Tưng bừng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ IX

Thứ sáu - 18/02/2011 02:54 2.465 0

Tưng bừng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ IX

Ban Tổ chức Ngày Thơ năm nay “mở cửa” rộng hơn cho thơ ra với công chúng, tới tận các Câu Lạc Bộ Thơ vốn sinh ra bởi những người yêu thơ nhàn tản; đằng khác, vẫn nỗ lực để tôn vinh thơ bác học, thơ hay. Đặc biệt, BTC đã dành cho các nhà thơ trẻ không gian rộng rãi hơn, nhiều gợi mở hơn để mặc sức bay bổng và thử nghiệm. Nhưng điểm nhấn mới lạ năm nay, hình như nằm ở chỗ các nhà tổ chức muốn thơ thiêng hơn trong sứ mệnh dấn thân, trong khát vọng làm đệp và gìn giữ trọn vẹn Đất Nước cùng mùa xuân đang ngời ngợi đẹp.

Tưng bừng, cờ hoa, khắp nơi giăng mắc đèn lồng, thảm đỏ được trải  từ cổng   để đón khách yêu thơ. Mặc dù thời tiết buổi sáng rất xấu (lạnh và mưa phùn) nhưng dòng người vẫn tấp nập đổ về khu di tích Văn Miếu. Có lẽ, tám năm qua, vượt qua thử thách khắc nghiệt của thời gian, vạch mốc, nguyên tiêu- rằm tháng riêng, đã trở thành một địa chỉ quen thuộc và ấm áp trong lòng người yêu thơ rồi. Ngày thơ năm nay, với chủ đề làm cho thơ ca góp phần tốt nhất vào sự nghiệp xây dựng con người và văn hóa dân tộc. Đồng thời, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước và 70 năm Bác trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1911-2011). Nên ngoài các hoạt động lễ hội quen thuộc, buổi khai mạc, được bắt đầu với lễ đón nhận gói đất lấy từ vườn nhà Bác Hồ và Ống Bương nước lấy từ suối nguồn Pác Bó. Sau bài diễn văn ngắn gọn khai mạc ngày thơ Việt Nam lần thứ IX, phần đọc thơ được bắt đầu với nhà thơ….Chế Lan Viên. Qua băng thu âm được lưu giữ khi nhà thơ tại thế và qua phần ngâm bài thơ “người đi tìm hình của nước” của giọng ngâm cụ bà nghệ sĩ Trần thị Tuyết, khán giả yêu thơ được trở lại với không khí thi ca của một thời đất nước gian lao. Dẫn dắt chương trình vẫn là gương mặt quen thuộc của nhà thơ Dương Dương Hảo. Song năm nay, bên cạnh sự dịu dàng, đằm thắm của nữ sĩ khả ái này, phối với sự  thô ráp,  mạnh mẽ đầy nam tính của tân MC Nguyễn Việt Chiến, như là một cuộc gặp gỡ có duyên. Với sự hô ứng, bù trừ,  khiến chương trình được dẫn dắt qua các thi điệu thăng trầm với các giọng thơ của: Trần Hùng -Bùi Thị Tuyết Mai, Nguyễn Việt Chiến –Thúy Quỳnh. Hoàng Nhuận Cầm-Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Phan Quế Mai….

Đúng như cách phân chia kiểu “dân gian”  của những người yêu thơ “sân thơ già-sân thơ trẻ”. Những thi phẩm trình bày trên sân “già”, quả nhiên chất chứa bao nỗi niềm, mà nếu không từng nếm trải qua bao ngọt ngào và cay đắng của vạn lý đời người, thì khó lòng mà phát xuất.

Trên trên sân khấu, cách thể hiện của các nhà thơ trên sân hiện đại, hình như cũng hiền hơn so với những năm trước. Đa số, chỉ đọc thơ chay trên nền nhạc, chỉ có một vài người sử dụng dàn múa phụ họa.

Cũng vẫn là những vần thơ từ chối vần điệu, với cách lập ý và sử dụng thi ảnh khá lạ lẫm. Tuy nhiên cái lạ, cái khác đến đâu mà xuân qua hạ tới vẫn dừng chân mãi bên đường, không chịu chuyển  động thì khó có thể gây hứng khởi cho người thưởng lãm.

 Trong phần giao lưu với các nhà thơ trẻ, có khá nhiều ý kiến của những người yêu thơ đã đứng tuổi,, họ đều gặp nhau ở chỗ bày tỏ sự khâm phục trước những cách tân táo bạo của tuổi trẻ. Song cũng không ngần ngại thể  hiện sự e ngại về điểm đích mà những nhà thơ trẻ đang hướng đến. Đặc biệt, có một nhóm những người yêu thơ đến từ thành phố hoa Đà Lạt. Họ đều là những người đã trọng tuổi, không quản  xa xối cách trở, bay ra Hà Nội từ chiều hôm trước. Họ đều nói rằng, đã cảm thấy rất mãn nguyện được hòa vào không khí thi ca của  đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Khi được hỏi, sang năm liệu các bác còn ra đây nữa không? Bác Lê Tăng (71 tuổi), tự giới thiệu là nhà thơ hội hưu, đến từ TP Hồ Chí Minh, cười sảng khoái:

“Trời cho sống đến sang năm, là chúng ta lại gặp nhau ở đây anh ạ”.

Ngoài hai sân thơ già-trẻ bên Văn Miếu, năm nay, còn có sân thơ Thiếu Nhi, ở Hồ Văn, tuy không có điều kiện ra, nhưng nghe nói ở đó cũng rất thú vị. Như vậy là Nam-phụ-lão-ấu, thảy đều không thể thờ ơ trước sức quyến rũ của thi ca.

Hội thơ năm nay đã là lần thứ 9, đã là địa chỉ quen thuộc để người yêu thơ có chỗ đi về.

Hội thơ đã khép lại . Những vần thơ Việt đã theo gió bay khắp bốn phương, đưa những thông điệp về cái đẹp về tình yêu đến bè bạn năm châu.

Tác giả: Trần Sáng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây