Ngày 3/5, TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên hoãn phiên tòa phúc thẩm "Tranh chấp chia thừa kế" của gia đình bà Hoàng Thị Kim Anh. HĐXX yêu cầu đại diện của cụ Dương Thái Bảo (81 tuổi) thu thập tài liệu chứng minh cụ từng được đơn vị đưa đi tập kết ngoài Bắc sau một thời gian chung sống với bà Kim Anh và có con chung là ông Dương Việt Trung.
Bà Kim Anh có 30,75% cổ phần trong trong ty do con trai Đỗ Ngọc Quí làm giám đốc. Ảnh: Duy Khang |
Hồ sơ vụ án thể hiện bà Kim Anh mất năm 2012 nhưng không để lại di chúc. Tại ngân hàng, nữ doanh nhân gửi tiết kiệm hơn 1,9 tỷ đồng nên con trai Đỗ Ngọc Tươi gửi đơn đến TAND thành phố Sóc Trăng yêu cầu chia di sản thừa kế cho 6 anh em.
Tại phiên xử ngày 4/2, cụ Bảo được tòa án đưa vào danh sách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và xác định cụ thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Theo toà, từ năm 1954 cụ Bảo không chung sống với bà Kim Anh nhưng giữa hai người chưa ly hôn. Hôn nhân của cụ Bảo với nữ doanh nhân là thực tế, chưa chấm dứt nên khi mẹ ông Tươi chết sẽ phát sinh quan hệ thừa kế. Vì vậy, HĐXX chia cho cụ Bảo và 6 người con của bà Kim Anh mỗi người hơn 310 triệu đồng.
Không đồng tình với bản án sơ thẩm, VKSND TP Sóc Trăng đã kháng nghị theo hướng không chấp nhận việc cụ Bảo được hưởng thừa kế. Ngoài ra, ông Việt Trung với 3 người em cũng kháng cáo, cho rằng cha ra Bắc lấy vợ khác, năm 1993 quay về Nam nhưng không sống chung với mẹ và tiếp tục có thêm vợ. Ngày mẹ ông mất, cha đến viếng đám tang với tư cách là người bạn, không để tang theo phong tục tập quán vì hai người chia tay gần 60 năm.
"Sau khi chia tay cha, mẹ sống với hai người nữa và có thêm 5 người con. Cha tôi không còn là chồng của mẹ nên cấp sơ thẩm chia tài sản thừa kế cho ông ấy gây ảnh hưởng đến quyền lợi các em tôi", ông Trung trình bày với HĐXX phúc thẩm.
Đại diện của cụ Bảo khẳng định ông lão này thuộc hàng thừa kế thứ nhất đối với di sản của bà Kim Anh. "Dù hai người không sống chung gần 60 năm nhưng họ vẫn là vợ chồng vì chưa ai gửi đơn đến tòa án để xin ly hôn", vị này nêu quan điểm.
Đại diện VKSND tỉnh Sóc Trăng cho rằng cấp sơ thẩm xác định ông Bảo có hôn nhân thực tế với người đã chết, từ đó xác định ông này thuộc hàng thừa kế thứ nhất là không đúng.
Theo Viện, thông tư số 60 ngày 22/2/1978 của TAND Tối cao (hướng dẫn giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình của cán bộ, bộ đội có vợ, có chồng trong Nam tập kết ra Bắc lấy vợ, lấy chồng khác) mà cấp sơ thẩm đã vận dụng có ghi: "Trường hợp người chồng (vợ) ở ngoài Bắc và người ở trong Nam đều đã lấy vợ, lấy chồng khác thì xem như hôn nhân trước của họ đã chấm dứt, pháp luật không chấp nhận cho họ duy trì cuộc hôn nhân này. Nếu họ tự động chung sống lại thì hôn nhân này là không hợp pháp". VKS bảo lưu kháng nghị theo hướng ông Bảo không được pháp luật công nhận là chồng hợp pháp của bà Kim Anh nên không được chia di sản thừa kế.
Liên quan tài sản của bà Kim Anh, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Sóc Trăng chứng nhận Công ty TNHH Kim Anh ở TP Sóc Trăng thành lập năm 1994 gồm 6 thành viên góp vốn là bà Hoàng Thị Kim Anh (30,75%) với 5 người con Đỗ Ngọc Quí (36,39%), Đỗ Ngọc Tài (11%) Đỗ Ngọc Tươi (0,94%) Đỗ Thị Ngọc Sương (10,46%) và Dương Việt Trung (góp 10,46%). Ban đầu, công ty có vốn điều lệ hơn 2 tỷ đồng nhưng sau 9 lần thay đổi giấy phép kinh doanh vốn tăng lên trên 113 tỷ đồng.
Cuối năm 2010, ông Đỗ Ngọc Quí (Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Kim Anh) làm đơn khởi kiện yêu cầu tòa án xác lập quyền sở hữu toàn bộ công ty cho ông, hủy tư cách thành viên của mẹ với 4 anh chị em trong hội đồng thành viên. Theo ông Quí, mẹ với các các anh chị em có tên trong giấy đăng ký kinh doanh và trong điều lệ của công ty là do trước đây ông nhờ đứng tên dùm để làm thủ tục thành lập doanh nghiệp.
Tháng 5/2012, TAND tỉnh Sóc Trăng xử ông Quí thắng kiện, ông Việt Trung với 3 người em kháng cáo. Ba tháng sau, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xử bác yêu cầu của ông Quí, chấp nhận kháng cáo của anh em ông Trung, công nhận tư cách thành viên Công ty Kim Anh đối với mẹ và 4 anh, em của ông Quí.
Duy Khang
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc