Nhà văn Văn Hồng tên thật là Bùi Văn Hồng, sinh năm 1931 tại Thạch Hà, Hà Tĩnh. Ông là tác giả của nhiều truyện ngắn, truyện kí, phê bình tiểu luận như: Trên đất Cẩm Bình (truyện ký, 1968); Cá rô ron không vâng lời mẹ (truyện đồng thoại, 1969); Hoa trái mùa đầu (phê bình tiểu luận, 1987); Mười năm ghi nhận (phê bình tiểu luận, 1996); Cô gái bướng bỉnh (truyện ký, 2001); Hương cây - mối tình của tôi (truyện ngắn, 2002); Từ mục đồng đến Kim Đồng (2002); Mai đây đi hết con đường… (chân dung và hồi ức, 2007), Văn học thiếu nhi – nửa thế kỉ một con đường (phê bình tiểu luận, 2012).
Ông từng chia sẻ về lĩnh vực phê bình: “Phê bình là văn học, khoa học về văn chương. Phê bình phải vừa đúng, vừa hay. Với văn nghệ cho thiếu nhi, người sáng tác, người phê bình đều phải xuất phát từ các em, vì các em.”
“Duyên nghiệp làm sao, từ năm 1962, cách đây gần 50 năm, tôi được giao nhiệm vụ làm sách thiếu nhi ở NXB Kim Đồng, suốt ba mươi năm liền. Từ lúc nghỉ hưu, dù sức khỏe sa sút, tôi vẫn tiếp tục theo dõi phong trào sáng tác và viết phê bình – giới thiệu sách cho thiếu nhi. Đó là lý do ở tuổi 80 tôi cố gắng chọn lựa những gì còn đọc được làm nên tập sách này”, trong cuốn sách mới nhất và cũng là cuốn sách cuối cùng của ông Văn học thiếu nhi nửa thế kỉ một con đường, tác giả có tâm sự.
Nhà văn Tô Hoài cũng từng chia sẻ: “Đọc Văn Hồng, tôi có cảm tưởng như tác phẩm mỗi người bạn đều gắn bó với Văn Hồng. Ở mỗi người bạn viết, Văn Hồng đều thấy ra những tâm sự, ước mơ sáng tạo, những ý niệm khác nhau riêng tư của mỗi người, nhưng lại trở thành lực lượng trong phong trào mới nhất, phong phú nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại – phong trào và lực lượng sáng tác cho thiếu nhi mà Văn Hồng đã gắn bó cả đời mình”.
Ở tuổi 82, Văn Hồng đã “đi hết con đường”, ông đã làm việc đến hơi thở cuối cùng để góp phần thúc đẩy một nền văn học thiếu nhi Việt Nam phát triển “ở tầm vóc đất nước ra thế giới” (như nhà văn Tô Hoài đã nói về ông)…
Nguồn tin: Dân Trí
Ý kiến bạn đọc