Tiếng lòng của một nhà thơ trẻ trước cuộc sống

Chủ nhật - 03/12/2017 20:57 3.005 0
 "Trong hố cầu thang" đó là những suy tư chiêm nghiệm, tiếng lòng của nhà thơ trẻ với tình yêu, con người, cuộc đời và thời cuộc.
 

 

 
Tiếng lòng của một nhà thơ trẻ trước cuộc sống - ảnh 1

Ngay tên tập sách Trong hố cầu thang và bài thơ cùng tên đã gây ấn tượng, vì nó có sức ám gợi đối với độc giả. Phải chăng đó là nỗi buồn và cô đơn trong hành trình mưu sinh vì sự sống. Nỗi buồn và cô đơn từ thực tế của cuộc sống hiện đại mang đến. Đặng Thiên Sơn cảm nhận sự cô đơn, buồn nhưng không hề bi lụy và tuyệt vọng. Vì rằng giữa cuộc sống bận rộn, lắm lo toan, ồn ào, bao giờ cũng xuất hiện nỗi cô đơn trống vắng trong tâm hồn. Đặc biệt là với những người có tâm hồn nhạy cảm như anh.

Đang đuối giữa tòa nhà/ Lạnh toát/ Hố cầu thang sao hun hút thế này?

Cánh cửa không mở ra/ Cánh cửa đã đóng rồi/ Chuông báo khẩn cấp không hoạt động/ Telephone không hoạt động/ Không có ai đi cùng tôi trong chuyến cabin định mệnh…/ Cái khoang bé nhỏ này/ Ta còn thở được mấy giờ/ Còn mấy giờ để sống/ Còn kịp làm gì không?/ Mấy mươi năm ngoài kia trôi qua vô nghĩa…(Trong hố cầu thang 1).

Đặng Thiên Sơn sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Nghệ An, học Đại học tại Quy Nhơn. Tốt nghiệp ra trường anh từng kinh qua nhiều việc, ở nhiều nơi: dạy học, làm công chức ở Sở Truyền thông Bình Định; sau đó chuyển về Hà Nội làm ở Hiệp Hội Quyền sao chép Việt Nam và hiện tại là Biên tập viên tại Nhà sách Đông Tây.

Bạn bè văn chương biết đến Đặng Thiên Sơn từ khi anh còn ngồi trên ghế giảng đường. Với tập thơ đầu tay Blog thời sinh viên ra mắt công chúng vào năm 2009 (Nhà xuất bản Thanh niên) là bước khởi đầu cho nghiệp cầm bút của anh.

Đặng Thiên Sơn viết trên khá nhiều thể loại. Nhưng theo cá nhân tôi, thơ có lẽ là thế mạnh của anh. Càng về sau, thơ anh càng đằm sâu và đi vào khám phá đời sống nội tâm của con người, phản ánh tinh tế những vấn đề của cuộc sống.

Đọc hết tập thơ Trong hố cầu thang nếu người đọc tinh ý sẽ nhận ra Đặng Thiên Sơn đã rất khéo léo khi đưa yếu tố thời gian và không gian vào sáng tác của mình. Đó là thời gian tâm trạng - thời gian chiêm nghiệm; không gian thế sự - không gian đời tư. Thời gian: buổi sáng, ban mai, ngày mới, buổi trưa, buổi chiều, tối, mùa hạ, mùa thu, mấy mươi năm… được anh nhắc đến nhiều. Thời gian phải chăng là nỗi ám ảnh, sự dằn vặt, trăn trở đối với một con người tha hương như anh. Cùng với thời gian là những không gian như: hố cầu thang, góc phố, ngã tư đèn đỏ, bệnh viện, ga tàu, bến xe… gợi nên bao nỗi niềm của một người luôn mang trong mình những khối mâu thuẫn, nhìn cuộc sống ở nhiều góc, nhiều chiều bằng con mắt của người nghệ sĩ. Do vậy, giọng điệu chủ đạo trong thơ Đặng Thiên Sơn là giọng buồn với nhiều mối lo âu, suy tư và trăn trở. Khi anh ý thức sâu sắc được hạnh phúc và khổ đau, thời gian đi qua tuổi trẻ đã mờ xa và cả những điều tốt - xấu đang hiện hữu quanh mình.

Tiếng nói trong thơ trước hết là tiếng lòng của nhà thơ đồng thời đó cũng là tâm sự của nhiều người. Trước cuộc sống đa diện, đa chiều qua cái nhìn của Đặng Thiên Sơn hiện lên bức tranh đời sống đa dạng với nhiều điều đáng để chúng ta suy ngẫm.

Trò chuyện với ta là một bài thơ hay mà chính anh tự nói với bản thân mình, đó là lời tự căn dặn với lòng mình rằng: hãy sống bằng nhiệt huyết, bằng tình yêu của tuổi trẻ, sống và làm những gì mình thích, mình chọn; đừng bon chen, châm chọc, muộn phiền… Điệp khúc Thôi thì ta muộn phiền làm gì! Vừa là lời nhắc nhớ, vừa là lời tự động viên chính bản thân mình phải có niềm tin, hãy sống và vượt qua mọi thử thách của cuộc sống.
Thơ Đặng Thiên Sơn tự nhiên mà giàu cảm xúc. Trạng thái tình cảm của anh được dồn nén, hun đúc trong những bài thơ gây ấn tượng với người đọc. Giọng thơ trong trẻo, buồn - da thiết là yếu tố tạo nên sự hấp dẫn đối với người đọc. Điều đó cho thấy, anh là người khá tinh tế, nhạy cảm trong cách nhìn nhận, phản ánh miêu tả sự vật hiện tượng đã và đang xảy ra quanh mình.

Từ chuyện “giẫm phải cái đinh” mà gợi ra cho người đọc bao điều. Bài học sâu sắc mà anh nhận ra là: Đúng là lâu rồi tôi chẳng để ý gì đến chuyện đi đứng/ Khi lếch thếch, khi thì ào ào bước thấp bước cao…/ Tôi giẫm phải cái đinh cũng đáng

Phúc nhà vết thương vì cái đinh gây ra cũng lành/ Mẹ dìu tôi về nhà như một đứa trẻ/ Chân mẹ đã run run nhưng mẹ bước đi rất đúng lối./ Cũng may tôi chỉ giẫm phải cái đinh/ Chứ nếu rơi vào hố ga thì chết đuối không chừng.

Tôi gói cái đinh cất đi thật kĩ/ Và thầm cảm ơn nó vì đã giúp mình/ Có được mấy ngày đau chân mà xem lại cách đi đứng cho cẩn thận.

Đó là ý thức của người đã trải qua những gian khó, đã và đang sống ở môi trường đô thị; mà ở đó chứa đựng biết bao hiểm họa có thể xảy ra. Sống ở nơi phố thị anh càng hiểu rõ hơn về phố, cảm nhận được nỗi niềm trắc ẩn với phố. Phố nhộn nhịp đấy, sôi động đấy nhưng người xa quê đến với phố, ngụ cư với phố lại có quá nhiều tâm sự, lo lắng, khắc khoải. Đó không chỉ là nỗi lo cơm áo thường nhật mà còn là những suy tư, bồn chồn, lo lắng; đang ở phố mà lòng canh cánh, trĩu nặng với quê hương.

Nhớ/ Thương/ Hờn giận/ Buồn/ Vui…/ Xếp lớp trong hộp sọ (Đêm).

Anh có cảm giác lo sợ: Về chốn cũ người xưa không còn nữa/ Câu thơ rạc gầy như sợi heo may (Xa xăm).

Đọc thơ Đặng Thiên Sơn là đọc thơ của một người trẻ nhưng người đọc bắt gặp những vấn đề mà anh chuyển tải vào thơ rất tinh tế và sâu sắc. Là người đã từng trải qua nhiều công việc, đi và sống ở nhiều nơi, những nơi anh đã từng đi qua, những gì anh quan sát đều được ghi lại với những cảm xúc chân thành và hồn hậu. Hàng loạt những địa danh được anh nhắc đến: Vinh, Quy Nhơn, Quy Hòa, Khâm Thiên, sông Hồng, Pleiku, Tam Bạc, Hải Phòng… Mỗi địa danh đều gắn với những kỉ niệm mà có lẽ sẽ theo anh suốt cả cuộc đời.

Tập thơ gồm 55 bài, chủ yếu được viết theo thể thơ tự do. Đó cũng chính là thế mạnh riêng để anh bày tỏ tình cảm, cảm xúc tận cùng.

Cái tôi trữ tình trong thơ Đặng Thiên Sơn hiện lên đa dạng, phong phú, nhiều màu sắc nhưng hoàn toàn thống nhất. Đó là cái tôi nhạy cảm, buồn, cô đơn, khắc khoải lo âu trước cuộc sống; cái tôi khát khao được sự đồng cảm, hòa hợp với mọi người; cái tôi nặng lòng với quê hương xứ sở nhưng phải sống cuộc sống tha hương…

Sắc sảo và nhạy bén trong cách nhìn nhận về nhân tình thế thái, Đặng Thiên Sơn càng cay đắng xót xa: Rượu không uống mà say/ Thời của nhiễu nhương/ Cái gì cũng thị trường/ Đến yêu đương cũng đem ra trả giá…/ Người thân ngày càng xa/ Lòng ta ngày càng già// Rách hết rồi còn gì đâu mà chắp vá/ Niềm tin tuyệt đối không còn/ Mọc ra từ miệng người dối trá (Còn gì đâu mà chắp vá).

Thơ anh có chiều sâu, mọi sự việc, hình ảnh, câu chữ mới đọc thoáng qua tưởng chừng như giản đơn, nhưng đọc kỹ, ngẫm ngợi mới phát hiện ra nhiều điều thú vị. Lời thơ nhẹ nhàng theo dòng cảm xúc nhưng tạo nên ấn tượng và lay động hồn người.

Nhiều câu thơ mang đậm chất triết lý đó chính là những trải nghiệm, sự tự đúc kết từ thực tế cuộc sống và từ chính bản thân mình. Chẳng hạn khi đề cập đến niềm vui - nỗi buồn, sự sống - cái chết:

Khi cái chết đến gần người ta không còn thiết gì nữa/ Ngay đến cả nỗi buồn cũng không còn thiết/ Người ta tìm cái chết trên niềm vui/ Cái chết trên niềm vui thì ở tuổi nào vẫn là trọn vẹn (Những người bạn bị bệnh đau gan).

Ta đang sống, giữa thời ta đang sống/ Buồn với vui đôi khi cũng nhập nhằng/ Vừa nhếch môi chưa kịp cười đã mếu/ Trớ trêu đầy đường, đầy phố khắp quê hương (Cuối năm).

Đọc những câu thơ trên người đọc có thể bắt gặp sự đồng điệu về cảm xúc qua những dòng tâm sự đó của anh.

Thơ Đặng Thiên Sơn đậm chất tự sự, mỗi bài thơ như là một câu chuyện mà ở đó anh đã mã hóa bao điều. Chiều nay có người vác nỗi buồn đi qua tôi/ Khuôn mặt anh ta nhăn nhó/ Tóc anh ta rối bù/ Anh ta đi cách mặt đất 10 cm// Chiều nay có người vác niềm vui đi qua tôi/ Khuôn mặt anh ta rạng rỡ/ Tóc anh ta rẽ ngôi chỉn chu/ Anh ta đi cách mặt đất 20 cm/ Chốc chốc anh ta nhảy cẫng lên như con bò đực thèm được yêu.//Chiều nay có người vác nỗi đau đi qua tôi/ Khuôn mặt anh ta rầu rầu/ Đầu anh ta trùm một vòng tang trắng/ Anh ta đi thấp hơn mặt đất 10 cm/ Trông anh ta thật đáng thương!// Chiều nay có người vác nỗi sợ hãi đi qua tôi/ Khuôn mặt anh ta tím ngắt/ Anh ta trùm mũ kín đầu/ Đôi chân anh ta thoăn thoắt/ Trông anh ta như con chuột rinh trộm trứng gà// Chiều nay có nhiều người chẳng vác gì đi qua tôi/ Khuôn mặt họ đa dạng, phong phú/ Tóc họ cũng đa dạng, phong phú/ Da họ cũng đa dạng, phong phú…/ Họ bám chân trên mặt đường hồn nhiên bước.// Chiều nay tôi ngồi một mình thật lâu phía sau ô cửa chật hẹp/ Nhìn mọi người đi qua tôi (Buổi chiều).

Những vấn đề thế sự được anh nhìn nhận theo cái tình của người công dân luôn dõi theo sự đổi thay bất thường của đời sống. Đó có thể là sự bức tử của dòng sông, sự tắc đường, khói bụi, ô nhiễm, những trớ trêu, bất cập của cuộc đời, sự chao đảo những thang bậc, giá trị đạo đức, tình người…

Có lẽ những bài thơ viết về cái tôi bản thể là những bài thơ để lại ấn tượng đối với bạn đọc. Người đọc có thể tìm thấy những bài thơ đọc lên nghe ám ảnh: Còn gì đâu mà chấp vá, Tình tự đêm sông Hồng, Trong hố cầu thang, Chẳng còn muốn ngóng bình minh, Ở phía không nhau, Phía đối diện không người ngồi, Buổi sáng biến mất, Nghĩa địa đêm, Những người bạn bị đau gan, Trò chuyện với ta…

Khi viết về quê hương, đặc biệt là sự chia xa Thành phố Vinh thân yêu của anh với những lời thơ nằng nặng nỗi niềm thương nhớ:

Xác nắng vàng loang trên dòng Lam/ ngày li biệt/ Bến Thủy gầy xanh xao trong mắt/ ngoái lại những xa xăm/ tiếng cói tàu chát chúa

Li thân Vinh từ bữa ấy/ tôi men theo tháng năm đất khách/ đi như thể trốn Vinh/ trốn một thời tuổi trẻ/ Hưng Dũng chưa khô/ chỗ nằm lạnh toát/ còn rơi dăm mảnh chuyện cùn

Khi nào Hồ Goong nước cạn/ tôi về mót mảnh tình xưa

Chàng trai trẻ xa quê, từ biệt quê với một tâm trạng buồn man mác. Đất và người quê hương đã ăn sâu vào tiềm thức, vào máu thịt, trở thành nỗi nhớ niềm thương vô bờ. Những nấm mồ mọc san sát nhau/ Chiếu dưới, chiếu trên trải kín gốc đa thần/ Làng tôi đã già đi nhiều lắm// Sự cô đơn ập vào tôi/ Khi bóng cây trứng gà bà không ngồi thái rau/ Ông không còn đan lát/Những thằng trẻ con xưa đã lớn hết rồi…//… Thời gian bồi lên quê tôi những nhà cao, phố mới/ Cuốn phăng vào vực sâu lớp lớp con người// Tôi đặt bàn tay lên ngực trái/ Vã mồ hôi (Quê tôi).

Trong những lúc buồn nhất, cô đơn nhất Đặng Thiên Sơn thường hướng về quê hương, người thân. Đó là chỗ dựa tinh thần, niềm an ủi lớn nhất đối với anh. Chốn thị thành lung linh, huyền ảo, đẹp đấy, thú vị ấy, năng động ấy nhưng lại chứa đựng bao nghịch lý. Ngày cuối năm chưa kịp về quê mẹ, còn đang nơi đất khách, lòng anh lại ngổn ngang bao nỗi giày vò:

Phố và phố cứ như ngàn tơ nhện/ Ta bơ vơ giữa hơn tám triệu người/ Ai cũng vội, ô kìa ai cũng vội/ Chiều cuối năm nhăn nheo những u buồn…(Cuối năm).

Thơ Đặng Thiên Sơn là tiếng lòng của một đứa con xa quê nhưng lúc nào cũng hướng về nguồn cội. Nơi ấy có gia đình, người thân, bạn bè và gắn với một thuở nhọc nhằn nhưng đầy tình nghĩa. Giờ đây khi anh đang sống nơi phố thị với những tất bật, bon chen, nhưng những ký ức với quê nhà vẫn luôn vọng về trong anh.

Tôi vẫn nghe tiếng những thằng bạn thời ấu thơ vang vọng bên tai/ Chúng trồi lên từ tiềm thức…/ Bông dủ dẻ kia đã làm tôi khóc/ Ôi hương thơm của hai mươi mấy năm vẫn còn nguyên vẹn!/ Tí ơi!/ Khe nước có còn trong đâu mà mày tắm gội/ Đến bây giờ tóc vẫn chưa khô (Chăn bò).

Khảo sát cả tập thơ Trong hố cầu thang, người đọc nhận thấy dày đặc những hệ từ chỉ sự buồn, cô đơn, lạc lõng, nhớ thương, hoài vọng, khát khao. Đặc biệt sự lặp đi lặp lại đại từ nhân xưng “Tôi”. Đó là sự trải lòng, sự chiêm nghiệm của bản thân trước cuộc sống. Có nhiều những câu thơ, bài thơ có những liên tưởng mới, lạ, độc đáo, thú vị. Đây là điểm mạnh và là sự thành công của thơ Đặng Thiên Sơn. Tuy nhiên, có những hình ảnh, chi tiết anh đưa vào thơ mình có thể vượt ra ngoài sự hiểu của người tiếp nhận.

Thơ Sơn hồn hậu, hồn hậu như chính con người anh. Trải qua nhiều nghề, làm nhiều công việc ở những lĩnh vực khác nhau phải chăng đó chính là những trải nghiệm quý giá để anh chuyển tải vào trong thơ của mình.

Trong dòng chảy của văn học trẻ đương đại, dù chưa tạo cho mình nét phong cách riêng nổi trội nhưng thơ Đặng Thiên Sơn cũng đã để lại những ấn tượng, thiện cảm ban đầu cho người đọc. Giữa bạt ngàn rừng sách như hiện nay, tìm cho mình quyển sách có chất lượng để đọc là điều không dễ. Nhưng tôi tin Trong hố cầu thang của Đặng Thiên Sơn là tập thơ đáng để đọc./.

 

Tác giả: Nguyễn Văn Hoà

Nguồn tin: Văn học quê nhà

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 3 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây