Con ngựa hoang ký ức và những hòn cuội ám ảnh, dày vò

Thứ tư - 20/11/2013 11:23 2.191 0
Tôi quen họa sĩ Lê Trí Dũng có dễ đến 15 năm, quen và biết, nhưng chưa đủ để hiểu ông. Lê Trí Dũng như một cơn gió lốc, không, ông như một con ngựa chiến lúc nào cũng tung vó trên chiến địa sa trường, nếu có nghỉ họa chăng là ngủ nghỉ vội vàng ở khoảng lặng giữa hai trận đánh. Ông đến Văn nghệ Quân đội đưa tranh minh họa nhanh như thế nào thì ông đi cũng vội như thế. Nhanh vội bởi dường như ông không tìm được, hoặc không có nhu cầu tri âm tri kỉ với ai ở cái nơi mấy chục năm cộng tác làm “sáng” tác phẩm lên, dù hàng tháng ông vẫn gặp các nhà văn đang mặc áo lính cũng như ông đã từng mang sắc phục nhà binh một thời trận mạc.

Tôi chẳng biết ông có tâm trạng “Ta là một, là riêng…” không, nhưng người nghệ sĩ vốn thường cô đơn; cô đơn giữa biển đời, cô đơn trong nghề nghiệp, đôi khi có kẻ cô đơn ngay cả chính trong ngôi nhà của mình, thì ông chia sẻ được gì với đám nhà văn mặc áo lính chúng tôi!? Ông đã vẽ cả ngàn tranh ngựa, nhưng ông cũng phải thốt lên trong đơn độc mỹ cảm: “Con ngựa tôi khoái nhất là một con ngựa đơn sắc, gần như chỉ hai màu đen trắng, quay lưng lại người xem, bờm xù, dáng thản nhiên, ngạo nghễ. Rất ít người đồng cảm với con ngựa này. Cũng phải thôi, ước vọng đoàn viên, ước mơ hạnh phúc vẫn là ước muốn muôn đời của nhân loại. Nhưng than ôi! Sự cô đơn lại là số phận của những nghệ sỹ đích thực.” (Những con ngựa của tôi).

Ngoài đời, Lê Trí Dũng vội lẹ, xăm xái đến Văn nghệ Quân đội đưa tranh minh họa, rồi tiếng cười tỏa nắng, chúng tôi ồn ào, rộn rã…, một lát ông bước đi ra rất nhanh, để lại sau lưng cả một không gian tịch mịch, mái ngói cong xanh rêu thâm u như lúc ông chưa bước vào, khiến đám nhà văn chúng tôi ngơ ngẩn. Tôi luôn luôn có cảm giác cùng một thời gian ông nung nấu nhiều ý tưởng nghệ thuật, cùng một thời gian ông đang làm nhiều việc, việc gì cũng cần thiết, gấp gáp. Cũng có khi vì “Kính nhi viễn chi”, nhà văn đứng từ xa ngưỡng vọng họa, nhà họa đứng ở ngoài vọng ngưỡng văn. Dù cũng là nghề đi bòn mót tôn vinh cái đẹp ở nhân gian, nhưng cũng vẫn là nghề như một bức tường vô hình giữ chúng tôi ở một khoảng cách cần thiết.

Lê Trí Dũng thuộc thế hệ sinh viên tài hoa ra trận, một thế hệ kỳ tài trong một thời lạ lùng đã đi vào hồi ức binh nhì lính tăng thiết giáp trận mạc của ông: “Trong cái rét tái tê của Hà Nội đầu đông 1972, những bà mẹ, những cô sinh viên tóc tết đuôi sam ấm áp áo bông đứng ở các ngả đường góc phố nơi những đoàn tàu chạy qua. Chỉ để ném những lá thư lên cửa sổ các toa tàu và nhặt những lá thư từ cửa sổ các toa tàu “bay” xuống...” (Đại binh đoàn sinh viên… năm ấy). Cũng là lính ra trận, nhưng lính sinh viên bao giờ cũng khác, ấy là cái chất hào hoa, tài hoa, lãng mạn ngay cả nơi thử thách đẫm máu khốc liệt nhất. Trong hành trang ra trận của những anh lính sinh viên lãng mạn còn thêm giá vẽ, cây đàn ghi ta, những quyển sách: Những người khốn khổ, Nhà thờ Đức Bà, Chiến tranh và hòa bình, Thơ tình Puskin, các bản nhạc Chiều Maxcơva, Cachiusa, Đêm dài qua, Sơn nữ ca…, chúng là điệu tâm hồn, là kho tàng văn hóa, là chất xám. Có nơi nào trên trái đất này có một thế hệ kỳ tài, hào hoa lãng mạn như thế ra trận và rất nhiều người không trở về với mẹ?

“Chiến tranh không phải trò đùa”, chiến tranh là thử thách cao nhất, khốc liệt nhất đối với một đất nước, một dân tộc, một con người. Bom đạn đã đốn ngã biết bao nhiêu thằng giai sinh viên và tất nhiên những tác phẩm của Tonxtoi, Victo Hugo, Puskin, Pautoxki, Lecmantôp, Sôlôkhốp, Betthoven và Sopanh… cũng thành than tro và tan cùng xác thịt người lính ở đồi Sạc Ly, thị trấn Xuân Lộc, Thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa năm 1972… Anh lính sinh viên Lê Trí Dũng đã ở trong cái chảo lửa khổng lồ mù mịt, sặc mùi máu tươi, mùi tử khí và mùi cây khuynh diệp xanh ấy. Những đồng đội của ông không về, nếu còn sống rất có thể họ trở thành tướng lĩnh, nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, hoặc nhà văn, nhà báo, họa sĩ nổi tiếng như ông… Ông đã phải thốt lên đầy ai oán thương tâm: Sau cuộc chiến, khi họ thấy “mình sống được đã là một điều vô lý” ..., “không chết là lãi quá rồi.” Có một sự thật phũ phàng là: Thế hệ ông và sau nữa là chúng tôi… đi qua chiến tranh, chiến tranh chấm dứt từ lâu rồi, nhưng chúng tôi vẫn không thoát khỏi chiến tranh.

Cái kho ký ức ấy như con ngựa hoang, chứ không phải con ngựa thuần, Lê Trí Dũng đi theo tiếng gọi của ký ức: “Chiến tranh như một con ngựa hoang trong trận cuồng phong thỉnh thoảng lại cất lên tiếng hí vang trời nhắc nhở mọi người đừng quên. Chúng tôi sau 30 năm cũng bị tiếng ngựa hí ấy vẫy gọi. Lại về với suối rừng, lại về với lồ ô”. Chính vì thế con ngựa hoang ký ức trỗi dậy tung vó bất kỳ sáng trưa chiều tốt, bất kỳ nắng mưa giá rét, bất kỳ thời tiết chính trị ấm nóng bỏng hay mát lạnh. Nó tùy thuộc vào ngoại quan và tâm thức con người đã đi qua trận mạc để rồi đối diện với những vui - buồn, tốt - xấu, thiện - ác, bất hạnh - hạnh phúc, công bằng - bất công… ở đời thường. Đôi khi chỉ một hình ảnh người phế binh ngửa mũ xin ăn ở ga xép, một bài hát hào hùng bất chợt vang lên, một người mẹ tóc bạc trắng chờ con hay chỉ một cái tên đồng đội cũ vô tình được nhắc đến, hay ngẫu nhiên gặp một người lính phía bên kia đang bị gia đình quay lưng, xã hội bỏ rơi… cũng làm cho con ngựa hoang ký ức của Lê Trí Dũng bồn chồn, lồng lên. Ông viết văn bởi con ngựa hoang ký ức thôi thúc mãnh liệt, không viết thì ngột ngạt, bức bối, không chịu nổi: Những cái chết cứ ám ảnh, cứ hiển hiện, cứ dày vò ông: “Hoàng Tích Minh hy sinh cạnh chiếc cặp vẽ còn nhiều ký họa ngổn ngang…”, để lại ước mơ cháy bỏng: “Sau này hoà bình trở về, mình chỉ vẽ các mẹ, các chị thôi, design đẹp mà “dân gian” lắm!” Còn “Hồ Nia, Quách Thiện Thuật hy sinh trong những trận đánh liên miên giành đi giật lại các cao điểm trên chiến trường Quảng Trị... Phạm Văn Học đã bị mảnh bom phá hỏng hoàn toàn hai mắt trong chiến dịch Lam Sơn 719. Nguyễn Quang Việt lại hy sinh trong một lần trinh sát nhập sâu vào căn cứ địch tại Hòn Tàu…” Bộ xương người lính xấu số vô danh trong chiếc võng ni lông toòng teng, ông bất chợt bắt gặp trên đường hành quân rồi đào hố chôn, cắm lên mộ cốt một cái hoa tre... cũng khiến nỗi buồn hoang hoải cứ đeo bám.

Một dân tộc chỉ tiến hành chiến tranh khi đã bất khả kháng, không né tránh được nó và chiến tranh chưa bao giờ là sự lựa chọn của một cá nhân người lính. Thiền ngữ nói rằng:“Bạn hãy luôn cảm ơn những ai tạo ra nghịch cảnh cho bạn” và “Đối diện với hiện thực, bạn mới vượt qua hiện thực”. Không có một thời đỏ lửa Lê Trí Dũng làm anh lính Tăng - Thiết giáp sẽ không có họa phẩm Vượt trọng điểm (sơn mài, 1974) đang ngự trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; không có những: Vượt sông (sơn mài, 1976), Cánh rừng dioxin (lụa, 1989), Mẹ của những người lính (sơn dầu, 1999), Biên ải (sơn mài, 2000), Chân dung người lính (sơn dầu, 2004)...; càng không có chuyến tham gia Triển lãm Cái nhìn từ hai phía ở Boston do Mỹ tổ chức và đi du hành bày tranh ở 15 bang nước họ; không có chuyện tham gia Triển lãm lớn “Nam Bang” (Tiếng nổ ở Việt Nam) với đề tài chiến tranh Việt Nam tại Sydney - Úc; càng không có một danh họa Lê Trí Dũng hôm nay khí phách, ngạo nghễ, nặng lòng, khổ sở với đề tài chiến tranh và người lính. Tất nhiên, cuộc đời không nhồi ông vào lính trận, không đẩy vào binh nghiệp thì vẫn có một danh họa Lê Trí Dũng, nhưng sẽ là Dũng với các quý danh “Dũng hoa”, “Dũng phố”, “Dũng ngựa”, “Dũng rồng”, “Dũng thiếu ngữ ngủ ngày”… chẳng hạn.

Nói về quan niệm nghề nghiệp, Lê Trí Dũng bộc bạch: “Em gái tôi, sinh 1970, thấy tôi vẽ mãi trận mạc em bảo: Anh “ăn hơi dày” chủ đề này đấy, việc gì cứ phải xoáy mãi vào đấy? Đời còn bao nhiêu cái đẹp hơn. Anh vẽ ngựa hay thế cơ mà”.

Ông công nhận em gái mình không sai, nhưng ông có lý của ông, có tình của ông khi mê say đề tài trận mạc. Ông chủ trương: “nghệ thuật thì nhất thiết phải vô giá, bởi tự bản chất, nghệ thuật đã có cái quyền lực - có thể nói như phép phù thuỷ - để biến đổi được những vật dụng hay vật chất thông thường thành những thứ vô giá”. (Đâu những nụ cười trầm tư tranh luận?). Như một tuyên ngôn nghệ thuật, và chính cái tư duy sáng tạo quyết liệt này đã chỉ đạo sáng tác của ông. Họa của ông là vậy và văn của ông cũng là vậy. Tính quyết liệt trong sáng tác chính là thiên chức nghệ sĩ, đôi khi ông cũng tỏ ra uể oải, hoang mang: “Khi ngựa đã chồn chân mỏi gối thì lòng tráng sĩ cũng bay theo gió ngàn thôi”, nhưng rõ khổ CON NGỰA HOANG KÝ ỨC trong lòng Lê Trí Dũng lại không bao giờ mỏi gối chồn chân, chẳng bao giờ xanh xao vàng vọt, mà cứ vâm săn chắc, lúc nào cũng trong thế xung khí xung thiên tung vó. Bởi vậy, ông vẽ viết bằng những ám ảnh, và ký ức không chịu ngủ yên cứ cựa quậy dày vò khiến ông cầm cọ, cầm bút. Đi suốt ba tập tản văn: “Những hòn cuội nhặt dọc đường hành quân”, “Những hòn cuội nhặt dọc đường” và cũng lại vẫn... “Những hòn cuội nhặt dọc đường”, tôi nhận ra văn Lê Trí Dũng có khí phách mạnh, thấp thoáng xa gần ẩn giấu thần khí. Vẽ là người, văn cũng là người, cái nầy là Giời cho chứ không phải do rèn luyện. Mà khí với tình bao giờ cũng đi cùng nhau, trộn lẫn hài hòa với nhau. Người văn yếu khí thì văn nhạt, tình cũng nhạt, người văn khí phách thì văn - tình mặn mòi, mạnh mẽ. Ông vẽ cả nghìn bức tranh ngựa, ngựa của ông cũng đầy khí phách dũng mãnh như bay xuyên qua giông tố, và cũng huyền ảo như bay dưới trăng. Tản văn của ông nặng về hoài niệm, tâm trạng dằn vặt, thao thức, ông hay triết luận bằng những câu văn hình ảnh, những mạch cảm xúc chân thật, có sức khơi gợi sâu và xa. Bên cạnh những thô tháp, trần trụi mà không thô giản là độ căng của tiết tấu giọng văn, là phép so sánh, liên hệ quá khứ - hiện tại, ông đẩy người đọc vào những ẩn ý, những triết luận thâm sâu…, cứ vậy đan xen theo cảm xúc trào ào ạt và vốn đời từng trải. Văn của ông như mạch nước ngầm âm thầm tích năng lượng trong lòng đất, như ngọn núi lửa sục sôi nham thạch, để rồi bất chợt… tuôn trào không có gì kìm hãm được như dòng “Suy nghĩ dọc đường 1, 2,3,4,5”.

Có những tản văn của Lê Trí Dũng tôi cứ nghĩ nó là một truyện ngắn như: Khẩu súng ma đậm chất hoang đường kỳ ảo. Cây đàn ghi ta cũ kỹ hay ở chi tiết, xúc động ở cái tình. Cổ văn Người thiếp yêu của quan Tổng Trấn, Cánh tay con quỷ, Gốc cây Dã hương đầy chất liêu trai mang hơi hướng Bồ Tùng Linh tiên sinh, câu văn ngắn gọn, súc tích, cốt truyện rõ ràng mà gây cấn và cái kết khá đột ngột. Tôi đồ rằng nếu cứ mạch cổ văn này, cảm hứng này, ông sáng tác thêm sáu, bảy tác phẩm nữa sẽ được một tập truyện ngắn kì ảo sinh động.

Đời thường, Lê Trí Dũng có thói quen nhặt những hòn cuội dọc đường hành quân, dọc các chuyến miên viễn hoặc ghé đến một nơi nào đó. Cũng là cái thú của người chơi… đá cuội nghệ thuật. Mỗi hòn cuội như một nhân vật, có không gian nghệ thuật tồn tại, có câu chuyện, có linh hồn trú ngụ… nhiều khi được phủ lên một màn sương huyền thoại. Đêm đêm, chúng cãi nhau, đối thoại, hoặc thì thầm tâm sự với nhau, và tôi tưởng tượng: đôi khi ông ngồi trước những hòn đá cuội đủ các sắc màu, hình thù to nhỏ, nhẵn mịn, thô tháp, nhuốm màu thời gian xa gần… để trò chuyện, đối thoại với chúng. Tôi cũng mấy lần tặng ông các viên đá cuội lớn tôi nhặt được dọc đường thiên lý: hòn cuội ở Trường Sa Đông nhẵn ngời sắc trắng san hô rất có thể người lính thủy binh nhà Nguyễn nào đó năm xưa đã từng định cầm lên tay mang về đất liền rồi lại lưỡng lự đặt xuống; hòn cuội ở đồi Phượng Hoàng - Tây Nguyên từng nhuốm máu lính đặc công ta và lính dù Việt Nam cộng hòa; hòn cuội ở bắc đảo Phú Quốc…Trong các tập sách của ông lại có những hòn cuội ký ức, mỗi “hòn cuội” một kỉ niệm, ông đã nhặt những hòn cuội cô đặc quá khứ ấy truyền cho chúng một cảm xúc, một câu chuyện cảm động, một triết lý nhân sinh..., để rồi bày chúng ra trước mắt bạn đọc MỘT CÁI NHÌN KHÁC của ông về chiến tranh, về thế thái nhân tình. Tôi có những ý nghĩ mông lung tha thiết rằng: Có bao giờ linh hồn những người lính trú ngụ trong hòn cuội Lê Trí Dũng nhặt dọc đường miên viễn đi tìm hình ảnh của mình ở “hòn cuội” ngay trong sách tản văn của ông?

Nguồn tin: Hội Nhà văn VN

 Từ khóa: lê trí dũng

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây