USD vào tháng 8/2007. Nhìn lại quá khứ, BlackBerry đã không ngờ rằng đó chính là đỉnh báo hiệu sự bắt đầu đi xuống. Bảy tháng trước đó, Apple giới thiệu iPhone thế hệ đầu tại San Francisco (Mỹ). Ban lãnh đạo của BlackBerry, lúc này vẫn có tên RIM, quyết định để mặc Apple tập trung vào thị trường smartphone dành cho người tiêu dùng, còn họ tiếp tục bán máy theo các hợp đồng lớn với doanh nghiệp và chính phủ (những khách hàng mua điện thoại để cấp cho nhân viên giống như cấp máy tính). Thời điểm đó, điện thoại thông minh vẫn là thiết bị giá cao và phù hợp với doanh nhân, những người bận rộn có nhu cầu kiểm tra e-mail, giải quyết công việc cả khi rời công ty.
BlackBerry là bài học về sự chậm thay đổi. Ảnh: Reuters. |
Sáu năm sau, cổ phiếu của BlackBerry chỉ khoảng trên 10 USD và họ còn không tự quyết định được số phận của mình. Họ đưa ra nhiều lựa chọn và sẵn sàng chấp nhận các phương án khác nhau như liên doanh với một hãng khác, hoặc bán toàn bộ công ty. Cả khi họ đã phát tín hiệu, giới phân tích vẫn nghi ngờ liệu có bên nào chịu bỏ tiền ra mua lại "tàn dư" của một đế chế từng vang bóng một thời. Theo báo New Yorker, điểm lợi nhất khi thâu tóm BlackBerry chính là kho bằng sở hữu trí tuệ, trong đó có các công nghệ bảo mật, giúp cho những công ty như Samsung có thêm lợi thế trong cuộc chiến bản quyền với Apple.
BlackBerry, thành lập năm 1984 bởi hai sinh viên ngành kỹ thuật Mike Lazaridis và Douglas Fregin. Trong nhiều năm, đây là một trong những công ty mang đến những sản phẩm công nghệ sáng tạo và tiên phong như máy nhắn tin 2 chiều, thiết bị e-mail... Họ tạo nên một cơ sở người dùng hùng hậu, nhiều trong số đó được gọi là "tín đồ", "fan cuồng", thậm chí còn có những bài báo về "chứng nghiện BlackBerry".
Nhưng câu chuyện đã rẽ sang hướng hoàn toàn khác trong 6 năm qua. Thứ nhất bởi BlackBerry đã không nhận ra mối nguy lớn đến từ iPhone. Thứ hai, họ đánh giá thấp các đối thủ chuyên sản xuất thiết bị giá rẻ ở châu Á. Cuối cùng, ban lãnh đạo BlackBerry chọn cách dồn toàn bộ sức lực còn lại vào việc xây dựng một dòng smartphone cao cấp mới khi mà mọi thứ đã quá muộn (thị trường smartphone cao cấp bắt đầu bão hòa và nhiều hãng phải chuyển sang phân khúc tầm trung).
BlackBerry tất nhiên không phải công ty duy nhất chịu hậu quả vì "tảng lờ" iPhone, hoặc có nhận ra nhưng lại quá chậm chạp để thay đổi. Một trong những lý do mà các kỹ sư của Nokia thời gian đầu phủ nhận iPhone vì nó không vượt qua được bài kiểm tra thả rơi liên tục từ độ cao 1,5 mét xuống sàn bê tông. Hay Steve Ballmer, Tổng giám đốc của Microsoft, chế nhạo iPhone rằng: "Nó sẽ không thu hút khách hàng doanh nghiệp vì không có bàn phím". BlackBerry, Nokia và Microsoft hiện đều bị coi là "nạn nhân" trong giai đoạn mới của kỷ nguyên di động và thị phần của họ đã giảm mạnh.
Sự đi xuống của BlackBerry bắt đầu ở mức báo động từ năm 2009 khi cổ phiếu giảm xuống dưới mức 50 USD. Từng là biểu tượng của giới doanh nhân thành đạt, BlackBerry cay đắng nhận ra rằng khi khách hàng trở về nhà và tháo chiếc cà vạt cứng ngắc ra khỏi cổ, họ sẽ tìm đến iPhone, nơi có nhiều ứng dụng thú vị để sử dụng và giải trí hơn. Dần dần, họ muốn dùng iPhone trong công việc. BlackBerry tìm cách tiếp cận người tiêu dùng phổ thông và chuyển hướng sang các thị trường mới nổi, nhưng đã muộn dù ở một số nơi như Indonesia, BlackBerry vẫn rất được ưa chuộng.
Các tên tuổi lớn trong làng smartphone như Nokia, BlackBerry, Palm... hiện được thế chỗ bởi Apple, Samsung và thậm chí là những công ty đến từ Trung Quốc như Huawei, ZTE... Chìm trong khó khăn, BlackBerry mua lại QNX Software Systems với hy vọng sẽ làm nên một cuộc lột xác cho hệ điều hành. Nhưng tablet đầu tiên của hãng - PlayBook - chạy nền tảng này sớm thành "bom xịt".
Đầu năm 2012, BlackBerry chỉ định Thorsten Heins vào chức Tổng giám đốc và bắt tay vào phát triển BlackBerry 10. Một năm sau, họ tung ra hai smartphone là Q10 và Z10. Sản phẩm nhận được nhiều lời khen ngợi như đẹp, hiệu quả, nhanh... nhưng trong thế giới mà mọi thứ đã an bài thì một điện thoại đẹp thôi là chưa đủ. Nó chỉ có thể làm nên kỳ tích nếu biết cách tiêu tiền vào quảng cáo như Samsung hay tạo ra một cuộc cách mạng như khi Apple bắt đầu bước chân vào thị trường di động. Trong quý II/2013, BlackBerry chỉ bán được 6,8 triệu máy, bằng 1/5 so với số iPhone được tiêu thụ cùng kỳ.
Sự chậm chạp của BlackBerry và Nokia là hai câu chuyện buồn của làng di động vì đây là những công ty được nhiều người dùng yêu mến. Nokia đang tiến những bước chậm nhưng ổn định trên đường tìm lại ánh hào quang sau khi bắt tay với Microsoft cũng như không ngừng sáng tạo (như công nghệ camera đột phá PureView). Còn BlackBerry đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan khi vẫn chưa biết liệu bên nào sẽ mua hay bắt tay hợp tác với họ.
Châu An
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc