Vì thế, để làm tròn bổn phận và thiên chức đó không phải là điều đơn giản trong một sớm một chiều. Bởi trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, người làm thơ nói riêng điều tối kỵ nhất là sự hời hợt, cẩu thả. Bên cạnh tài năng thiên phú, niềm đam mê thì cần phải có cái tâm lẫn ý thức trách nhiệm của người cầm bút. Võ Tấn Cường là một thi sĩ đúng nghĩa, anh sống và cống hiến hết mình với thi ca mà ở đó không có mùi của danh lợi, tiền tài. Ở đó không có sự đua chen, ganh ghét, hiềm khích và những tanh tưởi đu bám… Nơi đó chỉ có chỗ cho thiên lương, cho những khát khao sáng tạo nghệ thuật, là tiếng nói chân thành và thống thiết nhất từ con tim nhà thơ. Chính điều này tạo nên nét phong cách, bản chất sáng tạo riêng mang đậm dấu ấn cá nhân; khẳng định cá tính sáng tạo và lý tưởng thẩm mỹ của Võ Tấn Cường.
Thơ Võ Tấn Cường luôn hướng đến cái đẹp, cái cao cả, thiên lương dù đôi lúc đó chỉ là sự mộng tưởng, là niềm mơ ước ở tương lai “ảo mờ”, xa tít. Do đó, anh thường tìm đến những ảo mộng, ước mơ. Hành trình lao động và sáng tạo nghệ thuật của Võ Tấn Cường đã phần nào minh chứng cho điều vừa nói ở trên.
Võ Tấn Cường là người cần mẫn, nỗ lực, luôn có ý thức tìm tòi để làm mới cảm xúc và sự thể hiện trong thơ. Với anh, mỗi sự vận động của thiên nhiên, cây cỏ, con người… đều tạo cho anh những cảm xúc, liên tưởng để anh sáng tạo. Nhà thơ cho rằng, đó không chỉ là thiên chức mà còn là nghĩa vụ và trách nhiệm của người thi sĩ. Vì thế, mọi thứ anh thấy, mọi việc anh chứng kiến, và cả những điều trong dự cảm đều là mạch nguồn sáng tạo thôi thúc anh phải cất lên tiếng nói thông qua thơ. Tiếng nói ấy, xuất phát từ tâm cảm, chiêm nghiệm, suy tư về con người và cuộc đời trong cái nhìn của một con người đa cảm. Ở đâu, lúc nào, bao giờ hễ bắt gặp hình ảnh nào đó cũng đều để lại trong anh những cảm xúc khó phai. Nhà thơ đắm chìm trong không – thời gian thực – ảo với lời thơ da diết, nghẹn ngào…
– “Chiều đi qua lò thiêu/ Ngước nhìn đám khói đen kịt hình quái vật/ Nhớ Chế Lan Viên/ Ông đi đến lò thiêu bằng nụ cười bình thản/ Bỏ lại bên đường dấu chân thầm lặng/ Bỏ lại câu thơ tứa máu hoàng hôn…” (Qua lò thiêu nhớ Chế Lan Viên).
– “Đêm không trăng không sao không túi thơ bầu rượu/ Tôi gặp Nguyễn Du thức dậy sau giấc ngủ gần 200 năm/ chậm bước dạo bến Ninh Kiều/ Chiếc áo nâu Người mặc sũng nước mắt của chúng sinh lầm than lạc lối/ Chiếc túi thơ Người mang đựng đầy gió bụi lấm láp vị mặn muối đời/ Những nàng Kiều như những bóng ma trơi mời gọi cơn đói khát ái tình…” (Gặp Nguyễn Du ở bến Ninh Kiều).
– “Đêm hoang. Tôi hóa trăng bập bềnh sông Tiền miên man trôi phà Rạch Miễu. T ơi! Hồn anh trôi nổi cõi nào? Tôi nhớ đêm trăng chuyến phà say thơ say hồn say tình trôi nổi. Anh ném tập thơ vào mộ sóng thủy táng nỗi đau chìm nổi kiếp người. T ơi! Bao phận Kiều Nguyệt Nga nổi trôi chờ Lục Vân tiên cứu rỗi? Tôi gọi tên anh gọi Lục Vân Tiên thời đại. Sóng thì thầm khúc nổi trôi muôn thuở. Lục bình dập dềnh cõi tím mong chờ hoang lạnh dòng sông. Cái đẹp hồn hoa cứu rỗi những linh hồn trôi nổi? …” (Khúc nổi trôi phà Rạch Miễu).
Giọng chủ đạo trong thơ Võ Tấn Cường là giọng điệu tâm tình, thủ thỉ, suy tưởng, triết lý; thể hiện rõ nét nỗi cô đơn, hoang hoải, hoài nghi trong cuộc sống và cả trong tình yêu. “Lửa sự thật thiêu rụi hình nộm rơm ái tình/ Cánh đồng cuối mùa yêu hiu hắt cơn gió si mê nhạt nhòa bóng nghĩa tình/ Tôi gom tro bụi đổ hài cốt hình nuộm rơm ái tình trôi mênh mang dòng sông quên lãng/ Dọn sạch cõi nhớ/ Khô hạn cánh đồng yêu/ Tôi hóa xơ xác hình nuộm rơm cô độc ngóng bóng chiều.” (Hình nộm rơm ái tình).
Bằng vốn sống, sự hiểu biết anh tự thức sâu sắc thời đại mà anh đang sống, thời đại mà trong suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ xem thơ là món ăn tinh thần vô bổ và phù phiếm. Họ chạy theo và thỏa mãn những dục vọng đời thường, tranh quyền, đoạt lợi, hơn thua, ganh ghét đố kỵ, toan tính lẫn nhau. Cuộc đời họ là những thực dụng, tầm thường, trần trụi nên ngay cả giấc mơ của họ cũng tầm thường như thế! Trong mắt của những người sống vì lợi danh, thơ ca là phù phiếm nhưng với cá nhân Võ Tấn Cường thì sự phù phiếm ấy cũng có giá trị của nó. Giá trị đó, đôi khi bạc tiền, quyền cao chức trọng không thể đổi được.
Trong bài: “Đồng xu và trái tim”, bằng cách nói ám gợi, nhân vật trữ tình “tôi” bày tỏ thái độ, bản chất, quan điểm, lập trường của chính mình trước những ma lực, cám dỗ, sức mạnh của đồng tiền và trước ranh giới mong manh của tình người. “Người muốn ban cho tôi tình thương/ như bố thí đồng xu rỉ sét và cáu bẩn/ Nửa đồng xu óng ánh vẻ băng giá rợn mặt người/ Nửa đồng xu tỏa hơi ấm nóng trái tim đắm đuối/ Đồng xu rơi/ Giật thót hồn trẻ thơ ngủ vùi chiếc nôi phù thủy…/ Tôi đem tuyết trinh hồn tôi chơi canh bạc đời mình/ Yếu mềm trái tim chống chọi sấp ngửa đồng xu sắc lạnh/ Rỉ máu đỏ trộn lẫn máu xanh kim loại/ Người ơi!/ Tôi không phải kẻ ăn mày tình thương/ Xin nhặt trả người đồng xu toan tính/ Dù tuyệt lộ chết khát miền sa mạc tình người/ Tôi vẫn mơ giọt tinh khiết suối nguồn yêu.”
Võ Tấn Cường rất có lý khi cho rằng: “Vũ trụ của nhà thơ quy định và ẩn chứa quyền năng siêu việt sức mạnh tâm linh của nhà thơ đối với ngôn từ và tạo vật. Nhà thơ khai phóng mọi giác quan hòa trộn chúng thành siêu cảm và hòa nhập với thế giới ngôn từ để tạo dựng nên vũ trụ của thi ca. Thi ca thâu tóm và vén mở vũ trụ trong mọi chiều kích, phá vỡ ranh giới vật lý giữa các sự vật để chúng liên kết và giao hòa với nhau bằng trật tự siêu cảm giữa thế giới tâm linh của nhà thơ. Nhà thơ giữ vai trò thiêng liêng và là người kết giao là gạch nối kỳ diệu giữa cõi tâm linh con người và vũ trụ?”.
Sự gắn kết của cấu tứ, của ngôn từ không còn nằm ở vần điệu mà ở mạch suy tưởng của nhà thơ. Để từ đó tạo tiền đề cho nhà thơ mở rộng sự liên tưởng và sáng tạo trước hiện thực cuộc sống hiện đại lắm phức tạp này. Người đàn bà bán ớt (Trong bài thơ cùng tên) không chỉ hiểu ở nghĩa thực mà Võ Tấn Cường còn gợi ra cho người đọc trường liên tưởng khác về số phận, cuộc đời, sự bạc bẽo, đắng cay, trống vắng, lo âu trong mối quan hệ đa chiều của đời sống. “Những đốm lửa cay thiêm thiếp góc chợ chiều/ Những trái ớt đỏ xát rát lời rao ngọt lịm/ Người đàn bà bán vị đắng cay/ Ướp nhạt nhẽo hồn người phố chợ/ Những trái ớt cháy lên đốm lửa khát khao/ Ai mặc cả sức nóng ngọn lửa?/ Ai bán mua đắng cay đời người?”.
Võ Tấn Cường là nhà thơ có sở trường trong việc sử dụng ngôn ngữ thơ mang tính lạ hóa, siêu thực, huyền ảo. Với ngôn ngữ ấy cùng hình thức thể loại thơ tự do đã mở rộng biên độ phản ánh: thể hiện rõ nét thân phận con người cô đơn, nhiều khát vọng bất thành; chiêm nghiệm về tình đời – tình người với bao giềng mối chao đảo… Điều Võ Tấn Cường lưu tâm nhiều vẫn là tiếng nói riêng của anh về người làm thơ nói chung và thân phận những người thi sĩ như anh trên hành trình sáng tạo thi ca: “ngụp lặn”, “lăn lóc”, đầy hoài nghi, lắm trăn trở, nhiều suy tư. Anh sâu sắc nhận ra rằng: “Điều trớ trêu là thi ca có thể nuôi dưỡng, làm phong phú tâm hồn nhưng lại không thể nuôi sống được thân xác con người. Giống như tình yêu có thể nuôi sống linh hồn nhưng lại thường gây đau đớn cho thể xác. Thi ca bất lực trước cái chết nhưng lại có thể xoa dịu nỗi đau của con người trước sự ngắn ngủi, mong manh của kiếp người. Thi ca tồn tại trong sự phù phiếm của chính nó trong mối tương quan với sự vật và cuộc sống…”.
Bằng sở trường và sự linh hoạt trong việc xâu chuỗi các hình ảnh, biểu tượng, Võ Tấn Cường đã tìm cách đẩy những sáng tạo của mình chạm tới cội nguồn, chiều sâu văn hóa. “Tôi bị bỏ rơi hang tiền sử/ Vách đá rêu phong vọng kiếp lặng câm/ Tôi bỏ rơi cõi trần thế/ Ngủ miên man giun dế thì thầm/ Tôi soi gương mặt đá/ Tâm linh hồn sương móc/ Tiếng khóc sơ sinh thanh lọc hình hài/ Tôi đi bằng bốn chân/ Con đường hun hút vực sâu âm âm cõi đá/ Bám chặt sợi dây leo tiền kiếp/ Tôi rơi cõi hoang vu…” (Hang tiền sử).
Sức dung chứa những hình ảnh vừa quen, vừa lạ, mang sự lấp lánh đầy mê hoặc tạo nên không gian thơ trùng phức, thể hiện một hiện thực đa tầng. Ở đó, nhà thơ thỏa sức bày tỏ những trăn trở, suy tư, nghiệm sinh về con người và cuộc đời.
Bài thơ: “Chân dung tôi ở bào tàng”, nhà thơ thổi vào người đọc cảm giác bồng bềnh trong cõi mộng, vừa thật vừa ảo, biểu hiện tất cả những mặt sáng – tối, hoang vắng, lạnh lùng, đau đớn, u mê, đói khát, thiên thần, quỷ sứ… Võ Tấn Cường tạo dựng khoảng thời gian, không gian đặc biệt mà ở đó phơi trải ra tận cùng một cái tôi tự biểu hiện, tự soi tỏ: “Cưỡi khẩu thần công tôi bay lùi quá khứ/ Rơi thềm rêu cõi hoang tàn tro bụi/ Tôi chiêm ngưỡng chân dung tôi/ treo lơ lửng góc bảo tàng hơn một ngàn năm sau…/ Chân dung tôi nửa thiên thần nửa quỷ sứ/ Chân dung tôi nửa hoang đàng nửa thánh thiện/ Chân dung tôi nửa bóng tối nửa ánh sáng ban mai/ Chân dung tôi úp mặt góc tối tưởng niệm bóng tương lai/ Úp mặt cõi chết mơ hồi sinh ốc đảo tình hoang vắng/ Chân dung tôi chối từ bóng tôi/ Chân dung tôi ngoảnh mặt lạnh lùng/ Ngỡ ngàng tôi chối bỏ chính tôi/ Tôi lạc lõng miền hư vô/ Tôi mò mẫm tìm những mảnh vụn thịt da/ và linh hồn lả tả bay khắp chốn…”
Điều đáng trân trọng là thi sĩ Võ Tấn Cường đã tìm cho mình hướng đi riêng với một cái tôi cá tính đầy tự tin, đa chiều kích. Đôi lúc phiêu bồng, suy tưởng nhưng lại rất thật và có cơ sở từ thực tại. Hình như anh không cho phép chính bản thân anh ngơi nghỉ mà phải tận hiến, phải sáng tạo vì đã “lỡ” làm kiếp thi nhân. “Tôi viết câu thơ trên màn hình trắng/ như viết tên mình trên cát…/ Viết như sinh ra từ bào thai trắng/ Viết như tự sát bằng thuốc độc thời gian/ Viết như hoài thai sinh linh con chữ/ Viết như yêu em bằng tình yêu câm lặng/ Viết liều thần dược trị nỗi cô đơn/ Câu thơ hóa thân pha lê trắng.” (Viết trên cát).
Có thể mơ hồ, có thể vô nghĩa lý nhưng với Võ Tấn Cường đã mang trên mình thiên chức “thi sĩ” thì phải sáng tạo, phải có ý thức tạo nên cho mình cái riêng, cái khác biệt. Làm được điều này không phải đơn giản mà cần phải hi sinh và chịu thiệt thòi trên một phương diện khía cạnh nào đó của cá nhân… Nhưng Võ Tấn Cường xem đó lại là sự “giải tỏa”, là mục tiêu, là niềm hạnh phúc của anh với chữ nghĩa. Trên từng con chữ đang nhảy múa cũng là sự dung chứa bao điều của cuộc sống phồn tạp này.
Thơ Võ Tấn Cường là loại thơ kén người đọc, bởi đằng sau lớp ngôn từ, hình ảnh, tứ thơ… buộc người đọc phải giải mã, bóc tách, liên tưởng… thì mới có thể hiểu được thông điệp mà nhà thơ gửi gắm. Vì thế, thơ Võ Tấn Cường dày đặc các ẩn dụ, hình ảnh, biểu tượng… Đó chính là cách để nhà thơ dịch biến con chữ, mở ra chiều kích và sự liên tưởng đến vô cùng. Đặc biệt, tất cả đều đều hướng về cái đẹp, về mối quan hệ giữa thơ với đời sống thông qua hình tượng cái tôi trữ tình cụ thể.
Thơ Võ Tấn Cường thường tạo nên một khoảng thời gian, không gian một cách lạ lùng, huyền diệu và đầy bí ẩn, bảng lảng khói sương, đậm màu huyền nhiệm. Thông qua biểu tượng giấc mơ hoang với cây sáo huyền nhiệm để nhân vật trữ tình tôi “băng qua giá băng cơn mê dại ái tình” với những ham muốn tột bậc từ cõi vô thức nhằm thỏa mãn cơn khát tình yêu, giải tỏa những ẩn ức, khát khao, dồn nén mà bấy lâu nhân vật “tôi” chưa có dịp tỏ bày.
“Giấc mơ hoang/ Cây sáo tình rơi đáy vực hư vô/ Tôi tự róc thịt mình lấy ống xương thổi sáo/ Linh hồn tái sinh ống sáo bay lảnh lót vườn xanh/ Gọi tình lưu lạc chốn mê quay về bến cũ/ Gọi bóng trăng tỉnh thức cơn mộng du đáy sóng/ Gọi đóa phù dung xòe cánh/ mơ ấm màn sương lạnh lẽo mùa đông…”. Ở đó, có sự đan xen giữa thực – ảo, rất lãng mạn, mang đậm yếu tố tâm linh, gợi mở những điều sâu kín của chính mình.
Thơ Võ Tấn Cường mang thân phận của con người cô đơn, con người tồn tại trong nhiều mối quan hệ của xã hội hiện đại nhưng trong tâm thế bất an bởi những điều bất ổn, thậm chí phi lý. “Những gương mặt thơ ngây khao khát sự sống/ Những gương mặt hoan lạc pha lẫn nỗi kinh hoàng/ Gương mặt cô gái bán hoa: hoan lạc và đau đớn/ Gương mặt chàng trai nghiện ma túy: phảng phất khói sương phiêu diêu/ Gương mặt nhà sư: thánh thiện pha lẫn dâm dục/ Gương mặt luật sư: hằn nỗi oan khiên/ bao kiếp người cần lao khốn khổ/ Gương mặt kẻ buôn bán thánh thần:/ nhe nanh thú dữ giữa nụ cười trẻ thơ…” (Cửa sinh tử).
Dõi theo hành trình sáng tạo nghệ thuật của Võ Tấn Cường, chúng ta dễ nhận ra anh có nguồn năng lượng sáng tạo rất lớn cộng với niềm đam mê mãnh liệt và nhất là sự can đảm vượt thoát qua mọi rào cản, quy tắc để hướng đến điều nhân văn, nhân ái hơn…
Hiện thực cuộc sống hiện đại bề bộn, ngổn ngang bao điều được – mất, phải – trái, đúng – sai, thiện lương – ác quỷ… Võ Tấn Cường đã làm cuộc hành trình để chỉ ra và lý giải về sự hiện hữu, truy vấn một cách rốt ráo bởi nhà thơ muốn giải tỏa những ẩn ức, ứ nghẹn trong lòng. Có lúc, nhân vật trữ tình tìm đến giấc mơ, để từ giấc mơ mở ra nhiều những điều ảo diệu khác với những hoài nghi bằng hàng hoạt những câu hỏi tu từ.
– “Tôi soi gương sông Hậu gặp gương mặt người tình cũ/ Mơ lau lách ru sương nhiệm màu/ Tóc ai bay rối bời bời miền ảo ảnh// Ai đợi ai ở bến sông chờ?/ Tôi mơ gối đầu sóng nước sông Hậu/ Ngủ miên man giấc ngủ thiên thần”. (Đêm sông Hậu).
– “Phía cửa sổ tầng 9 anh dõi tìm vầng trăng nhợt nhạt/ Bên kia đường những bức tượng ngủ đứng/ mơ mái nhà bình yên ấm áp/ Phía nhà sách đường Nguyễn Huệ/ Những cuốn sách bụi bặm ngủ vùi trên kệ sách/ Người đàn ông bán kính ngoẹo đầu trên những chiếc kính tối tăm ảo giác/ Mơ giấc mơ còm cõi kiếp mưu sinh?/ Làm sao ta nhận ra nhau?/ Làm sao anh tìm được em?/ Anh chui vào chiếc hộp bê – tông/ Trốn vào thế giới ảo” (Giấc mơ trong hộp bê – tông).
Tuy nhiên, không phải lúc nào nhà thơ cũng có cảm giác được “giải tỏa”, đôi khi anh cũng cảm thấy bức bách vì những thứ bất cập, những điều trái tai gai mắt, những ngang trái, bất công vẫn cứ mặc nhiên tồn tại. Hình ảnh những đứa trẻ ở đảo Nam Du phải gồng mình với bão tố để đi giăng lưới, cắm câu làm người đọc không khỏi xốn xang. Tuổi thơ và những quyền cơ bản nhất của trẻ đã bị đánh cắp. Buồn đến nao lòng. “Những con chữ ngủ yên trong phận bạc giấy trắng/ Những chiếc lưỡi câu cong dấu hỏi?/ Tuổi thơ em về đâu?/ Sóng gió đưa em về đâu? Em câu bóng mây hay câu chiếc bóng của mình?” (Những đứa trẻ ở đảo Nam Du). Những câu hỏi tu từ không cần có câu trả lời nghe nhức nhối và buốt rát tâm can.
Bản chất nghệ sĩ, sự nhạy cảm và ý thức trách nhiệm công dân Võ Tấn Cường luôn đau nỗi đau của sự tha hóa đạo đức, mặt trái của thời công nghệ số, người ta bất chấp đi mọi thứ chỉ vì cái lợi trước mắt, chỉ sống vì tiền và danh lợi… Vì thế, có dịp ngang qua rừng U Minh lòng anh lại đau nhói trước cảnh: “Cánh rừng hấp hối/ lưỡi thần lửa liếm rụi màu xanh/ Tro tàn bay xám vùng ảm đạm/ Những cánh cò rũ chết/ Vành tang trắng chấp chới vòm trời/ Tang lễ hiện hình hư ảo.”
Bao nhiêu câu hỏi đặt ra và cứ vang vọng mãi trong anh: “Ai cứu chồi non khỏi biển lửa?/ Ai cứu nổi bầy ong khỏi cơn say mật?/ Ai cứu vầng trăng khỏi bị nấu sôi đáy nước? Ai cứu bóng râm bị mặt trời nuốt chửng?”. Nhà thơ hỏi trong sự vô vọng kiệt cùng trước hình ảnh cánh rừng giãy chết. Để rồi “tôi” phải tìm về em như tìm về chốn an lành, trinh nguyên nhất: “Tôi tìm cánh rừng trong mái tóc của em/ Tôi tìm cánh rừng nguyên sinh trên ngực em/ Tôi lạc lối và thổn thức…/ Cánh rừng và tôi cùng chết/ Nỗi chết đắng cay và nỗi chết ngọt ngào.”. Một sự trở về rất ý nghĩa và vô cùng độc đáo, bởi có sự đối sánh và liên tưởng không ngờ!
Nạn ô nhiễm môi trường và sự vô ý thức của con người được nhà thơ khéo léo nhắc đến trong bài thơ “Bài ca người móc cống”. Cái hay là Võ Tấn Cường xâu chuỗi đến những ký ức đẹp của tuổi thơ để nói về thực tại hôm nay. Từ thực tại hôm nay nhà thơ lại đi tìm về những giấc mơ xa. Từ cống đen rác rưởi, người thi sĩ ngẫm ngợi về những trắng đen, nhấp nhô ẩn giấu bí mật cặn bã của kiếp người.
Nhà thơ sáng tác phần lớn là thể thơ tự do, với đặc trưng của thể loại này, anh có thể tung tẩy và thỏa sức thể hiện, tạo nên những lớp ngôn ngữ, hình ảnh mang nét riêng để thể hiện cái đa dạng, bộn bề của đời sống chung. Điều này góp phần tích cực vì đã làm thỏa mãn chiều sâu nhận thức, chiều sâu trí tuệ.
“Cửa sinh tử” là một bài thơ văn xuôi khá dài, khá hay và có nhiều nét độc đáo. Có thể nói bài thơ thể hiện rõ nét những nghiệm sinh, triết luận về con người và cõi thế trong sự tương giao của nhiều mối quan hệ, của nhiều đối tượng, con người, sự việc, diễn tiến của đời sống: “Ám ảnh của chàng bác sĩ sản khoa – nhà thơ về cửa sinh tử; Ám ảnh của người giữ nhà xác về cửa tử; Khúc hoan ca của cô gái bán hoa; Ám ảnh của sản phụ về cửa sinh tử; Ám ảnh của người phu đào huyệt về cửa sinh tử; Khúc bi hài của chàng bác sĩ sản khoa – nhà thơ về cửa sinh tử; Khúc bi ca của gã lãng tử về cửa sinh tử; Cơn trở dạ linh hồn của chàng bác sĩ sản khoa – nhà thơ; Bài ca về cửa sinh tử của người mộng du; Đối thoại của chàng bác sĩ sản khoa – nhà thơ với cửa sinh tử…”
Tất cả đều nằm trong một chỉnh thể nhưng với nhiều sắc diện, nhiều hàm nghĩa về thân phận con người ở cửa sinh tử. Nhà thơ rất tinh ý và sắc sảo trong việc biểu đạt, diễn giải, khéo léo để cho từng chủ thể nói lên tiếng nói, suy ngẫm với cái nhìn đa chiều về đời, về người, về những nỗi buồn – vui, ám ảnh giữa sự sống – cái chết… “Mẹ ơi!/ Con sợ bình minh/ Đưa mẹ về miền hư ảo/ Ngày mai không còn mẹ/ Mồ côi căn nhà trống vắng/ Mồ côi chiếc bóng/ Con tìm đâu hơi ấm chỗ mẹ nằm?”. (Mai con đưa mẹ ra đồng).
Hành trình thơ của Võ Tấn Cường từ Cánh thời gian (2000), Gọi xanh (2004), Chân dung thủy ngân (2018), Cửa sinh tử (2019), đến Ru giọt máu (2021) là bằng chứng về những tìm tòi, cách tân, nỗ lực hết mình trong việc làm mới thơ ca đương đại. Tuy nhiên, bên cạnh cái đạt được chắc chắn vẫn còn những thứ đang trong bước thể nghiệm, dò đường. Phải là người có bản lĩnh, có vốn sống, vốn văn hóa, niềm đam mê, sự tận hiến như anh thì mới có thể “can đảm” tìm cho mình một hướng đi riêng mang đậm dấu ấn cá nhân như thế. Võ Tấn Cường thể hiện rõ nét một cái tôi sáng tạo nghiêm túc của một thi sĩ thuần khiết đúng nghĩa, sẵn sàng tận hiến hết mình vì nghệ thuật. Dẫu biết rằng bản chất của sáng tạo là đổi mới, là không đi theo lối mòn của người khác đã đi; nhưng xác lập cho mình lối đi riêng chắc chắn sẽ lắm chông chênh, nhọc nhằn và cả sự cô độc.
Tác giả: Nguyễn Văn Hòa
Ý kiến bạn đọc