Ông Trần Đỗ Liêm - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Rạch Gầm: Đã ra sông là phải chắc tay chèo

Thứ tư - 08/05/2013 05:47 2.662 0
Hợp tác xã (HTX) Rạch Gầm (tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) trở thành một trong ba HTX đứng đầu cả nước trong Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Dù là mô hình HTX nhưng Rạch Gầm đến nay có nguồn vốn hoạt động trên 650 tỷ đồng, 310 phương tiện vận tải đường sông có tổng tải trọng gần 145.000 tấn; thi công cầu đường bộ và nhiều nhà xưởng, trạm xăng dầu... Ông chủ tịch của HTX nổi tiếng này sau bao năm lăn lộn sông nước, nay lại có ý định biến ngôi nhà của mình thành điểm du lịch để phục vụ sinh viên, học sinh...
Ông Trần Đỗ Liêm - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Rạch Gầm
Ông Trần Đỗ Liêm - Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Rạch Gầm
* Cơ duyên nào đưa ông từ miền Bắc đến tận vùng đất chín rồng và trụ lại nơi miền sông nước này cho đến ngày hôm nay?

- Là nhiệm vụ (cười). Tôi xuất thân từ Thanh niên xung phong, sau 5 năm phục vụ ở chiến trường, năm 1973, tôi được cử đi học tại Trường Trung học Giao thông Đường thủy.

Tháng 4/1979, HTX Vận tải Rạch Gầm thành lập, đang công tác tại Sở Giao thông - Vận tải Tiền Giang, tôi được điều về làm phó chủ nhiệm và 5 năm sau thì được bầu làm chủ nhiệm.

Để đảm đương tốt công việc, tôi phải vừa làm vừa học, thường xuyên cập nhật thông tin cũng như tự bổ sung kiến thức từ thực tế, từ các trường đại học và cứ thế, phụ trách HTX suốt 5 kỳ đại hội cho đến ngày hôm nay.

* Đảm nhiệm một chức vụ suốt 5 nhiệm kỳ, chắc xã viên HTX rất quý mến ông?

- Tất cả đều xuất phát từ lòng tin. Người dân nơi đây quen "ăn sóng, nói gió”, hào phóng, chân thành, mạnh mẽ và bao dung, nên để được họ tin, chịu vào HTX không phải dễ, để họ tín nhiệm đề cử mình vào ban chủ nhiệm càng khó hơn.

Vì thế, việc gì đã nói là phải làm và khi người ta đặt trọn niềm tin nơi mình thì mình buộc phải nỗ lực phấn đấu, lấy uy tín chinh phục lòng người.

* Để vào vai "thuyền trưởng" có gian nan lắm không, thưa ông?

- Ban đầu, HTX có khoảng 100 xã viên, 8 cán bộ, 29 ghe vỏ gỗ, 32 đò khách, 1 điện thoại, 1 máy đánh chữ, 1 gian nhà vỏn vẹn 16m2, 1 bến đậu bên bờ sông Tiền.

Thời bao cấp, thiếu thốn mọi bề nhưng vì là đơn vị vận tải đường sông chủ lực của tỉnh nên tất cả đều phải làm theo kế hoạch, mệnh lệnh.

Trên giao hàng, cung cấp nhiên liệu, đội thuyền của HTX Rạch Gầm chạy suốt ngày đêm, vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm... phục vụ cho chiến trường biên giới Tây Nam và trung chuyển lương thực ra miền Bắc.

Công việc cứ thế mà làm cho đến giai đoạn xóa bao cấp, nhưng cơ chế lúc bấy giờ chưa thoáng, làm vận tải chỉ được phép vận chuyển, lấn sân sang công việc khác là không được, là cấm kỵ, là bị kỷ luật, nên khi chuyền sang kinh tế thị truờng mọi thứ đều bị đảo lộn: nguồn cung cấp từ trên không còn, HTX phải tự cân đối thu chi, tìm khách hàng, nguồn hàng, tự tổ chức, sắp xếp kế hoạch, phân bố, điều hành lực lượng... để lo cho đời sống cán bộ, xã viên.

Thời điểm này, hàng chục phương tiện, hàng trăm con người đều trông chờ vào sự lèo lái của ban chủ nhiệm. Tài sản, nguồn vốn của HTX đều do xã viên đóng góp, làm ăn không hiệu quả thì họ làm đơn xin ra. Nguy cơ tan rã HTX cứ treo lơ lửng trên đầu.

* Trước tình hình "thông mà chưa thoáng" như vậy, ban chủ nhiệm đã làm gì để cứu HTX?

- Thời điểm đó, một nhà thầu cần một khối lượng đá để làm đường phải ký đến 5 hợp đồng với 5 đơn vị: hợp đồng mua đá, thuê xe chở ra bờ sông, bốc xếp, thuê ghe và thuê xe chở ra công trường.

Tuy thấy cách làm này không những lãng phí thời gian mà còn tốn kém chi phí, nhưng do HTX chỉ được phép vận chuyển chứ không được kinh doanh, nên để chăm lo cho cuộc sống của hàng trăm con người, chúng tôi đành "lách luật": làm thêm khâu bốc xếp và mua hộ, cứ thế cho đến khi khách hàng chỉ cần ký một hợp đồng duy nhất là hàng về đến tay. Nhờ thế mà HTX đã thoát khỏi tình cảnh tan rã.

* Ông nghĩ thế nào về tính thời cơ trong làm ăn?

- Kinh tế thị trường đã được xác lập và đang ngày càng hoàn thiện, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu và phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới.

Bằng chứng là hàng hóa Việt Nam đã xuất sang hơn 120 nước trên thế giới, với kim ngạch trên dưới 110 tỷ USD/năm, hàng hóa nhập khẩu cũng tương đương, điều này chứng tỏ đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã nhanh chóng thích nghi cũng như biết tự trang bị kiến thức, kinh nghiệm hội nhập, làm ăn với thế giới.

Tuy nhiên, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội chưa đủ, doanh nhân còn phải dám mạo hiểm, dám làm, biết làm và làm có hiệu quả.

* Trải qua gần 34 năm trong nghề, ông thấy mô hình HTX nay khác xưa ra sao?

- Hiển nhiên là khác rồi, không còn phải bắt buộc hay thuyết phục mọi người tham gia, mà ai thấy được lợi ích khi gia nhập HTX thì tự giác xin vào.

Cơ chế không như trước đây, đặc biệt từ năm 2003, khi Luật Hợp tác xã ra đời, HTX Rạch Gầm đã mạnh dạn chuyển hoạt động kinh doanh từ đơn ngành sang đa ngành, với 18 ngành gồm: vận tải hàng hóa, khách du lịch bằng đường thủy và đường bộ; khai thác, vận chuyển, cung ứng vật liệu xây dựng; đóng, sửa tàu thuyền; kinh doanh xăng dầu và xây dựng công trình giao thông... nên lực lượng xã viên tăng lên đáng kể.

Song song đó là thực hiện quản lý tập trung, hạch toán thống nhất, áp dụng phương pháp giao khoán cụ thể tới từng phương tiện, phân xưởng và hộ xã viên, tăng cường trách nhiệm cá nhân trong quản lý tài sản, phương tiện và hàng hóa.

* Hiện nay, khi kinh tế chung đang khó khăn thì HTX Rạch Gầm lại mở rộng đầu tư trên bờ, có phải HTX đang tận dụng thời cơ?

- Những dự án chúng tôi đầu tư chỉ dao động trong khoảng vài tỷ đồng chứ không nhiều, và đều khoán cho từng đội nhóm hay xã viên. Điển hình như mở trạm xăng, xã viên có đất góp vào HTX, chúng tôi lo về mặt pháp lý, đây là sự phối hợp rất tốt.

Vì HTX Rạch Gầm đang chịu trách nhiệm vận tải hàng hóa, đặc biệt là gạo xuất khẩu và cát, đá, vật liệu xây dựng từ đồng bằng sông Cửu Long về TP.HCM, Cần Thơ, và từ Đồng Nai, Bình Dương trở về Tiền Giang, nên các trạm xăng dầu ra đời vừa để đảm bảo kinh doanh vận tải của HTX, vừa cung cấp cho xã hội.

Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không sa đà vào đầu tư đa ngành nghề, mà chú trọng phát triển những lĩnh vực vốn là thế mạnh của HTX, đó là vận tải hàng hóa bằng đường sông, kinh doanh xăng dầu, xây dựng công trình giao thông, đóng, sửa tàu.

* Ngày 30/4 năm nay cũng là sinh nhật thứ 34 của HTX Rạch Gầm. Ông có thể cho biết vài thành quả của Rạch Gầm?

- Thứ nhất, đời sống xã viên ngày càng được nâng cao; thứ hai, HTX không chỉ được đánh giá cao về quy mô (gồm 8 đội tàu với trên 300 chiếc, tổng trọng tải 145.000 tấn), mà còn là một trong ba HTX đứng đầu cả nước trong Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Chính vì vậy, HTX Rạch Gầm được chọn là HTX Châu Á - Thái Bình Dương (ICA-AP) và mô hình hoạt động của HTX được dùng làm tài liệu tham khảo cho các HTX nhiều nước.

Bên cạnh đó, Rạch Gầm còn được Bộ Giao thông - Vận tải ghi nhận là một trong hai HTX vận tải hàng hóa lớn nhất nước, và là HTX đóng được tàu lớn nhất nước với trọng tải 3.000 tấn, hiện đang hoạt động rất tốt.

* Được biết, dù công việc HTX bận rộn nhưng ông vẫn có thời gian làm thơ, viết báo?

- Thơ ca là niềm đam mê, là thú vui của tôi. Tinh thần có tốt thì mới giải quyết công việc hiệu quả.

* Nghe nói ông còn có sở thích sưu tầm đồ cũ, kỷ vật, sách báo... Thú vui này của ông có từ khi nào?

- Tôi có thói quen lưu giữ những kỷ vật gắn bó với mình: chiếc nón tai bèo, bình toong đựng nước, đôi dép cao su, giấy tờ tùy thân, sổ tay, những quyển sách hay..., những đồ vật độc đáo của từng vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam và các nước.

Những món đồ đó ngày một nhiều lên nên tôi nghĩ đến việc xây dựng một không gian văn hóa để lưu trữ và trưng bày chúng. Rồi khi đi công tác, du lịch trong nước hay nước ngoài tôi đều sưu tầm tranh ảnh, những món đồ lưu niệm đặc trưng của từng nơi mình đến. Nhiều bạn bè biết tôi có sở thích này thỉnh thoảng cũng tặng tôi những món "đồ cổ”.

* Ông định biến nhà mình thành một điểm đến du lịch ở Mỹ Tho?

- Gần đúng vậy, nhưng mục đích của tôi là chỉ phục vụ những người thực sự có nhu cầu, như học sinh, sinh viên, nhà báo hay nghiên cứu sinh... cần tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học, công việc, chứ không mở cửa cho mọi người.

* Hơn nửa đời người gắn bó với nghề sông nước, giờ ông đã thấy "ngán" chưa?

- Ở đời chỗ vắng vẻ thì muốn sầm uất, chỗ ồn ào lại muốn yên tĩnh, làm nghề phân tán thì muốn tụ họp.

Đồng bằng sông Cửu Long nhiều sông rạch, là mảnh đất hữu tình, cây xanh, trái ngọt, con người chất phác, thật thà, có lẽ đây cũng là cơ duyên đưa tôi đến với ngành vận tải đường sông, và bây giờ tôi có thể chắc chắn rằng định mệnh đã gắn bó tôi với nghề sông nước.

Vì thế, tôi chỉ có thể đi cùng với nó, đưa vận tải đường sông phát triển hơn.

* Nhân lực, chi phí nhiên liệu hiện nay đang là trở lực đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải như HTX Rạch Gầm, ông có nghĩ đây mới là giai đoạn thử thách người lính giữa thời bình?

- Người có giỏi mới làm được việc khó. Một cuộc khảo sát cho thấy, 20% người giỏi tạo ra 50% hiệu quả của doanh nghiệp. Một mình doanh nhân giỏi chưa đủ, phải tập hợp được đội ngũ nhiều người giỏi trong doanh nghiệp.

Tâm có sáng mới thu giữ được người tài, chí có bền mới vững vàng trước khó khăn. Người lính xung kích thời nào cũng gian khổ, chí không bền thì không thể vượt qua thử thách, tâm trong sáng sẽ làm cho tài phát triển.

Không phải tất cả những người giàu có đều được xã hội xem trọng, đơn giản là vì trong số đó còn có những người tâm chưa được sáng. Do đó, trước tình hình hiện nay, kêu than cũng chẳng giải quyết được gì, buông lái thì thuyền chìm, có khó khăn mới biết được tài năng, bản lĩnh doanh nhân.

* Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cởi mở này.

PHAN LÊ thực hiện
Theo DNSG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây