Hình minh họa các thiên thạch trong Thái Dương Hệ. Ảnh: blogspot.com. |
Ông Vladimir Popovkin, giám đốc Roscosmos, thông báo ý định của Roscosmos khi trả lời phỏng vấn của báo Rossiiskaya Gazeta.
"Đó là một dự án thú vị và NASA đã đề nghị các chuyên gia của Nga tham gia. Chúng tôi có thể phóng một phi thuyền chở người tới thiên thạch hoặc nghiên cứu nó bằng phi thuyền tự động", ông nói.
Viện Nghiên cứu Không gian Keck thuộc Viện Công nghệ California tại Mỹ là cơ sở đầu tiên đề xuất ý tưởng tóm một thiên thạch có chiều dài 7 m và khối lượng chừng 500 tấn rồi kéo nó tới quỹ đạo cao của mặt trăng. Trên quỹ đạo cao của mặt trăng, thiên thạch đó sẽ trở thành trạm trung gian cho các chuyến bay xa xôi trong tương lai.
Một số báo đưa tin NASA sẽ yêu cầu quốc hội Mỹ cấp 100 triệu USD để họ có thể bắt đầu thực hiện dự án. Theo các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Không gian Keck, tổng chi phí cho dự án vào khoảng 2,65 tỷ USD.
Cũng trong buổi phỏng vấn, ông Popovkin tiết lộ thêm rằng Nga sẽ thiết lập hệ thống theo dõi các thiên thể có khả năng gây hại cho địa cầu trước năm 2020.
"Chúng ta nên bắt đầu nghĩ tới cách đối phó những hiểm họa từ vũ trụ như thiên thạch", ông bình luận.
Một thiên thạch lớn lao xuống miền trung nước Nga vào ngày 15/2, gây nên tiếng nổ lớn và khiến hơn 1.000 người bị thương. Sau sự kiện hi hữu đó, giới chức Nga và Mỹ đều đề cao tầm quan trọng của hệ thống phòng thủ thiên thạch.
"Thiên thạch đe dọa toàn bộ trái đất, chứ không chỉ riêng một quốc gia. Chúng ta chỉ có thể bảo vệ cả thế giới nếu chúng ta hợp tác với nhau ở quy mô quốc tế. Chúng ta sẽ thất bại nếu mỗi nước chỉ cố gắng tự thực hiện nỗ lực đó một cách riêng rẽ", ông nhận xét.
Tác giả: Minh Long
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc