Ngôi nhà dùng để thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc ở trường bắn Cầu Ngà (Hà Nội) được xây dựng giữa khu trường bắn, gồm 3 phần: Một dành cho thẩm phán, cán bộ trại giam, kiểm sát viên, ủy viên Hội đồng thi hành án, bác sĩ pháp y... ngồi theo dõi việc tiêm thuốc độc; một phần để các bác sĩ chuẩn bị thuốc và các công việc cần thiết để thi hành án; phần chính để một giường dạng ghế nằm.
Một năm nay, trường bắn Cầu Ngà không vang lên tiếng súng và chưa có án tử hình nào được thi hành. Đại úy Lê Quý Long (người hơn 30 năm gắn bó với công việc áp giải và thi hành án tử hình) mừng ra mặt, nói: “Sắp tới tử hình bằng thuốc độc, công việc của anh em ở đây cũng nhẹ hẳn và bớt ám ảnh nhiều lắm”.
Đại úy Long bấm đốt ngón tay, thở dài: “Có thể Nguyễn Đức Nghĩa, kẻ gây ra vụ án xác chết không đầu, sẽ phải “khai trương”. Nghĩa đang nằm trong khám tử tù ở đây, chờ tử hình bằng thuốc độc”.
Tại Cầu Ngà, phòng dành cho tử hình bằng tiêm thuốc độc đã hoàn thành, nhưng chưa “đi vào hoạt động”. Về việc này, đại úy Long nói: “Tôi không biết vì sao lại thế. Ở đây mọi thiết bị cho việc thi hành án tử hình đã lắp đặt xong từ lâu”.
Thượng tá Bùi Ngọc Bình (Giám thị trường bắn Cầu Ngà) bảo: “Tôi cũng không rõ vì sao lại chậm như vậy. Cái này có lẽ phải hỏi bên Quốc hội”.
Câu chuyện chậm thi hành án tử hình bằng thuốc độc cũng nóng trên diễn đàn Quốc hội mới đây. Đại biểu Nguyễn Thanh Bình từng gay gắt rằng: "Không có gì khổ bằng chờ chết. 500 tử tù đang ngồi chờ vì một quyết định còn chưa mang nhiều tính thực tế của chúng ta".
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho hay: “Mọi công việc chuẩn bị để áp dụng tiêm thuốc độc cơ bản đã xong, từ xây cơ sở cho đến trang thiết bị, đào tạo, chỉ thiếu mỗi thuốc”.
Ông Cường cho biết, Nghị định ghi rõ tên thuốc, mà đều là loại chưa sản xuất được ở trong nước, phải nhập từ EU, trong khi liên minh này đang yêu cầu Việt Nam bỏ án tử hình.
Phòng tiêm thuốc độc tại trường bắn Cầu Ngà (Hà Nội). |
Vì chưa có thuốc nên đến nay có người viết đơn xin được thi hành án do tâm lý căng thẳng. Ngành kiểm sát thừa nhận sự chậm trễ này đã gây áp lực lên hai phía, phía cơ quan giam giữ và phía tử tội.
Tuấn (tử tội ở trại giam Nghi Kim, Nghệ An) tâm sự: “Em không sợ chết, chỉ sợ chờ chết. Chết, đòm cái là xong. Đằng này đêm nào cũng không ngủ được, nghe tiếng bước chân đi, tiếng mở khóa là người run lẩy bẩy. Thôi cứ thà “xong sớm nghỉ sớm”.
Tâm lý “xong sớm nghỉ sớm” của nhiều tử tù đã trở thành áp lực khi phải chờ đợi cái chết quá lâu, cho dù đó là một cái chết “êm” hơn, không phải dựa cột, đổ máu.
Theo số liệu của ngành tư pháp, trong thời gian chờ thi hành án tử hình bằng thuốc độc, có 3 tử tội đã tự tử vì quá căng thẳng. 3 người khác chết vì bệnh tật.
Quốc hội đánh giá việc tử hình bằng tiêm thuốc độc ít gây đau đớn cho người bị thi hành án. Tiêm thuốc độc đảm bảo tử thi còn nguyên vẹn, ít tốn kém và giảm áp lực tâm lý cho người trực tiếp thi hành án. Kinh nghiệm các nước đã áp dụng hình thức này cho thấy, công nghệ sử dụng việc tiêm thuốc độc cũng đơn giản, dễ thực hiện. Hơn 30/80 nước trên thế giới đã áp dụng tử hình bằng tiêm thuốc độc. |
Theo Tiền Phong
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc