'Hợp đồng chuyển nhượng Bảo Long - Bảo Sơn quá sơ sài'

Thứ ba - 18/06/2013 07:07 1.389 0
Cầm hợp đồng chuyển nhượng tài sản hơn 200 tỷ đồng giữa tập đoàn Bảo Long và Bảo Sơn, luật sư Vũ Tiến Vinh cho rằng chỉ gói gọn trong 6 trang giấy là "quá sơ sài", thậm chí không có quy định xử lý khi các bên vi phạm.

- Ông thấy gì khi đọc bản hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần và tài sản doanh nghiệp cùng bản quyền thương hiệu sản phẩm giữa Tập đoàn Y dược Bảo Long với Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn?

- Đối tượng của hợp đồng này gồm 3 loại: toàn bộ cổ phần, tài sản doanh nghiệp và bản quyền thương hiệu sản phẩm. Đây không phải là những tài sản thông thường, đơn chiếc mà có sự liên quan với các tài sản khác, quyền tài sản, nghĩa vụ của bên chủ tài sản…

Giá trị hợp đồng là con số rất lớn, hơn 227 tỷ đồng, nhưng toàn bộ nội dung chỉ được thể hiện chưa đến 6 trang giấy thì quả là quá đơn giản và sơ sài. Hợp đồng không có điều khoản nào quy định về hành vi nào bị coi là vi phạm hợp đồng mà phải chịu phạt ra sao, phải khắc phục thế nào.

Nguyên tắc khi soạn thảo hợp đồng là phải cố gắng dự liệu tối đa các tình huống, sự kiện có thể xảy ra sau khi hợp đồng được ký kết để đảm bảo rằng nếu có vấn đề phát sinh thì các bên có căn cứ xác định đúng, sai cũng như chế tài mà bên vi phạm phải gánh chịu. Có như vậy các bên mới xác định được quyền và nghĩa vụ của mình khi thực hiện hợp đồng.

Một nguyên tắc nữa là giá trị hợp đồng càng lớn thì việc soạn thảo càng cần phải kỹ lưỡng bởi nếu có tranh chấp thì hậu quả sẽ vô cùng to lớn, thậm chí mất trắng.

Luật sư Vinh trả lời VnExpress.net. Ảnh: Hà Anh.
Luật sư Vinh. Ảnh: Hà Anh.

- Trong hợp đồng, những điểm gì theo ông là chưa rõ hoặc bất hợp lý?

* Con trai chủ tịch Bảo Long: 'Bố tôi không có khiếu kinh doanh'
* Chủ tịch tập đoàn Bảo Long bị bắt
* Đường đời thăng trầm của Chủ tịch Tập đoàn Bảo Long
- Theo tôi có 3 điểm cần làm rõ. Thứ nhất, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì việc bán, chuyển nhượng những tài sản lớn như nhà xưởng, đất đai phải có sự nhất trí của Đại hội đồng cổ đông thể hiện ở biên bản họp. Thế nhưng trong hợp đồng giữa Bảo Long và Bảo Sơn lại không thể hiện việc Đại hội đồng cổ đông của hai tập đoàn có thông qua việc này hay không.

Phần đầu của hợp đồng có nêu căn cứ vào biên bản họp của các bên nhưng mục ngày tháng của biên bản lại để trống dưới dạng ba chấm (…). Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là 2 tổng giám đốc của hai tập đoàn có đủ tư cách pháp lý để xác lập ký kết hợp đồng hay chưa khi chưa được Đại hội đồng cổ đông thông qua (nếu có).

Thứ hai, tổng giá trị hợp đồng là hơn 227 tỷ gồm 3 đối tượng như tôi đã phân tích ở trên nhưng trong hợp đồng thể hiện rõ giá trị hai tài sản gồm quyền sử dụng đất là 163,9 tỷ và giá trị công trình trên đất là 63,5 tỷ vừa đúng bằng giá trị hợp đồng. Như vậy có thể hiểu giá trị cổ phần và giá trị bản quyền thương hiệu là 0 đồng.

Đây là điều vô lý bởi vốn góp của các cổ đông thường có nhiều hình thức khác nhau như tiền mặt, nhà xưởng… chứ không thể chỉ là quyền sử dụng đất. Nếu viết hợp đồng như vậy thì có thể hiểu toàn bộ cổ phần của các cổ đông sáng lập chỉ duy nhất là quyền sử dụng đất. Hơn nữa, thương hiệu Bảo Long không lẽ gì được bán với giá 0 đồng.

Thứ ba, tại Phụ lục hợp đồng chỉ rõ trong tổng số 53.000 m2 đất chuyển nhượng thì có hơn 3.000m2 đất nông nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nếu thông tin này là chính xác thì việc chuyển nhượng này chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai.

Chú thich ảnh
Lối vào trụ sở - nơi cán bộ tập tập đoàn Y dược Bảo Long vẫn đang làm việc. Ảnh: Hà Anh.

- Vậy ông hiểu trách nhiệm của mỗi bên ở đây là gì?

- Ký kết và thực hiện hợp đồng này, tập đoàn Bảo Sơn đã thanh toán đầy đủ giá trị hợp đồng cho tập đoàn Bảo Long cũng như nội dung khác trong hợp đồng. Do vậy, tập đoàn Bảo Long có nghĩa vụ bàn giao tài sản theo thỏa thuận mà hai bên đã ký kết. Nếu tập đoàn Bảo Long cho rằng bị thiệt hại thì có quyền khởi kiện chứ không được có bất kỳ hành vi nào cản trở việc tiếp nhận và sử dụng tài sản đã chuyển nhượng cho tập đoàn Bảo Sơn.

- Nếu tập đoàn Bảo Long chưa thực hiện theo cam kết thì tranh chấp giữa hai bên là quan hệ kinh tế hay hình sự?

- Theo tôi, giữa tập đoàn Bảo Long và tập đoàn Bảo Sơn chỉ là tranh chấp kinh tế (trong kinh doanh thương mại) giữa hai pháp nhân mà không phải là hình sự bởi Bộ luật Hình sự hiện nay không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân. Tuy nhiên, các cá nhân của tập đoàn nếu có hành vi vi phạm quy định trong Bộ luật Hình sự thì vẫn sẽ bị khởi tố, điều tra.

- Theo quan điểm cá nhân, luật sư đáng giá gì về việc Chủ tịch tập đoàn Bảo Long bị bắt?

- Theo tôi khi Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố và bắt tạm giam Chủ tịch tập đoàn Bảo Long Nguyễn Hữu Khai về tội Sử dụng trái phép tài sản chắc phải có những căn cứ nhất định, đặc biệt với những người có vị trí trong xã hội thì càng phải cẩn trọng. Tuy nhiên, việc chủ tịch tập đoàn Bảo Long có tội hay không thì phải đợi phán quyết của tòa án.

Ông Khai bị dẫn giải về Hà Nội để điều tra. Ảnh: P.V.
Ông Khai bị dẫn giải về Hà Nội để điều tra. Ảnh: P.V.

- Tập đoàn Y dược Bảo Long và Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn cần phải làm gì ở thời điểm này?

- Việc chủ tịch tập đoàn Bảo Long bị bắt là điều vô cùng khó khăn đối với ban lãnh đạo cũng như toàn bộ người lao động trong tập đoàn. Tuy nhiên tôi tin pháp luật nghiêm minh sẽ phân xử việc đúng, sai của tập đoàn Bảo Long một cách thỏa đáng, đúng pháp luật. Để bảo vệ quyền lợi của mình, tập đoàn Bảo Long cần thu thập đầy đủ các tài liệu chứng minh đối tượng hợp đồng chuyển nhượng gồm những gì, có bao gồm bản quyền thương hiệu sản phẩm hay không?

Đối với tập đoàn Bảo Sơn thì ngược lại, họ phải chứng minh một cách thuyết phục giá trị hợp đồng 227 tỷ đồng đã bao gồm cả bản quyền thương hiệu sản phẩm cũng như xác định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có trái pháp luật hay không để trên cơ sở đó có những giải pháp giải quyết mâu thuẫn phù hợp.

- Bài học rút ra từ việc mua bán doanh nghiệp này là gì?

- Bảo Long và Bảo Sơn đều là hai tập đoàn lớn, có thương hiệu nhưng quả thật xem hợp đồng mà hai bên ký kết thì có thể cảm nhận rõ sự chủ quan, đơn giản của lãnh đạo hai tập đoàn. Hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa hai bên không chỉ là sự mua bán thông thường mà nó còn liên quan đến cuộc sống của hàng trăm con người lao động nên với cách làm thiếu thận trọng đã vô tình ảnh hưởng đến biết bao người và đưa doanh nghiệp vướng vào tố tụng.

Đây cũng là hạn chế chung của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Thói quen làm việc theo cảm tính và không đầu tư đúng mực cho bộ phận pháp chế hoặc thuê luật sư tư vấn nên đã dẫn đến những hậu quả thật đáng tiếc và không đáng có.

Hà Anh thực hiện

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây