Trong Ngày thơ tại Văn Miếu, Hà Nội, sáng 17/2, sân thơ Hiện đại (sân thơ Trẻ mọi năm) vẫn được chờ đón nhất với nhiều gương mặt nổi bật và được công chúng biết đến như Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Phan Quế Mai…
Sân thơ Hiện đại năm nay chọn cách đọc thơ truyền thống. Theo nhà thơ Phan Huyền Thư, nếu đọc thơ đơn thuần, không kết hợp trình diễn tức là đang dọn đường cho tiết tấu, giai điệu thơ có cơ hội bừng sáng.
Sự xuất hiện của Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh trên sân khấu đem lại màn trình diễn đúng nghĩa duy nhất tại Ngày thơ năm nay. Trong bài “Bất tận”, hai nghệ sĩ cùng “trốn” trong một tấm vải trắng đen rồi dần thoát ra và thực hiện nhiều động tác biểu cảm thể hiện ý tưởng của bài thơ. Đây cũng là tiết mục "đinh" của sân thơ Hiện đại.
Ảnh trái: Vi Thùy Linh và Đào Anh Khánh trình diễn bài “Bất tận”. Ảnh phải: Một số nghệ sĩ hình thể của Nhà hát Tuổi Trẻ biểu diễn phụ trợ trong sân thơ Hiện đại, tuy nhiên chỉ có ý nghĩa gợi mở giữa các phần chứ không phải là minh họa cho bài thơ nào cả. Ảnh: Hoàng Hà/ Pham Mi Ly. |
Mặc dù vậy, năm nay công chúng dự sân thơ Hiện đại không đông bằng sân thơ Truyền thống, không kín đặc người đến nỗi không chen qua được.
Việc đổi tên sân thơ Trẻ thành sân thơ Hiện đại với ý định mở rộng đối tượng tham gia cũng không thoát khỏi cảnh “bình mới rượu cũ”. Vẫn là những gương mặt của năm trước xuất hiện trở lại. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, năm nay không thấy có nhà thơ “lão tướng” nào như Dương Tường năm 2008, cũng không có tiết mục mới mẻ như màn quấn giấy vệ sinh chép đầy thơ lên người như Dương Tường từng làm. Kiểu trình diễn như vậy có thể làm công chúng “choáng”, gây tranh cãi nhưng đó mới là cách gây hiệu ứng tốt.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng, trình diễn thơ cũng cần phải phong phú như thơ. Thơ có tứ tuyệt, lục bát, thơ tự do, thơ có vần, thơ không vần, trình diễn cũng cần mở rộng theo kịp. Sân thơ Hiện đại có nhà thơ Mai Văn Phấn, 56 tuổi, là gương mặt lớn tuổi nhất. Tuy nhiên, theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, lứa tuổi nên đa dạng hơn nữa, có nhiều nhà thơ 60-70 hơn nữa. Bởi sân thơ Hiện đại dường như là nơi gánh trọng trách phá cách, tìm tòi, thể nghiệm cái mới trong trình diễn thơ.
Ảnh trên: Dịch giả Thúy Toàn (giữa) chụp ảnh cùng các em học sinh tại Văn Miếu (Hà Nội), trước mặt là các bản dịch cuốn “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh ở hơn 10 thứ tiếng (Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Italy, Trung Quốc…) do ông dành cả đời để sưu tầm. Ảnh dưới: Ông Nguyễn Ngọc Căn, hội viên 68 tuổi của Hội Nhà văn Hà Nội, được nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai biếu tập “Cởi gió” và ký tặng. Ông cho biết sẽ mang tập thơ này về cho người bạn Nguyễn Văn Vịnh, 65 tuổi, đang nằm viện nhiều năm nay vì bệnh hiểm nghèo với mong muốn “Biết đâu tập thơ này lại là nguồn động viên giúp bạn tôi mau khỏi bệnh”. Ảnh: Pham Mi Ly. |
Bên cạnh đó, sân thơ Thiếu nhi năm nay được Hội Nhà văn cho tổ chức tại hồ Văn, nằm phía bên kia đường Quốc Tử Giám nhìn từ cổng chính Văn Miếu. Tuy nhiên, không gian riêng và rộng hơn các năm không trở thành ưu thế mà lại tạo khó khăn cho đơn vị tổ chức là nhà xuất bản Kim Đồng. Theo họa sĩ Phạm Quang Vinh, giám đốc nhà xuất bản, vị trí của sân thơ Thiếu nhi khiến công chúng gặp bất lợi khi phải băng qua lòng đường chật ních xe cộ. Đường Quốc Tử Giám và các tuyến đường xung quanh khá đông đúc trong suốt buổi sáng 17/2. Nhiều người còn không biết có sân thơ Thiếu nhi bên ngoài hồ Văn vì tưởng rằng không gian Ngày thơ gói gọn trong khuôn khổ Văn Miếu.
“Chỉ riêng trong Văn Miếu thôi mà cũng đã quá rộng, các sân thơ cũng diễn ra đồng thời nên không thể theo dõi hết được” là lời than phiền của nhiều độc giả. Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (tác giả cuốn Sát thủ online) cho rằng, cách tổ chức của Ngày thơ khiến công chúng buộc phải lựa chọn giữa các sân thơ, khó có thể tham quan toàn bộ.
Đúng như ý định ban đầu, Ngày thơ năm nay tại Hà Nội không có màn trình diễn gây sốc nào. Khá đáng tiếc là sự trầm lắng này diễn ra trong thời điểm công chúng bắt đầu chấp nhận phá cách và háo hức mong đợi phá cách khi tới dự Ngày thơ.
Tại TP HCM, việc thiếu các sân chơi sôi nổi, vắng độc giả, chương trình diễn ra theo trình tự đều đều khiến Ngày Thơ mang không khí lặng lẽ và kém ngẫu hứng.
Với chủ đề “Từ thành phố này người đã ra đi”, bám sát kỷ niệm 100 ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước (1911 - 2011), Ngày Thơ lần IX tại TP HCM (diễn ra ở Bến Nhà Rồng, quận 4), mở đầu theo đúng khuôn nghi thức các năm trước. Tại sân khấu chính, sau bài phát biểu của ông Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội nhà văn TP HCM, đúng 8h30, đại diện lãnh đạo TP, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm gióng những hồi trống mạnh mẽ, báo hiệu ngày của thi ca bắt đầu vào hội.
Các ca sĩ, nghệ sĩ ngâm thơ như Cao Minh, Vân Khanh, Hồng Vân... lần lượt mang đến giây phút lắng đọng với màn hát, diễn ngâm bài Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (nhạc: Cao Việt Bách, lời: Đăng Trung),Nam Quốc Sơn hà (Lý Thường Kiệt), Nguyên Tiêu (Chủ tịch Hồ Chí Minh)...
9h, chương trình thơ - nhạc diễn ra với sự tham gia của nhiều gương mặt thi sĩ như: Trương Minh Nhựt, Lam Giang, Lê Tú Lệ, Từ Quốc Hoài, Trần Thị Khánh Hội, Tôn Nữ Thu Thủy... Cái nắng nóng chói chang, gay gắt của phương Nam khiến người dự dần thưa đi. Tuy vậy, vẫn có nhiều người kiên nhẫn chờ đến 10h30 thưởng thức phần giao lưu của Sân thơ trẻ.
Ảnh trên: Các gương mặt nhà thơ, nhà văn vừa được kết nạp vào Hội nhà văn TP HCM ra mắt trong Ngày Thơ. Ảnh dưới: Nhà ở quận Phú Nhuận, cụ Tú Nguyên, 91 tuổi đón xe ôm đến Bến Nhà Rồng, quận 4 để không lỡ dịp thưởng thức không khí thơ ca. Ảnh:Anh Vân. |
Chương trình Thơ trẻ năm nay do nhà thơ Phan Hoàng và Ngô Thị Hạnh viết kịch bản. Dịp này, Hội Nhà văn TP HCM giới thiệu chân dung các nhà văn, nhà thơ trẻ vừa được kết nạp vào hội, gồm: Trương Gia Hòa, Song Phạm, Trần Hoàng Nhân, Lê Thùy Vân, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang. Sau màn ra mắt, nhà thơ Gia Hòa và Thùy Vân đã "đội nắng" để đọc cho mọi người thưởng thức sáng tác mới của mình.
Có nhiều ý kiến khác nhau về không khí Ngày Thơ TP HCM. Theo chị Hồ Khánh Vân, giảng viên bộ môn Lý luận và phê bình văn học ĐH KHXH&NV, Hội nhà văn TP cho thấy sự cố gắng khi tổ chức hoạt động thu hút mọi người về với cội nguồn thi ca, văn hóa dân tộc. "Tuy vậy, qua các lần tham dự, tôi thấy hình thức tổ chức còn quá cũ, chưa toát lên chất sáng tạo của lĩnh vực thi ca, chưa có nhiều tương tác giữa độc giả - tác phẩm - tác giả". Cùng ý kiến, nhà thơ trẻ Lê Thùy Vân cho rằng, qua vài năm tổ chức, Ngày thơ vẫn cho thấy sự buồn tẻ, bó buộc và thiếu bay bổng trong cảm xúc.
Ngược lại, thi sĩ Phan Hoàng cho rằng, có lẽ có một sự hiểu nhầm khi cho rằng sân chơi thơ trẻ nói riêng và ngày thơ nói chung ở Sài Gòn diễn ra không sôi động. "Theo tôi, sân Thơ trẻ TP HCM sẽ không bao giờ sôi động vì bản chất của sáng tạo thi ca là sự lặng lẽ, thầm lặng. Người trẻ ngày nay bộn bề công việc nhưng vẫn cố gắng sáng tác, ra thơ đều đặn. Đến với ngày thơ, họ vẫn giữ được tinh thần thi ca, tinh thần nhân văn là điều rất quý".
Ngoài chương trình sân khấu, độc giả có thể dạo bước quanh các gian thơ của 15 CLB thi ca tại TP HCM. Cách thức trình bày gian thơ không nhiều sáng tạo, vẫn hình ảnh tre nứa, giỏ thơ, cây thơ quen thuộc. Có lẽ, điều luôn tươi mới chính là tình cảm của con người dành cho thơ. Ngồi nép một góc riêng tại gian thơ CLB quận 4, nhà thơ Dạ Thảo đọc to cho người bạn già của mình là nhà thơ Thanh Sử nghe một bài lục bát. Rồi cả hai gật gù tâm đắc như để cảm nhận câu thơ mình vừa đọc thấm vào gió, nắng buổi sáng mùa xuân trên Bến Nhà Rồng.
Một góc khác, cụ Tú Nguyên, 91 tuổi, thong thả ngắm nghía các cây thơ, thỉnh thoảng ông dừng chân lại để đọc một đôi câu đối, sáng tác trên bức mành thư pháp. "Tôi từng dự Ngày Thơ ở Văn Miếu, Hà Nội. Nói chung, ngoài ấy sôi nổi, rôm rả hơn ở đây. Nhưng với tôi, có một ngày thế này để còn nhớ đến thơ là vui rồi", cụ Tú Nguyên nói. Tuy vậy, một nhà thơ không nêu tên chia sẻ với chút ngậm ngùi: "Độc giả của thơ chẳng thấy đâu. Toàn người trong giới sáng tác vui với nhau thôi".
15h chiều nay (17/2), tại TP HCM tiếp tục diễn ra buổi giao lưu Câu lạc bộ Thơ với sự tham gia của 15 CLB Thơ trên toàn địa bàn. 18h, ngày của thi ca khép lại.
Ý kiến bạn đọc