Một bức ảnh Curiosity do các camera của nó tự chụp. Ảnh: NASA. |
Địa cầu, mặt trời và sao Hỏa sẽ xếp thẳng hàng trong tháng 4, với mặt trời ở giữa. Vì thế, nếu quan sát từ trái đất trong tháng 4, chúng ta sẽ không thấy sao Hỏa do hành tinh đỏ "trốn" phía sau mặt trời.
Liên lạc bằng sóng radio sẽ trở nên cực kỳ khó khăn khi mặt trời chắn giữa hai hành tinh. Dữ liệu mà các thiết bị trên sao Hỏa gửi về, chẳng hạn như ảnh, có thể bị trễ. Ngoài ra, có thể tín hiệu điều khiển từ trái đất sẽ không thể tới các thiết bị sao Hỏa. Vì thế, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ không gửi mệnh lệnh tới các thiết bị trên sao Hỏa trong tháng 4.
Hiện tại 4 thiết bị của Mỹ đang thám hiểm sao Hỏa. Chúng bao gồm hai robot tự hành (Curiosity và Opportunity) cùng hai phi thuyền đang bay trên quỹ đạo (Odyssey Mars Reconnaissance và Orbiter). Do mặt trời chắn giữa sao Hỏa và địa cầu, Curiosity sẽ không thể gửi dữ liệu. Robot sẽ ngừng di chuyển trong suốt tháng 4 và chỉ thu thập thông tin về thời tiết, môi trường. Cứ sau mỗi khoảng thời gian nhất định, robot sẽ gửi một tiếng "bíp" về trung tâm điều khiển, BBC đưa tin.
"Đó là một tín hiệu rất đơn giản để chúng tôi biết rằng Curiosity vẫn ổn, hay ít nhất nó chưa gặp vấn đề gì", Jim Erickson, phó giám đốc dự án Curiosity của NASA, phát biểu.
Giống như Curiosity, thiết bị tự hành Opportunity cũng sẽ ngừng di chuyển và chỉ thực hiện vài hoạt động đơn giản.
Phi thuyền Odyssey có thể gửi một số dạng dữ liệu, song Mars Reconnaissance Orbiter sẽ chỉ lưu trữ thông tin của Curiosity trong suốt tháng 4.
Hiện tượng sao Hỏa, mặt trời, trái đất xếp thẳng hàng xảy ra theo chu kỳ khoảng 26 tháng.
Tác giả: Minh Long
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc