Đợt nắng nóng năm ngoái là đợt nắng nóng dữ dội nhất trong 11.300 năm. Ảnh: bengalnewz.com. |
Shaun Marcott, một nhà khoa học của Đại học Oregon tại Mỹ, cùng các đồng nghiệp sử dụng những hóa thạch nhỏ xíu cổ xưa mà họ tìm thấy dưới đáy đại dương để dựng mô hình về nhiệt độ trung bình toàn cầu trong trong 11.300 năm, AP đưa tin.
Kết quả cho thấy thập niên từ 1900 tới 1910 là thập niên lạnh nhất trong 11.300 năm. Nhưng chỉ 100 năm sau, thập niên từ năm 2000 tới 2010 là thập niên nóng nhất.
"Trong vòng 100 năm, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã dao động từ mức thấp nhất tới mức cao nhất. Chúng tôi chưa bao giờ thấy nhiệt độ biến động nhanh như thế. Ngay cả trong kỷ Băng Hà, nhiệt độ trung bình toàn cầu chưa bao giờ thay đổi nhanh như trong vòng 100 năm qua", Marcott phát biểu.
Dữ liệu của nhóm Marcott cho thấy, sau khi kỷ Băng Hà kết thúc khoảng 7.000 năm trước, nhiệt độ trung bình toàn cầu phải "chờ" tới 4.000 năm để tăng thêm 1,25 độ C. Song chỉ từ thập niên 20 tới thập niên 40, nhiệt độ trung bình cũng tăng với mức tương tự.
"Nghiên cứu cho thấy nhiệt độ trong đợt nắng nóng vừa qua đạt mức cao nhất trong hơn 11.000 năm", giáo sư Michael Mann, một chuyên gia của Đại học Pennsylvania tại Mỹ, phát biểu. Ông không tham gia nghiên cứu của nhóm Marcott.
Mỹ, Canada, Australia và hàng loạt quốc gia châu Âu hứng chịu đợt nóng kỷ lục trong mùa hè năm ngoái. Chẳng hạn, nhiệt độ tại thủ đô Washington của Mỹ lên tới 41 độ C vào ngày 7/7/2012. Nhiệt độ tại Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Croatia, Thụy Sỹ vượt mức 40 độ C trong nhiều ngày vào tháng 8 năm ngoái, gây nên hàng chục vụ cháy rừng. Hỏa hoạn cũng hoành hành tại nhiều vùng ở Australia, nơi nhiệt độ từng lên tới hơn 45 độ C vào tháng đầu tiên của năm nay.
Tác giả: Hải Anh
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc