Nhà văn Lê Quang Trạng và "Vệt nắng của bụi"

Thứ bảy - 09/04/2022 16:46 1.361 0
Nhà văn trẻ Lê Quang Trạng sinh năm 1996, quê An Giang, đã được trao nhiều giải thưởng văn chương và có các tác phẩm đã xuất bản: Áp tai vào đất (tập thơ), Dòng sông không trôi (tập truyện ngắn), Thủ lĩnh băng vịt đồng (truyện dài thiếu nhi). Anh ít xuất hiện trên mạng xã hội nhưng với văn chương, tác phẩm nào của anh cũng nhận được đánh giá cao và sự yêu mến của bạn viết, bạn đọc.
Nhà văn Lê Quang Trạng
Nhà văn Lê Quang Trạng

Lê Quang Trạng vừa góp mặt vào Giải thưởng Văn học Tuổi 20 lần VII với tập truyện ngắn Vệt nắng của bụi. Trong số các tác phẩm được chọn vào chung khảo, đây là một trong những tác phẩm hiếm hoi viết về phận người miền Tây Nam Bộ. Và đặc biệt đó cũng là cuộc thử sức khám phá và thể hiện những giá trị tầng sâu của văn hóa Óc Eo qua văn chương của Lê Quang Trạng. 

* Phóng viên: Xin chào nhà văn Lê Quang Trạng, chúc mừng tác phẩm Vệt nắng của bụi được chọn vào chung khảo Giải thưởng Văn học Tuổi 20 lần VII! Là một người viết trẻ cũng đã in nhiều tác phẩm, có nhiều giải thưởng văn chương, nhưng vì sao đến thời điểm này anh mới dự thi Văn học Tuổi 20?

- Nhà văn Lê Quang Trạng: Thật ra từ cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI tôi đã có ý định dự thi. Tôi cũng ấp ủ và viết, tuy nhiên có lẽ khi ấy do tuổi đời và tuổi nghề của mình chưa đủ nên bản thảo định gửi thi tôi thấy không ưng lòng. Vậy là tôi cất đi, và đến đợt này mở ra gần như “xây lại” hoàn toàn một bản thảo mới, thì mới mạnh dạn gửi dự thi. Thật ra tôi tự làm khó với chính mình, tôi muốn có một quyển sách tốt nhất có thể, để khi in xong mình không phải tiếc nuối gì sau đó.

* Tập truyện này ra đời vào những ngày "phập phồng trong tâm dịch…” – anh có thể nói rõ hơn về hoàn cảnh và câu chuyện sáng tác tác phẩm lần này? 

- Những ngày phải cách ly vì giãn cách xã hội, tôi có nhiều thời gian ở nhà với con và với trang viết hơn. Đây cũng là thời điểm tôi vô cùng bối rối với những việc xảy đến quanh mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình may mắn khi vẫn thấy được niềm tin trong cơn dịch. Tôi đã viết lại gần như 90% so với bản thảo ban đầu, và thấy mình như được bồi đắp lại!

Quả thật cảm giác vừa viết vừa nghe tiếng còi xe cứu thương thật là khó tả, nhưng nó đã cho tôi một trải nghiệm, một góc nhìn mới về cuộc sống. Vậy nên dẫu những trang văn có buồn, nhưng tôi tin nhân vật của tôi vẫn sẽ vươn lên và hạnh phúc, ít nhất trong những trang viết của tôi những ngày dịch bệnh.

* Vệt nắng của bụi là một trong số ít tác phẩm của người trẻ không viết về nỗi cô đơn, những hoang mang của tuổi trẻ. Sự khác biệt này có phải vì không gian sống khác biệt của tác giả so với những cây bút đô thị, hay vì anh vốn không chọn viết về những chông chênh của tuổi mình?

- Tôi không nghĩ mình bị chi phối nhiều bởi không gian sống, mà tôi coi trọng góc nhìn hơn. Mỗi nhà văn sẽ có một góc nhìn khác nhau. Với tôi, cô đơn hay không vẫn nằm ở nơi mình. Khi tôi vẫn còn viết được, ít nhất tôi không thấy cô đơn vì tôi vẫn còn chữ nghĩa để bầu bạn.

Người trẻ và trang viết của người trẻ có nhiều nỗi cô đơn là điều không tránh khỏi (kể cả tôi đôi lúc cũng vậy mà), nhưng rồi tôi và nhân vật của tôi sẽ ra sao ở cuối và sau trang viết, đó mới là điều tôi quan tâm. Nhiều lúc tôi thấy trang viết của mình buồn quá, nhưng thiết nghĩ sự buồn ấy chỉ là cái cớ để tôi đưa nhân vật mình vươn lên mà thôi.

* Quê nhà có ảnh hưởng đặc biệt thế nào trong những sáng tác của anh?

- Sinh ra và lớn lên ở miền Tây, tôi cảm thấy mình hạnh phúc. Miền đất này có lắm chuyện để viết, mà những câu chuyện ấy đâu chỉ dừng lại ở một không gian, thời gian luôn vận động như sông vậy, thấy muôn đời như thế nhưng thực ra sông vẫn chuyển động không ngừng. Miền Tây đã tạo nên trang viết của tôi, và tôi tin tôi sẽ còn viết nhiều về miền đất này nữa…

Trong Vệt nắng của bụi, tôi đặc biệt ấn tượng với truyện Giấc mộng vàng, với cách khai thác tầng sâu về văn hóa Óc Eo. Anh có thể chia sẻ nhiều hơn về hoàn cảnh sáng tác cũng như những tìm tòi phương thức thể hiện truyện ngắn này?

- Năm 2015, tôi có dịp đi cùng một số anh chị phóng viên vào Óc Eo để tìm những người đào vàng năm xưa. Tôi may mắn được gặp gỡ nhiều nhân vật và được nghe nhiều câu chuyện ly kỳ. Sau này tôi nhiều lần đến Óc Eo, mỗi lần đến tôi lại thu thập thêm một số chuyện và sức hút của những câu chuyện luôn dậy lên trong tôi một sự tò mò thích thú.

Sau này, đọc nhiều sách báo viết về văn hóa Óc Eo, tôi ao ước viết một tác phẩm về nhân vật chuyên nghề làm gốm giả mà có lần tôi đã gặp. Suốt thời gian ấp ủ tôi vẫn chưa thể viết được, cho đến những ngày dịch giả, lật lại những quyển sách về Óc Eo mình sưu tầm, đọc lại và cảm thấy cảm xúc đã chín tới.

Văn hóa những vùng đất (đặc biệt là quê tôi) luôn có một sức hấp dẫn với tôi. Dựa trên nền tảng những điều về tầng văn hóa địa phương tôi viết, và tôi nghĩ rằng đây là một trải nghiệm mới, một hướng viết mới mà mình thử nghiệm…

* Nhiều người cho rằng các tác phẩm văn chương sẽ có nhiều hơn cơ hội tỏa sáng ở các thành phố lớn, nhưng ngược lại, họ lại thiếu chất liệu, vốn sống để có thể viết tốt hơn về thân phận con người nông thôn. Anh nghĩ sao?

- Quả thật không thể phủ nhận các thành phố lớn luôn tạo ra nhiều cơ hội cho người viết dễ dàng tiếp cận sách báo và đời sống văn chương hơn. Tuy nhiên mỗi nhà văn vẫn cần có một khoảng “cô đơn” và độ lắng cần thiết để cho ra đời tác phẩm tốt, nơi ấy không nhất thiết phải là những thành phố lớn.

Tôi nghĩ rằng, với nghề văn, không có gì tốt hơn bằng trải nghiệm và cọ xát thực tế đời sống để có chất liệu. Tuy nhiên ngày nay, người viết có nhiều cơ hội đi, đọc và thậm chí là nghe nhìn trực quan qua nhiều phương tiện vừa đa dạng, vừa phong phú. Tôi tin là một nhà văn mẫn cảm với thân phận con người, có bản lĩnh và nhiệt huyết thì ắt sẽ có cách khai thác được chất liệu, không nhất thiết phải trực tiếp sống lâu dài ở nông thôn thì mới viết tốt về thân phận con người nông thôn. Nhiều nhà văn sống ở nông thôn nhưng vẫn có những trang viết hay về phận người thành thị, và ngược lại cũng có nhà văn sống ở phố nhưng trang viết vẫn mang được hơi thở đời sống và thân phận người dân nông thôn.

* Không chỉ viết văn, Lê Quang Trạng còn làm thơ và đặc biệt, anh viết cho thiếu nhi cũng rất có duyên. Sau Vệt nắng của bụi, anh có nghĩ mình sẽ tiếp tục viết những câu chuyện cho trẻ nhỏ?

- Từ những ngày mới bắt đầu tập tành viết văn – hồi 13 tuổi, tôi đã có những trang viết thủ thỉ với chính mình, ấy là những truyện ngắn thiếu nhi. Sau này mỗi khi viết cho thiếu nhi, tôi luôn thấy như được sống lại khoảng thời thơ ấu, như đang trò truyện với những đứa trẻ từng là mình, và cảm xúc lại xanh lên trong veo đẹp đẽ…

Thời gian qua, bên cạnh những tác phẩm đã xuất bản, tôi vẫn viết đều những trang viết như vậy, như một cách giữ lấy một “đứa trẻ” trong tâm hồn mình. Bây giờ tôi vẫn mê viết cho thiếu nhi và cũng đang ấp ủ một số dự định. Tôi đang sửa bản thảo một truyện dài thiếu nhi, hy vọng sẽ sớm trình làng đến bạn đọc trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn anh Lê Quang Trạng!

Tác giả: Lục Diệp

Nguồn tin: PNO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây