Hình phối cảnh bảo tàng khoa học Đồng Nai. |
Bảo tàng Khoa học Đồng Nai sẽ là một thiết chế văn hóa - khoa học, có chức năng phố biến kiến thức, tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu đối tượng khoa học thuộc các lĩnh vực ở Việt Nam và quốc tế, thông qua hoạt động sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, tổ chức trưng bày triển lãm.
Ông Phạm Văn Sáng, Giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Đồng Nai cho biết, khác với bảo tàng thông thường, bảo tàng khoa học thể hiện trình độ khoa học và công nghệ một quốc gia. Bảo tàng có xu hướng mở rộng phạm vi giới thiệu bằng công nghệ mang tính tương tác cao, giúp việc tiếp thu kiến thức khoa học trở nên trực quan và dễ hiểu, nhất là với đối tượng các em học sinh.
Bảo tàng khoa học đầu tiên của Việt Nam có quy mô tương tự như Bảo tàng Khoa học quốc gia Thái Lan với diện tích khuôn viên khoảng 250.000 mét vuông cùng 5 khu trưng bày triển lãm. Địa điểm xây dựng bảo tàng dự kiến tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, gần khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học và nằm ở khu định hướng xây dựng đô thị khoa học trong tương lai.
Nội dung trưng bày của bảo tàng gồm ba phần chính là hệ thống trưng bày cố định, trưng bày chuyên đề, trưng bày ngoài trời trong đó. Phần trưng bày cố định gồm 7 chủ đề là lịch sử khoa học, khoa học cơ bản và môi trường, khoa học tự nhiên, khoa học tương lai, khoa học và cuộc sống, khoa học thiên nhiên, khoa học Việt Nam và Đồng Nai.
Dự kiến, Bảo tàng khoa học Đồng Nai sẽ khởi công vào năm 2015 và sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2018.
Tại hội thảo xây dựng cho đề án hôm qua, nhà khoa học và nhà quản lý khẳng định cần thiết phải xây dựng bảo tàng khoa học; họ đề xuất, nếu có điều kiện tỉnh Đồng Nai nên kêu gọi sự giúp đỡ phát triển thành bảo tàng mang tầm cỡ quốc gia, chứ không dừng lại ở quy mô địa phương.
Trong số ý kiến đóng góp để Bảo tàng khoa học Đồng Nai hoàn thiện hơn, các chuyên gia chủ yếu bày tỏ lo ngại về mẫu vật và kinh phí xây dựng, bảo dưỡng.
Tiến sĩ Vũ Văn Liên, nguyên giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam cho rằng, tỉnh Đồng Nai cần lưu ý đến mẫu vật và bảo quản chúng. "Bào tàng Hà Nội xây dựng với số tiền lớn nhưng không có nhiều vật mẫu, thậm chí một vài vật mẫu thường xuyên mang đi bảo quản do hư hỏng", ông Liên nói.
Đồng tình, ông Nguyễn Đông Anh, Viện trưởng Viện cơ học băn khoăn không biết Đồng Nai đã sưu tầm nhiều mẫu vật hay chưa. "Nếu chưa, Đồng Nai cần thu thập ngay từ bây giờ bằng cách mua lại hoặc chế mẫu gần giống. Một mẫu vật có thể thu hút hàng trăm người xem", ông Anh đề xuất.
Bên cạnh mẫu vật, địa điểm xây dựng là vấn đề rất quan trọng với bảo tàng. Theo ông Liên, chọn không đúng vị trí sẽ hoang phí tiền của. "Bảo tàng đặt ở xa trung tâm thành phố là vấn đề cực kỳ nan giải", ông Liên nói.
Nguyên giám đốc Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam dẫn chứng, từ thế kỷ 16, nước Anh có bảo tàng vũ khí thu hút đông người xem, sau đó bảo tàng này được di dời ra ngoại ô. 15 năm sau, nước Anh lại đưa bảo tàng về vị trí cũ.
"Giám đốc một bảo tàng ở Mỹ từng nói, bảo tàng cần đặt ở nơi thuận tiện đi lại, có tàu ngầm đi qua, tàu hỏa đi ở trên, có xe điện thuận tiện đi lại", ông Liên nói và nhấn mạnh, chọn vị trí mà người dân hay học sinh không đến tham qua thì không nên xây dựng bảo tàng.
Kinh phí cho Bảo tàng Khoa học Đồng Nai cũng là vấn đề được giới khoa học quan tâm. Viện trưởng Viện Cơ học cho hay, bên cạnh số tiền cho trưng bày và xây cất, còn khoản tiền bảo dưỡng hàng năm rất lớn. "Bảo tàng Hà Nội là một minh chứng khi số tiền đầu tư không nhỏ nhưng rất ít người tới tham quan. Bảo tàng Khoa học Đồng Nai đi sau cần tính toán xem xét kỹ lưỡng".
Một vài chuyên gia khác đề xuất, để thu hút nhiều người quan tâm, Bảo tàng cần thể hiện rõ đặc điểm thiên nhiên, con người và ngành công nghệ Việt Nam, với sắc thái riêng, không lặp lại ở các bảo tàng hiện có.
Trao đổi với VnExpress, tiến sĩ Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ đánh giá cao ý tưởng của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Bộ trưởng Quân cho rằng, đây là dự án bảo tàng khoa học khoa học đầu tiên có quy mô địa phương, nhưng nó có ý nghĩa quan trọng với ngành khoa học công nghệ nước nhà.
"Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ và ủng hộ ý tưởng đó. Bằng mọi nguồn lực, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ hỗ trợ cho Đồng Nai".
Bộ trưởng Quân mong muốn, nội dung trưng bày của Bảo tàng không chỉ giới thiệu lịch sử hình thành các ngành khoa học mà phải chú ý hướng giới thiệu thành tựu khoa học mới nhất trong tương lai. "Tôi hy vọng bảo tàng sẽ là nơi nuôi dưỡng tình yêu đam mê khoa học công nghệ trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh sinh viên".
Tác giả: Hương Thu
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc