Tình dục trong văn chương, nên không?

Thứ ba - 04/08/2009 18:19 4.603 0

Gửi hương theo gió (Ảnh: Dương Quốc Định)

Gửi hương theo gió (Ảnh: Dương Quốc Định)
Có thể ví như các thầy thuốc dùng độc dược để chữa các căn bệnh nan y. Thực chất chúng ta đang loay hoay trả lời câu hỏi: Tình dục có xấu? Về mặt khoa học, vấn đề này đã được giải quyết tương đối ổn thỏa, còn văn chương thì lại đang rụt rè, mò mẫm đi theo. Điều này có vẻ hơi trái quy luật, lẽ ra văn chương phải đi trước, định hướng, dự báo cho khoa học.
Tình dục có xấu?
Chúng ta chưa dám viết về tình dục một cách công khai bởi từ xưa đến nay, chúng ta vẫn cho (hoặc do dư luận xã hội ép phải nghĩ rằng): tình dục là xấu xa, đồi trụy. Quan niệm ấy được khoác dưới những từ rất hay ho, đạo đức là: “tế nhị”, “nhạy cảm”.

 Tác phẩm Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu

Chúng ta đều biết, tình dục có vai trò quan trọng kể cả ở góc độ tự nhiên và góc độ xã hội. Nó là điều kiện quan trọng nhất để duy trì giống nòi, là chất xúc tác diệu kỳ nhất để nuôi dưỡng tình yêu lứa đôi, là chất men quan trọng nhất giữ lửa cho hạnh phúc gia đình.

Trong cuộc sống cũng như trong văn học, có biết bao mối tình được thăng hoa, đẹp và lung linh như những sắc cầu vồng. Tôi không đồng nhất tình yêu và tình dục, nhưng tình dục là chất xúc tác số một của tình yêu. Điều này đã được tự nhiên “mã hóa” rồi, nó nằm trong các loại men, quy định trong gen, con người không cưỡng lại được.

Những điều trên thì ai cũng biết, nhưng viết ra lại sợ thiên hạ cho là: đạo đức có vấn đề. Ăn một bữa ăn ngon, người ta có thể khoe với người khác, nhưng có một cuộc tình mỹ mãn, không ai dám nói ra, dù tình dục giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong quan hệ vợ chồng thời hiện đại.

Không phải các nhà văn không coi đó là hoạt động bình thường của con người, mà vì thói quen ngàn đời tuân theo lễ giáo phong kiến kìm hãm họ lại. Giống như những bức tranh khỏa thân của các danh họa trên thế giới vậy, ai cũng biết nó rất đẹp, nhưng chẳng mấy người dám mua (phiên bản) về treo, không phải người ta không thích ngắm, mà sợ thiên hạ cho là đồi trụy.

Với quan niệm tình dục như vậy nên mới băn khoăn có nên đưa tình dục vào văn chương hay không, ở mức nào?

Liều lượng tình dục trong văn chương thế nào là hợp lý?

Tôi đã đọc Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu. Rõ ràng ở đấy có cái mới để mà đọc. Không phải cái lạ, cái mới nào cũng hấp dẫn, nhưng nó luôn là yếu tố không thể thiếu của sự hấp dẫn, dù từ cái mới đến hấp dẫn là cả một chặng đường dài.

Vẫn biết trong văn học, không phải cứ viết nhiều về tình dục là hấp dẫn. Tôi đọc Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh cách đây khoảng hai chục năm, vậy mà cái chi tiết: chum chúm như quả cau, sờ vào đó có thể sinh em bé, cứ đọng mãi trong tôi.

Chỉ vài nét chấm phá về “bộ phận phụ” của nữ giới và sự ngỡ ngàng trước thế giới “thần bí” của cậu con trai đã làm câu chuyện sinh động, hấp dẫn, “chở” được nhiều vấn đề.

Chuyện nhiều hay ít yếu tố tình dục trong tác phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào ý đồ nghệ thuật của tác giả. Khi chúng ta coi nó là một hoạt động bình đẳng như các hoạt động sinh lý khác của con người sẽ không còn câu hỏi: liều lượng tình dục trong văn chương nên như thế nào?

Nhân bàn chuyện này tôi lại nhớ, có thời ta cứ băn khoăn: đưa giáo dục giới tính vào dạy trong các trường phổ thông có là vẽ đường cho hươu chạy? Người ta nói: “Đói ăn vụng, túng làm liều”. Chính cái sự úp úp, mở mở lại khiến lớp trẻ bị kích thích.

Giống như trên phim ảnh, khi người phụ nữ lộ một mảng đùi, mảng lưng thấy có vẻ ghê gớm lắm, nhưng khi họ mặc quần áo tắm hai mảnh lượn từng đoàn trên màn hình lại thấy bình thường.

Theo tôi, tình dục trong văn học có thể viết như cuộc sống nó vốn thế. Vấn đề là phải xử lý hành vi đó ở góc nhìn nghệ thuật. Nhìn rộng ra lĩnh vực khác ta thấy, có những bức tranh, bức ảnh dung tục, thô thiển, thậm chí kích dục, nhưng cũng có những tác phẩm khỏa thân nghệ thuật. Trách nhiệm của người viết ở đây là phải phản ánh hoạt động đó ở góc độ nghệ thuật.

Khuôn mẫu và phá cách

Bắt đầu là những nhà thơ trẻ, rồi sau đó là những tác giả văn xuôi, đó là những người đi tiên phong trong việc phá bỏ sự tù túng trong văn học vốn đã tồn tại ở ta quá lâu. Đừng trách lớp trẻ bây giờ quay lưng lại với văn hóa đọc. Hãy trách các nhà văn, các nhà làm sách không nắm bắt được thị hiếu “người tiêu dùng”.

Tôi không cổ súy cho những tác phẩm thơ văn kỳ dị, làm rối câu chữ, tung hỏa mù cho người đọc, nhưng vẫn nhiệt liệt hoan nghênh những phá cách mới trong văn chương. Trong tự nhiên, trong cuộc sống, trong văn chương đều cần những yếu tố khác cái khuôn mẫu cho trước.

Phải có hàng ngàn biến dị thì tự nhiên mới chọn lọc được những biến dị có lợi cho sự tiến hóa. Các nhà khoa học đã kết luận: biến dị là nguyên liệu của sự tiến hóa. Vậy mà chúng ta lại muốn thế hệ sau phải nghĩ những gì chúng ta nghĩ, viết những gì chúng ta đã viết, thì làm sao mà phát triển được.

Việc đưa tình dục vào văn chương là một điều tất yếu. Nhưng đưa thế nào là chuyện cần bàn của các nhà văn.

Nguồn tin: SK&ĐS

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây