Đất dữ của những kẻ săn trộm tê giác

Thứ hai - 15/04/2013 08:10 911 0
Bằng cách điều động binh lính và voi vào hoạt động truy lùng bọn săn trộm, hay chia sẻ lợi nhuận du lịch cho người dân quanh rừng quốc gia, Nepal đã tạo nên một kỳ tích trong hoạt động chống săn trộm tê giác.
Số lượng tê giác trong vườn quốc gia Chitwan tăng thêm 500 con
Số lượng tê giác trong vườn quốc gia Chitwan tăng thêm 500 con

Với diện tích 930 km vuông, phần lớn diện tích vườn quốc gia Chitwan ở Nepal được bao phủ bởi những cây Sal và đồng cỏ. Những vùng đất thấp và bằng phẳng là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật đang gặp nguy hiểm như hổ Bengal, tê giác, báo và cá sấu Gharial.

Vườn quốc gia Chitwan từng là nơi hoạt động của nhiều tay săn trộm tê giác. Chúng thường xuyên săn trộm những loài động vật hoang dã như hổ, tê giác, voi, báo để lấy các bộ phận cũng như da của loài này bởi những mặt hàng đó có giá trị hàng nghìn USD ở chợ đen. Nhưng những kẻ săn trộm đang phải lẩn trốn.

Nepal đang một câu chuyện thành công hiếm hoi về hoạt động bảo tồn ở Nam Á. Các nhân viên của vườn quốc gia Chitwan kết hợp với lực lượng quân đội Nepal để chống nạn săn trộm tê giác suốt những năm qua.

Vườn Quốc gia Chitwan nằm dưới chân dãy núi Himalaya đã thành công phần nào trong hoạt động bảo vệ tê giác một sừng- một loài vật nổi tiếng nhất ở đây. Bọn săn trộm còn gọi chúng là những con tê giác Ấn Độ.

Một số nhà bảo tồn cho rằng tê giác một sừng là một trong những loài nguy cấp nhất trên thế giới. Chúng nằm trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế.

Nỗ lực bảo tồn tại Nepal thành công nhờ rất nhiều sáng kiến, bao gồm những biện pháp cứng rắn chống lại những kẻ săn trộm, hoạt động tình báo và sự phối hợp giữa chính quyền với những người dân sống quanh khu bảo tồn. Chủ trương điều binh lính trở lại giám sát vườn quốc gia cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công.

Năm 2011, không con tê giác nào mất mạng. Năm 2012, chỉ một con tê giác bị bắn chết.

“Theo cuộc điều tra mới nhất của chúng tôi vào năm 2011, số lượng tê giác trong vườn quốc gia tăng hơn 500 con”, Kamal Jung Kunwar, một quan chức cấp cao của Bộ Công viên Quốc gia và Bảo tồn Thiên nhiên Nepal cho biết.

Giới chức Nepal khẳng định rằng họ không được phép tự mãn với những thành tựu trong hoạt động chống săn trộm. Ảnh: BBC.
Giới chức Nepal khẳng định rằng họ không được phép tự mãn với những thành tựu trong hoạt động chống săn trộm. Ảnh: BBC.

Là người đứng đầu hoạt động chống săn trộm tê giác từ năm 2003 đến 2007, ông Kunwar đóng vai trò chủ chốt trong hoạt động bảo tồn các loài tê giác của Chitwan. Các đội bảo vệ rừng của ông thường xuyên cưỡi voi vào rừng để truy tìm những kẻ săn trộm. Voi giúp con người đi lại thuận tiện hơn ở những khu vực không có đường sá.

“Đôi khi chúng tôi mang voi từ các công viên quốc gia khác để tiến hành một cuộc tìm kiếm trên phạm vi rộng. Khoảng 20 đến 25 chú voi sẽ tham gia vào cuộc tìm kiếm này. Chúng tôi sẽ lật tung khắp khu vực bụi rậm và đồng cỏ cao để tìm ra hang ổ của những tay săn trộm”, Rupak Mahajan, điều phối viên trong các hoạt động chống săn trộm tại vườn quốc gia chia sẻ.

Vai trò quan trọng của quân đội trong nỗ lực chống săn trộm thể hiện rõ rệt thông qua việc rất nhiều lính gác đứng ở khắp khu rừng. Họ thường xuyên tuần tra với nhân viên của vườn quốc gia. Hơn 1.000 lính hoạt động trên 40 địa điểm trong khu bảo tồn. Một số tuần tra sâu trong rừng.

Khi sang phía bên kia khu rừng, đội tuần tra chuyển sang chiếc xe bốn bánh. Ông Mahajan giải thích rằng kiểu di chuyển này giúp họ lần theo dấu vết của bọn săn trộm một cách nhanh chóng nếu họ nhận được thông tin nào về sự hiện diện của chúng.

Đôi khi việc đi bộ để tuần tra trở nên cần thiết cho đội. Nhiều lần họ dùng thuyền đi trên những con sông và kênh chảy qua khu bảo tồn.

Sự tham gia của người dân sống quanh khu bảo tồn trong nỗ lực bảo vệ những loài đang gặp nguy hiểm mang lại lợi ích cho cả hai bên. Ông Kunwar giải thích rằng họ nhận được từ 30 đến 40% tổng doanh thu du lịch từ phía vườn quốc gia đối với những dự án phát triển ở làng của họ.

“Điều đó khiến họ có cảm giác được sở hữu”, ông Kunwar, tác giả cuốn sách “Bốn năm vì tê giác”, phát biểu. Cuốn sách này viết về kế hoạch tỉ mỉ mà đã được đưa vào dự án bảo tồn.

WWF cũng chế tạo chiếc máy bay đặc biệt không người lái để phát hiện những kẻ săn trộm, định vị những những đám cháy trong rừng và phát hiện hành vi đốn cây bất hợp pháp.

Voi giúp các đội chống săn trộm di chuyển trong những khu vực mà họ không thấy đường. Ảnh: BBC.
Voi giúp các đội chống săn trộm di chuyển trong những khu vực mà họ không thấy đường. Ảnh: BBC.

Điều phối viên Diwakar Chapagain của Trung tâm Kiểm soát buôn bán động vật hoang dã ở Nepal nhận định chống săn trộm là cuộc chiến mà chính phủ không thể giành thắng lợi nhanh chóng được. Nhu cầu đối với sừng tê giác vẫn rất lớn và đang tăng.

“Những tay săn trộm và buôn lậu có rất nhiều tiền. Họ đang lợi dụng người dân nghèo, bao gồm cả người dân sống quanh khu bảo tồn. Nếu chúng ta không kiểm soát được nhu cầu của thị trường, những mối đe dọa đối với động vật hoang dã vẫn luôn tồn tại”.

Tuy nhiên, việc tăng cường luật pháp đang góp phần bảo vệ những con tê giác. Khoảng 150 tay săn trộm và đồng bọn đã bị kết án và bỏ tù trong những năm qua. Mức án dành cho chúng từ 5 đến 15 năm tù. Người đứng đầu khu bảo tồn thậm chí có quyền lực như tòa án.

“Những hình phạt cứng rắn đóng vai trò là một rào cản đối với bọn săn trộm”, ông Kunwar cho biết.

Trong khi nạn săn trộm tê giác có thể giảm đáng kể, số lượng tê giác bị săn trộm lại tăng đột ngột ở Vườn quốc gia Kaziranga của Ấn Độ. Đây là nơi sở hữu số lượng tê giác một sừng lớn nhất thế giới. Ít nhất 17 con đã bị giết tại đây từ đầu năm 2013.Các nhà bảo tồn nhận định bọn săn trộm đang quay lại Kaziranga bởi vì chúng lo sợ những hoạt động kiểm soát chặt chẽ ở Nepal.

Đoàn Hạnh (theo BBC)

Nguồn tin: VN Express

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây