'Bắt bệnh' giả điên của tội phạm

Chủ nhật - 05/05/2013 05:30 1.052 0
Nhiều giang hồ cộm cán dùng bệnh án tâm thần làm “bảo bối” vì dù gây tội ác tàn độc nhất chúng có thể được giảm án hay thoát tội. Để trị chúng, công an lắp camera, xuất hiện bất ngờ trong phòng, nhìn thẳng vào mắt khi hỏi cung.

Lần giở tập hồ sơ dày cộp về Đỗ Xuân Hùng (Hùng “Máu”) phạm tội cưỡng đoạt tài sản, đại úy Nguyễn Tiến Thành (điều tra viên Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa) nhớ lại 35 ngày anh cùng đồng đội “chiến đấu” với nghi can này. Sau khi bị bắt, Hùng luôn miệng kêu đau đầu, bảo có người đe dọa giết mình và khẳng định bị tâm thần.

Là điều tra viên chính của vụ án, khi đưa Hùng đến Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần Thanh Hóa, đại úy Thành vẫn là người chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát, theo dõi. Để chứng minh bị tâm thần, Hùng suốt ngày đêm gào khóc, kêu la, phóng uế rồi bốc chất bẩn bôi khắp phòng. Ông ta ăn rất ít, có đêm hầu như không ngủ. Nhưng, nhìn thần thái Hùng, đại úy Thành và đồng đội biết hắn chỉ giả vờ.

Vì thế, anh Thành tìm cách “bắt bài” để hắn tự bộc lộ những sơ hở của mình. Chẳng hạn như chiêu kêu gào, Hùng thường sử dụng mỗi khi biết có người ở gần mình hoặc khi đứng trước camera, lúc nào mệt, hắn lại vào góc khuất của camera ngồi nghỉ thư thái. Biết thế, nhiều hôm anh Thành đến, bí mật quan sát biểu hiện của hắn. Khi thấy anh đột ngột xuất hiện, Hùng lại gào lên: “Ối anh Thành ơi cứu tôi với, có kẻ đang bắn tôi”… Khi lấy bản cung, điều tra viên hỏi một đằng, hắn trả lời một nẻo. Để cho Hùng kể lể chán, đại úy Thành “chọc” một câu: “Sao anh lại đánh nạn nhân”. Không kịp phòng bị, Hùng cãi theo phản xạ: “Tôi có đánh nó đâu, chỉ là…”.

Đại úy Thành chia sẻ, khi hỏi cung, chỉ cần nhìn thẳng vào mắt sẽ biết được nghi can tâm thần giả hay thật. Vì cố tình che giấu hành vi nên kẻ giả tâm thần thường tỏ ra sợ sệt, đây cũng chính là điểm yếu để phát hiện sự gian dối. Về Đỗ Xuân Hùng, sau 35 ngày theo dõi, Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần Thanh Hóa kết luận Hùng không mắc bệnh. Từ khi có kết luận, biết không giở chiêu được nữa, Hùng trở lại bình thường.

Camera theo dõi tội phạm bị tình nghi tâm thần.

Trường hợp Lê Mạnh Lương (Việt kiều Anh) vận chuyển 355 bánh heroin cũng tương tự. Sau khi biết phạm tội nặng, Lương quay sang giả vờ tâm thần, hỏi gì cũng không biết, không nhớ. Theo trực giác, các điều tra viên biết chính xác Lương đang giả vờ nên đã bí mật theo dõi. Họ nhận thấy khi tiếp xúc với điều tra viên thì Lương ngây ngây, dại dại nhưng về đến phòng giam giữ thì hắn trở nên lọc lõi, còn dạy các phạm nhân những trò đối phó với cơ quan công an.

Cơ quan điều tra trưng cầu giám định pháp y tâm thần với Lương. Hắn được đưa đến Trung tâm giám định kèm theo một tổ cảnh sát bảo vệ ngày đêm túc trực, canh gác. Nắm tình hình về Lương, các anh phát hiện, dù “tâm thần” nhưng Lương nhớ vanh vách số điện thoại của người quen, nhờ bệnh nhân trong khoa liên lạc, viết thư gửi và nhờ gọi điện cho em tận London…

Sau quá trình theo dõi, giám định, Hội đồng pháp y đã xác định Lương không bị tâm thần. Căn cứ kết quả trên, cơ quan điều tra đã kết thúc điều tra vụ án, đề nghị tăng hình phạt với Lương do ngoan cố không khai báo. Trong phiên tòa sơ thẩm, Lương vẫn tiếp tục giở trò ngớ ngẩn, không biết, không nhớ nhưng vẫn bị tuyên án tử hình. Không thể “diễn” được nữa, đến phiên phúc thẩm, Lương khai thành khẩn xin được hưởng khoan hồng.

Tại Thanh Hóa, không xử lý được hàng loạt kẻ phạm tội có hồ sơ, bệnh án tâm thần, đại tá Nguyễn Văn Bính (Phó Giám đốc) có công văn gửi VKSND, TAND tỉnh yêu cầu trưng cầu giám định lại với các trường hợp nghi ngờ, đồng thời cử lực lượng theo dõi sát sao việc “bắt buộc chữa bệnh” của các nghi can. Nhờ biện pháp “rắn” trên, Nguyễn Thị Tuyết (Tuyết “Tình”) biết không thể trốn được nữa đành làm đơn xin tự nguyện đi thi hành án; Vũ Tiến Bình (Bình “Jupiter”) cũng đành quy án…

Tộ "Tích" khi bị bắt.

Tại Hải Phòng, để bắt được 3 trùm giang hồ là Tộ “Tích”, Thắng “An Dương” và Tuấn “Tượng” là thử thách gian nan với cơ quan công an. Tộ “Tích” được VKSND Hải Phòng ra quyết định chữa bệnh bắt buộc tại Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương, công an phải tạm đình chỉ điều tra.

Đang phải điều trị bắt buộc nhưng trước ngày diễn ra phiên xử của một tên đàn em dưới trướng, Tộ “Tích” đã gọi điện cho gia đình người bị hại, đe dọa giết nếu tố cáo hành vi tội ác của bọn chúng trước tòa. Chưa dừng lại ở việc gọi điện, nhiều lần Tộ “Tích” còn đích thân xuất hiện ở những chốn ăn chơi của Hải Phòng. Thậm chí, trong một lần truy quét một tụ điểm của Công an Hải Phòng, cơ quan điều tra đã phát hiện và bắt giữ Tộ “Tích” cùng với súng, dao.

Nhưng lần ấy, cơ quan điều tra lại buộc phải trao trả Tộ “Tích” cho Viện Giám định quản lý vì hắn vẫn đang trong thời gian bắt buộc chữa bệnh. “Bảo bối” điên của Tộ “Tích” khiến cơ quan điều tra gặp khó khăn. Sau nhiều ngày quyết liệt, làm việc với Viện Giám định, đơn vị này đã hội chẩn bệnh tình của Tộ “Tích”, kết luận bệnh đã ổn định. Công an Hải Phòng đã bắt giữ Tộ “Tích” ngay tại nơi chữa bệnh.

Theo bác sĩ Vũ Quang Bình (Trưởng khoa Chữa bệnh bắt buộc Viện Giám định pháp y tâm thần trung ương), bệnh tâm thần có nhiều dạng khác nhau, có những dạng không bao giờ khỏi, chỉ ổn định ở một giai đoạn. Lợi dụng điều này, những tên giang hồ cộm cán sử dụng bệnh án tâm thần như một công cụ phòng thân hữu hiệu bởi khi đã có “bảo bối” tâm thần thì dù gây tội ác tàn độc nhất, bằng những cách khác nhau chúng đều có thể thoát tội hoặc giảm tội đến mức thấp nhất.

Theo đại tá Hồ Sỹ Tiến (Cục trưởng Cảnh sát hình sự), kẻ có tiền án, tiền sự, giang hồ cộm cán đang lợi dụng điều này, thậm chí có tên chuẩn bị sẵn cả bệnh án tâm thần làm “bùa hộ mệnh” trước khi gây án. Cục đang yêu cầu công an các địa phương báo cáo lại các vụ án mà các nghi can có biểu hiện tâm thần, trong quá trình điều tra xuất trình hồ sơ bệnh án tâm thần nên không xử lý được bằng hình sự.

Cục sẽ thành lập một tổ rà soát, kiểm tra từng hồ sơ cụ thể. Đối với những trường hợp nghi ngờ có biểu hiện giả điên để trốn tránh pháp luật. Cục sẽ điều tra để xem hồ sơ bệnh án tâm thần mà họ xuất trình có khách quan hay không, báo cáo để thành lập hội đồng giám định pháp y tâm thần ở cấp cao hơn.

Đại tá Hồ Sỹ Tiến yêu cầu cơ quan điều tra các cấp khi có những trường hợp này, cần phải thận trọng, trao đổi với cơ quan điều tra cấp trên để có sự phối hợp trong điều tra, xử lý. Mỗi cán bộ của các cơ quan tố tụng khi tiến hành điều tra, xem xét các trường hợp này phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, bởi nếu chúng ta chỉ cần “tặc lưỡi” bỏ qua sẽ có một tên tội phạm nguy hiểm lọt lưới pháp luật.

Theo Công an nhân dân

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây