Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII - 2010 - Một ngày thơ mang tinh thần đại lễ

Thứ ba - 03/11/2009 12:52 3.587 0

Cờ thơ

Cờ thơ
Từ sáng kiến tổ chức Ngày Thơ Nguyên tiêu của Hội Nhà văn Việt Nam tám năm trước, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Ngày Thơ Việt Nam đã trở thành ngày lễ hội thi ca truyền thống hàng năm, lan rộng ra cả nước, thu hút hàng triệu công chúng yêu thơ quan tâm.

Nhưng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VIII, vào rằm tháng Giêng, Canh Dần (2010), có một ý nghĩa rất đặc biệt, có thể coi đây là ngày Đại lễ hội thơ, nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, một trong những sự kiện văn hoá lớn đặc biệt nhất của Nhà nước ta, mà UNESCO quyết định trực tiếp tham gia, nằm trong chuỗi các ngày kỷ niệm lớn, năm 2010 sắp diễn ra. Vì vậy, để chuẩn bị cho ngày hội thơ lớn này, ngày 8-10-2009, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định thành lập Ban Tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VIII (BTC), với 44 nhà văn, nhà thơ, cán bộ Hội là thành viên, do nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam làm Trưởng ban; các nhà văn Lê Văn Thảo, Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội, làm Phó trưởng ban; các ủy viên Ban Chấp hành Trần Đăng Khoa, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh và các nhà thơ, nhà văn có uy tín, kinh nghiệm tổ chức, thuộc Hội đồng thơ, Ban sáng tác, Tuần báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Tạp chí Thơ, Viện Văn học Việt Nam, một số trường Đại học, các cơ quan báo chí và các tổ chức khác tham gia.

 

 

Ngày 22-10-2009, Ban Tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VIII đã họp phiên thứ nhất để trình bày tổng thể chương trình hoạt động, bàn một số giải pháp xúc tiến cụ thể ngay từ bây giờ. Với mục tiêu, Ngày Thơ phải tôn vinh được chủ đề lớn: Lịch sử - Đất nước - Con người. Cuộc thi sáng tác và trình diễn thơ của sinh viên với chủ đề: Thăng Long - Mùa Xuân - Đất nước - Con người…

 

 

Ngày Thơ lần thứ VIII sẽ được triển khai ở ba khu vực chính, phía Bắc tại Hà Nội (gần toàn bộ Ban Chấp hành chỉ đạo), miền Trung tại Huế (do nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyễn Khắc Phê chỉ đạo), phía Nam tại Tp. Hồ Chí Minh (do nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà văn Lê Văn Thảo chỉ đạo). Riêng ở Hà Nội, điểm chính diễn ra Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngoài sân thơ chính, sân thơ trẻ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, còn có sân thơ tại Sơn Tây, với tinh thần “Đưa thơ về xứ Đoài”, một xứ sở vốn là vùng văn hoá, vùng thi ca có sắc thái rất đặc trưng, cũng là thế phong thủy thiên định sông Đà núi Tản, tạo nên một Hà Nội “rồng cuộn hổ ngồi”. Còn có một “sân chơi” dành riêng cho sinh viên, đại diện là các trường đại học lớn, sẽ tổ chức thi sáng tác và trình diễn thơ. Vòng sơ khảo cuộc thi diễn ra tại các trường, vòng chung khảo và đêm liên hoan trình diễn lớn, dự kiến tại Cung Văn hoá Hữu Nghị.

 

 

Những nội dung chính cho Lễ hội Thơ được BTC đưa ra bàn thảo, bao gồm: Lễ cầu siêu các văn nghệ sĩ hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; 100 câu thơ hay để làm lễ thả thơ, nhưng cái mới của lần này là những câu thơ hay còn được in trên bình gốm sứ, quạt, nón - là những sản phẩm nghệ thuật có ý nghĩa và giá trị sử dụng lâu bền sau ngày lễ, mà nhiều bạn đọc yêu thơ, yêu nghệ thuật có thể coi là “hàng hiếm”, muốn được sở hữu; chương trình đọc và trình diễn thơ tại hai sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám (sân Chính, sân Trẻ), có sự tham gia của thơ dịch, thơ thiếu nhi, câu đối và thư pháp, các hoạt động nghệ thuật lồng ghép phụ hoạ. Để làm phong phú cho Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VIII, một trong những hoạt động khởi đầu nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tuần báo Văn nghệ, Tạp chí Thơ, Tạp chí Nhà văn sẽ ra số đặc biệt về thơ; Nhà xuất bản Hội Nhà văn được giao làm bộ sách 1000 bài thơ về Thăng Long - Hà Nội.

 

 

Cùng với việc chuẩn bị cho Hội nghị mang tầm Quốc gia về quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, sẽ tổ chức vào đầu năm 2010, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VIII là một nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, có quy mô và dồn dập thời gian mà Hội Nhà văn Việt Nam đang phải gánh trọng trách. Chính vì vậy, BTC phải chuẩn bị kỹ lưỡng từng khâu tổ chức, phân công trách nhiệm và tiến độ cụ thể, chuẩn bị kịch bản chi tiết, đặc biệt là chất lượng chương trình, sự tác nghiệp phải chuyên nghiệp, để đáp ứng với quy mô và sự hoành tráng của Ngày Thơ. Ngay sau phiên họp của BTC, bộ phân tuyên truyền, tuyển chọn thơ hay, thi sáng tác và trình diễn thơ sinh viên là các cơ quan tiên phong lĩnh ấn. Hy vọng Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VIII sẽ là ngày lễ hội thơ thành công, chào mừng Thăng Long - Hà Nội 1000 năm văn hiến, và là lễ hội đáng ghi nhận trong công chúng yêu thơ Việt.

Nguồn tin: Văn nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây