Nhà sinh học Francis Crick và tấm huy chương Nobel của ông. Ảnh: BBC. |
Francis Crick, nhà sinh học người Anh, cùng với đồng nghiệp Jim Watson, Maurice Wilkins đã tìm ra cấu trúc của DNA vào năm 1953, khi cả ba người đang làm việc tại Đại học Cambridge, Anh.
Một tuần trước khi phát hiện được công bố, ông đã viết thư cho cậu con trai Michael Crick, khi đó mới 12 tuổi, để giải thích về cấu trúc DNA. Trong bức thư, được đề ngày 19/3/1953, Crick nói rằng phát hiện của ông có thể giải thích nguồn gốc của sự sống. Nhà sinh học vẽ một biểu đồ hình xoắn ốc trong thư để minh họa cấu trúc của DNA và dùng từ "tuyệt đẹp" để mô tả nó. Ông khẳng định với con trai rằng cấu trúc DNA sẽ là một trong những phát hiện quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại.
"Bố và các đồng nghiệp đã xây dựng thành công mô hình cấu trúc des-oxy-ribose-nucleic-acid (con hãy đọc nó cẩn thận nhé), gọi tắt là DNA. Nói cách khác, nhóm của bố đã tìm ra cơ chế sao chép cơ bản để sự sống tạo ra sự sống", Crick viết trong thư.
Lá thư của Francis Crick được bán với giá 2,27 triệu USD. Ảnh: BNPS. |
Vào ngày 10/4, lá thư và huy chương Nobel của Crick xuất hiện trong một cuộc bán đấu giá của hãng Christie's tại thành phố New York, Mỹ. Giá khởi điểm của lá thư là 1,1 triệu bảng.
Phần lớn người mua không tới New York. Họ ra giá bằng điện thoại và mạng Internet. Một người mua giấu tên đã giành quyền mua lá thư sau khi trả mức giá cao nhất là 5,3 triệu USD, BBC đưa tin.
Jack Wang - chủ một doanh nghiệp tại bang California, Mỹ - trở thành người thắng cuộc trong cuộc đấu giá mua tấm huy chương Nobel. Mức giá của anh là 2,27 triệu USD.
Crick cùng Watson và Wilkins đoạt giải Nobel Y học vào năm 1962 nhờ phát hiện về cấu trúc DNA. Ông qua đời tại Mỹ vào năm 2004 vì ung thư ruột kết. Khi đó ông làm việc tại Đại học California ở thành phố San Diego.
Michael, con trai của Crick, giờ đã trở thành một cụ ông 72 tuổi và đang sống tại thành phố Seattle, Mỹ. Theo Michael, phần lớn số tiền mà ông thu được từ việc bán đấu giá bức thư và huy chương sẽ được hiến tặng cho các hoạt động nghiên cứu về thần kinh tại Viện Salk ở thành phố La Jolla, bang California. Crick đã nghiên cứu tại Viện Salk sau khi rời Đại học Cambridge và gắn bó với viện này trong 27 năm.
Tác giả: Minh Long
Nguồn tin: VN Express
Ý kiến bạn đọc